Ngoài việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, cần gia tăng những giải pháp hỗ trợ để nâng cao năng lực cạnh tranh thực sự của doanh nghiệp.
Khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành DN
Tại dự thảo tờ trình Chính phủ về việc xây dựng dự án Nghị quyết của Quốc hội về một số chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) do Bộ Tài chính công bố mới đây, nhóm DNNVV được đề xuất giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp xuống còn 15-17%, thay vì mức 20% như hiện nay.
Theo đó, thuế suất 15% sẽ áp dụng đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm dưới 3 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người.
Thuế suất 17% áp dụng đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm từ 3 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người.
Song song với đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với doanh nghiệp thành lập mới từ hộ, cá nhân kinh doanh.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, năm 2016, để triển khai Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo nghị quyết của Quốc hội đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN nói chung và DNNVV nói riêng.
Theo đó, từ năm 2017, Bộ Tài chính đã xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung 6 luật về thuế, trong đó tổng hợp nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn cho DN. Dự thảo này đã được Bộ Tài chính gửi xin ý kiến rộng rãi các bộ, ngành nhưng sau đó Chính phủ chỉ tách ra ưu tiên sửa 3 luật trước là Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thuế giá trị gia tăng. Dự án luật này đến nay vẫn chưa đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội.
"Vấn đề đặt ra là Luật Hỗ trợ DNNVV có hiệu lực từ 1/1/2018 đã có quy định ưu đãi thuế cho các đối tượng DN này, nhưng mức thuế suất ưu đãi được quy định trong các luật thuế cụ thể. Để các DN được hưởng thuế suất ưu đãi nhưng phải chờ sửa các luật thuế theo đúng quy trình thì sẽ không đảm bảo lộ trình ưu đãi của Luật Hỗ trợ DNNVV. Do đó, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội về một số chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp hỗ trợ, phát triển DNNVV", bà Hằng chia sẻ.
Theo đại diện Bộ Tài chính, nếu thuế thu nhập doanh nghiệp giảm xuống 15-17% sẽ tạo điều kiện cho các hộ, cá nhân kinh doanh chuyển lên mô hình doanh nghiệp. Qua đó, thực hiện mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu DN; đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu DN và đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu DN. Điều này giúp tăng tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP để đến năm 2020 đạt khoảng 50%, năm 2025 khoảng 55%, đến năm 2030 khoảng 60 - 65%.
"Việc giảm nghĩa vụ này trong ngắn hạn có gây áp lực lên cân đối ngân sách nhưng về dài hạn sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tăng tích tụ, tích lũy, tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, từ đó góp phần tăng thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp cho ngân sách vào những năm sau", đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Chủ trương tốt nhưng chưa đủ
Theo ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), chủ trương giảm thuế thu nhập đối với DN là tốt nhưng chưa đủ. Bởi DNNVV hiện không chỉ gặp khó khăn về thuế mà còn gặp rất nhiều khó khăn khác như: tiếp cận mặt bằng, tín dụng, tiếp cận với công nghệ, với chuỗi thị trường… Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay, nhiều DN làm ăn cầm chừng, không có lãi nên không phải đối tượng nộp thuế.
“Thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ tác động vào DN làm ăn có lời, còn đối với các DN làm ăn cầm chừng, khó khăn thì việc thuế tăng hay giảm cũng không tác động trực tiếp tới hoạt động của họ. Đối với DN nhỏ họ cần hơn là các sắc luật về tài chính, kế toán, làm sao giảm bớt các loại sổ sách đi để DN có thể dễ dàng thuận lợi thực hiện các quy định về tài chính, kế toán, để giảm chi phí tuân thủ”, ông Nam cho hay.
Về đề xuất miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với doanh nghiệp thành lập mới từ hộ, cá nhân kinh doanh, ông Tô Hoài Nam đề nghị, nên tăng thời gian miễn thuế đối với loại hình DN này lên mức 3 năm sẽ hợp lý hơn.
“Đây là khu vực rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ. Theo khảo sát của chúng tôi, lượng thuế hàng năm của khu vực DN này không nhiều nên nếu miễn thuế 3 năm cũng không ảnh hưởng nhiều tới nguồn thu ngân sách. Bên cạnh đó, việc miễn thuế 3 năm cũng sẽ khuyến khích các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi sang thành doanh nghiệp, đúng với chủ trương của Chính phủ hiện nay”, ông Tô Hoài Nam cho hay.
Tuy nhiên, theo TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) tiếp cận nguồn vốn là một trong những vướng mắc mà DN siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể vẫn đang phải đối mặt. Nguồn lực mỏng, vốn hạn hẹp nhưng có những DN siêu nhỏ lại không có thói quen đi vay vốn ngân hàng vì sợ thiếu nợ.
Nếu đáp ứng nhu cầu vay thì họ phải có bản kế hoạch, chiến lược, phương án sản xuất kinh doanh theo yêu cầu của phía ngân hàng trong khi bản thân họ lại không hề muốn công khai minh bạch sổ sách chứng từ. Vì vậy, việc vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất, nâng tầm quy mô đối với các DN siêu nhỏ vẫn còn hạn chế lớn.
Đặc biệt theo ông Thành, vấn đề đặt ra là với số lượng lớn như vậy nhưng “sức khoẻ” của các DN siêu nhỏ như thế nào trong bối cảnh khó khăn về vốn, tài chính luôn đeo đẳng, chưa kể họ có khả năng trụ vững trong cạnh tranh rồi lớn lên thành DNNVV, hay lại loay hoay ở dạng siêu nhỏ hoặc đuối quá thì sau một thời gian ngắn mới thành lập rơi vào “điệp khúc” đóng cửa, giải thể?
Do đó, về lâu dài, Tổng Thư ký VINASME cho rằng, các chính sách hỗ trợ của nhà nước cần tập trung vào các biện pháp hỗ trợ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động và năng lực cạnh tranh của DN. Cần xây dựng chính sách thuế minh bạch, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Đồng thời, việc hỗ trợ DNNVV cần được thực hiện xuyên suốt với nhiều biện pháp khác nhau.
“Ngoài chính sách thuế, cần gia tăng những giải pháp hỗ trợ để nâng cao năng lực cạnh tranh thực sự của DN như hỗ trợ về tiếp cận tín dụng, tiếp cận mặt bằng, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ tiếp cận đổi mới khoa học công nghệ, xúc tiến mở rộng thị trường… để hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ngày một hiệu quả, chất lượng”, ông Tô Hoài Nam nêu ý kiến.