...

Doanh nghiệp gỗ đối mặt với biến động thị trường

25 Tháng 5, 2020

 

Lúng túng trong việc xử lý các vấn đề hợp đồng

Nhìn nhận từ góc độ pháp lý, LS. Lê Thành Kính, Giám đốc Công ty Luật TNHH Lê Nguyễn, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nhận định, theo thống kê không đầy đủ thì hiện nay nhân lực trong ngành chế biến gỗ chiếm khoảng 300.000 người.

Ngành chế biến xuất khẩu gỗ mang tính thời vụ. Các doanh nghiệp xuất khẩu nhận đơn hàng vào cuối mỗi năm. Sáu tháng tiếp theo là quá trình chuẩn bị nguyên liệu, tổ chức sản xuất. Hàng sẽ bắt đầu được giao vào nửa cuối của năm sau. Từ thời điểm bắt đầu giao hàng đến thời điểm nhận đơn hàng mới cho năm sau là giai đoạn các doanh nghiệp chế biến cần sử dụng nhiều lao động nhất.

Với tính chất mùa vụ như vậy, nhiều doanh nghiệp sử dụng hợp đồng có thời hạn với người lao động, thậm chí lao động không có hợp đồng, đây là vấn đề nan giải mà các doanh nghiệp ngành gỗ phải đối mặt hậu Covid 19. Các tranh chấp hợp đồng lao động phần lớn sẽ liên quan đến: (1) tạm ngưng thực hiện hợp đồng lao động, (2) chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn.

Ngoài vấn đề liên quan đến hợp đồng lao động, trong bối cảnh phải áp dụng lệnh cách ly cũng như việc thu hẹp các nguồn tín dụng cho vay doanh nghiệp xuất khẩu tại nhiều quốc gia vốn là nhà đầu tư lớn của Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với các tranh chấp liên quan đến thực hiện hợp đồng như: (1) hàng đã xuất mà vẫn không nhận được tiền thanh toán; (2) chậm thanh toán đi liền với việc không có khả năng thanh toán hợp đồng; (3) khả năng thực thi của các hợp đồng hiện tại (hoãn, thay đổi hay hủy); (4) thời gian thực hiện hợp đồng…

Một vấn đề liên quan đến giải quyết tranh chấp mà các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần lưu ý khi áp dụng hoãn hoặc không thực hiện hợp đồng theo điều khoản bất khả kháng đối với trường hợp Covid 19 đó là Luật Việt Nam và luật quốc tế đều ghi nhận, trường hợp bất khả kháng có thể được áp dụng trong những điều kiện sau: (1) sự kiện xảy ra một cách khách quan, (2) không lường trước được và (3) không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và mọi khả năng cho phép.

Tuy nhiên cũng cần lưu ý là quy định “bất khả kháng” phải được xem xét thận trọng. Luật quốc tế không cho phép áp dụng Covid-19 như một sự kiện bất khả kháng để miễn trừ thực hiện nghĩa vụ hợp đồng.

Giải thể hay phá sản sau mùa dịch?

Với việc không cân đối được thu - chi, khó khăn về nguồn lực, cơ sở hoạt động, đối tác, nhiều doanh nghiệp gỗ đang tính đến phương án “đường cùng” là phá sản, giải thể doanh nghiệp.

Không chỉ ngành gỗ, theo kết quả một cuộc khảo sát được thực hiện vào đầu tháng 3 với 1.200 doanh nghiệp tham gia, nếu dịch bệnh Covid-19 kéo dài 6 tháng thì gần 74% số doanh nghiệp trả lời có nguy cơ phá sản do doanh thu không thể bù đắp chi phí hoạt động, chi lương cho người lao động, chi trả tiền lãi vay ngân hàng, chi phí thuê mặt bằng cho hoạt động sản xuất kinh doanh cùng các chi phí khác.

Nhiều doanh nghiệp chọn phương án giải thể hoặc phá sản doanh nghiệp để giảm tải gánh nặng. Như chúng ta đã biết, thủ tục phá sản phức tạp hơn, hậu quả pháp lý của phá sản cũng nặng nề hơn rất nhiều so với giải thể nên nếu được lựa chọn thì có lẽ không doanh nghiệp nào “dại dột” mà lựa chọn phá sản.

Chỉ có các doanh nghiệp bị mất khả năng thanh toán lương, thanh toán nợ, không được quyền tiến hành thủ tục giải thể thì mới "bị" phá sản. Doanh nghiệp mất khả năng thanh toán sẽ rơi vào thế bị động, bị người lao động, chủ nợ hoặc các đối tượng khác yêu cầu tòa án tuyên bố phá sản để từ đó tiến hành thủ tục phá sản, bán tài sản để trả nợ, hoặc phục hồi lại hoạt động kinh doanh để có cơ sở trả nợ.

Nếu doanh nghiệp vẫn có thể thanh toán hết lương và các khoản nợ, nhận thấy việc tiếp tục kinh doanh sẽ khó khăn và có khả năng cao bị thua lỗ thì lúc này doanh nghiệp mới có quyền (nên) chọn giải thể. Khi chọn giải thể thì doanh nghiệp ở thế chủ động hơn, thủ tục đơn giản hơn.

 

Xoay sở giữ trạng thái “bảo toàn” chờ phục hồi

Việc dừng các đơn hàng bởi các doanh nghiệp lớn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự sống còn của doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam vốn là bên cung cấp. Các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp cho giai đoạn hậu Covid-19 để tiếp tục phát triển quan hệ thương mại với đối tác cũ, cũng như mở rộng thị phần trong nước như:

- Tìm kiếm các đối tác mới trong tương lai thay vì phụ thuộc vào một vài khách hàng nước ngoài lớn;

- Rà soát tình trạng pháp lý hiện tại của doanh nghiệp đối tác;

- Tạm ngừng hợp đồng hoặc chấp nhận hoãn thanh toán 1-3 tháng;

- Việc tạm ngừng hợp đồng và kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ hợp đồng trong một thời gian ngắn 1-2 tháng thậm chí 3 tháng giữa các đối tác là có thể thương lượng xem xét trên cơ sở quan hệ đối tác giữa các bên;

- Đối với các đối tác có đơn hàng lớn, quan hệ thương mại lâu dài, việc đưa vụ việc thành một tranh chấp pháp lý hay hủy hợp đồng ở giai đoạn này có lẽ là quá sớm, ngoại trừ những vụ việc mà doanh nghiệp nước ngoài là bên mua và đã xác định rõ là mất khả năng chi trả và phá sản hay có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng;

- Với nhiều doanh nghiệp, chi phí cho nhân viên chiếm phần lớn chi phí hoạt động, nên nhiều doanh nghiệp lựa chọn cắt giảm khoản này đầu tiên. Có nhiều phương án đang được sử dụng như cắt giảm giờ làm nhưng giữ nguyên số lượng nhân viên hoặc chuyển nhân viên sang làm việc bán thời gian; đăng ký nghỉ xoay ca; làm việc tại nhà để giảm thiểu chi phí vận hành, thuê mướn, di chuyển hoặc cho nghỉ hẳn.

Việc cho nghỉ hẳn là quyết định không doanh nghiệp nào mong muốn. Tuy nhiên, để tiếp tục tồn tại, nhiều doanh nghiệp vẫn phải cho nhân sự nghỉ việc không lương hoặc ra quyết định nghỉ hẳn với những bộ phận, phòng ban nhất định.

- Đẩy mạnh việc bán hàng online thay cách bán hàng truyền thống;

- Hủy hợp đồng và viện dẫn các điều khoản bất khả kháng.

Mặc dù ngay lập tức doanh nghiệp chưa thể phục hồi, nhưng nếu vẫn giữ hoạt động kinh doanh ở trạng thái “bảo toàn”, cơ hội để doanh nghiệp tái cơ cấu lại là hoàn toàn khả thi.

Theo đánh giá của ông Bùi Hữu Thêm, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA), mặc dù Việt Nam đã có bước tiến đáng kể trong quy trình kiểm soát dịch nhưng vẫn khó có thể kết luận khi nào các đơn hàng mới tiếp tục được thực hiện. Các doanh nghiệp gỗ cần liên tục đề ra kế hoạch phù hợp; theo đó, khi các khách hàng cũ không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng thì doanh nghiệp phải tìm kiếm các nguồn khách hàng mới để tiếp tục tồn tại trên thị trường.

Dịch bệnh không chỉ tác động lên một số quốc gia nhất định mà còn ảnh hưởng đến toàn thế giới vì vậy việc phục hồi đòi hỏi cần có thời gian, phải đến khi đại dịch suy giảm hoặc đi qua thì mới mong có thể quay trở lại nhịp tăng trưởng cũ, ông cho biết.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online ngày 24/05/2020

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI