Vụ tranh chấp dưới đây (MSC Mediterranean Shipping Company SA v. Glencore International AG (MSC Eugenia) [2017] EWCA Civ 365) được nêu trong tài liệu của Văn phòng Luật Quốc tế, Luân Đôn (International Law Office, London, 11/07/2017) để bạn đọc tham khảo.
Sự việc
Người giao hàng khiếu nại Người vận chuyển liên quan đến 02 container chứa than cô-ban (cobalt briquettes) bị mất trộm tại cảng Antwerp. Hàng hóa đã được trả theo ERS mà Cảng Antwerp đã sử dụng từ đầu năm 2011. Trước khi xảy ra tranh chấp này, Người vận chuyển đã sử dụng ERS cho 69 chuyến hàng của cùng một Người giao hàng thông qua các đại lý tại địa phương của Người giao hàng mà không xảy ra vấn đề gì. Tuy vậy, bản thân Người giao hàng cũng không biết rằng ERS đã được sử dụng cho những chuyến hàng này.
ERS được thiết kế để thay thế cho việc Người vận chuyển cần phải cấp lệnh giao hàng bằng giấy hoặc để trả hàng (release) khi thu hồi vận đơn. Thay vào đó, khi nhận được một vận đơn từ Người giao hàng, Người vận chuyển sẽ gửi bằng phương thức gửi trực tuyến (email) cho đại lý của Người giao hàng một Giấy giao hàng có PIN gồm bốn chữ số. Đại lý, sau đó, sẽ có thể sử dụng PIN để nhận hàng tại cảng từ Người vận chuyển trong một khoảng thời gian đã định.
Đối với chuyến hàng thứ 70 này, Người giao hàng đã gửi cho đại lý của mình các vận đơn liên quan theo cách thông thường. Các vận đơn nêu rõ rằng vận đơn sẽ được nộp để nhận "Hàng hoá hoặc Lệnh giao hàng". Đại lý đã gửi một trong những vận đơn đó cho Người vận chuyển và sau đó, Người vận chuyển đã gửi bằng phương thức gửi trực tuyến (email) cho đại lý Giấy giao hàng cho 03 container. Tuy vậy, khi đại lý chuẩn bị nhận các container thì thấy 02 container trong số đó đã bị một bên thứ ba chưa xác định được là ai nhận trước đó và thực tế là đã bị lấy trộm.
Bản án của Tòa án cấp sơ thẩm
Tòa án cấp sơ thẩm đã ra bản án chấp nhận khiếu nại của Người giao hàng rằng Người vận chuyển đã giao hàng nhầm. Do đó, Người vận chuyển kháng cáo bản án sơ thẩm.
Bản án của Tòa án cấp phúc thẩm
Toà án cấp phúc thẩm đã giữ nguyên bản án của Tòa án cấp sơ thẩm rằng một Giấy giao hàng (release note) có chứa số định dạng cá nhân (PIN) và được phát hành thông qua ERS không phải là "lệnh giao hàng " (delivery order) theo yêu cầu của vận đơn hoặc trong phạm vi của định nghĩa về "lệnh giao hàng của tàu" (ship’s delivery order) theo Luật vận chuyển hàng hóa bằng đường biển năm (COGSA) 1992. Riêng Giấy giao hàng có chứa PIN chỉ được sử dụng như là một bản chỉ thị cho cảng được phép giao hàng (to permit delivery) chứ không phải là việc giao hàng theo yêu cầu nêu trên.
Toà án cấp phúc thẩm quyết định rằng không phải Giấy giao hàng hoặc Giấy giao hàng kết hợp với PIN điện tử đã tạo thành "lệnh giao hàng" theo yêu cầu của vận đơn. Sự kết hợp đó cũng không phải là "lệnh giao hàng của tàu" theo quy định tại Mục 1 (4) Luật vận chuyển hàng hoá đường biển (COGSA) 1992, cụ thể, là cam kết:
"(a) được đưa ra theo hoặc có quan hệ đến hợp đồng vận chuyển bằng đường biển đối với hàng hóa mà tài liệu có liên quan hoặc nêu rõ về hàng hoá đó; và
(b) là cam kết của người vận chuyển đối với một người được xác định trong chứng từ để giao hàng mà chứng từ liên quan đến người đó".
Giấy giao hàng trong trường hợp này không phải là một lệnh giao hàng vì nó không có cam kết của Người vận chuyển sẽ giao hàng cho bên được xác định trong lệnh giao hàng, mà lẽ ra phải là Người giao hàng hoặc đại lý của họ.
Toà án cấp phúc thẩm cũng bác bỏ lập luận rằng trong trường hợp này việc cung cấp cho Người giao hàng mã PIN là biểu tượng, hay bước đầu của việc giao hàng và dẫn đến việc giao hàng, hay còn gọi một cách hình ảnh là giao chìa khoá nhà kho nơi để container (providing the Shipper with the PIN code was a symbolic delivery of the goods and amounted to delivering the keys to the warehouse where the containers were stored). Thay vào đó, Người vận chuyển vẫn giữ quyền kiểm soát thực tế hàng hóa (physically), hàng vẫn nằm tại bãi riêng của họ trong phạm vi cảng, nếu lựa chọn như vậy, và nếu có thể thì hủy PIN được cấp cho Người giao hàng trước khi trả hàng. Trong ngữ cảnh của vận đơn, giao hàng phải là giao thực tế (physical delivery), chứ không phải là cung cấp một phương tiện truy cập.
Cuối cùng, Toà án cấp phúc thẩm đã bác bỏ lập luận rằng Người giao hàng đã mất quyền đưa ra vấn đề về việc sử dụng hệ thống ERS bởi vì đại lý của họ đã đồng ý sử dụng nó nhiều lần trước đó. Bản thân Người giao hàng đã không biết rằng hệ thống ERS đã được sử dụng và đại lý của họ không có quyền từ bỏ các yêu cầu giao hàng theo vận đơn. Hơn nữa, thực tế trước đó người giao hàng đã không phản đối việc sử dụng mã PIN không có nghĩa là họ không phản đối khi hàng hoá của họ không được giao cho họ hoặc đại lý của họ và kết quả là hàng đã bị mất trộm.
Bản án của Tòa án cấp phúc thẩm đã gây được sự chú ý bởi vì ERS ngày càng được sử dụng phổ biến tại các cảng, đặc biệt là những cảng container lớn. Do đó, bản án này là lời cảnh báo cho người vận chuyển sử dụng hệ thống ERS rằng họ có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu hàng hoá mà họ vận chuyển bị giao trả trái pháp luật bằng việc sử dụng không phù hợp số PIN mà họ đã cấp.
Bình luận
Bản án của Toà án cấp phúc thẩm được một số người bình luận là còn thiếu tính thực tiễn trong nghề và chưa theo kịp với tiến bộ công nghệ của thế kỷ 21 trong ngành vận tải biển. Tuy vậy, những người đang và sắp sử dụng hệ thống ERS nên cân nhắc việc đưa các điều khoản riêng, phù hợp vào hợp đồng để giải quyết vấn đề giấy giao hàng và số định dạng cá nhân (PIN), liệu các bên có coi chúng (giấy giao hàng và số định dạng cá nhân) là tương đương với lệnh giao hàng hay không. Ngoài ra, việc lạm dụng số PIN cũng cần được xem xét để phòng tránh rủi ro./.
Theo Ngô Khắc Lễ | Trọng tài viên VIAC