...

Luật nghiêm cấm kê khai khống vốn điều lệ, nhưng...

18 Tháng 3, 2020

Vốn điều lệ là một con số đặc biệt quan trọng trong công ty, nhưng khi đăng ký thành lập doanh nghiệp thì có thể ghi bao nhiêu cũng được, thậm chí chỉ cần 1 đồng, trừ trường hợp thuộc lĩnh vực có yêu cầu về mức vốn pháp định.

Vốn pháp định

Trong mỗi doanh nghiệp nói chung có nhiều loại vốn khác nhau, như: vốn pháp định, vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu, vốn tự có, vốn huy động, vốn đầu tư, vốn nhận ủy thác...

Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2005 trước đây, thì vốn pháp định được hiểu là số vốn tối thiểu phải có theo quy định của pháp luật để thành lập doanh nghiệp. Vốn pháp định, thường được giải thích là nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi của chủ nợ và khách hàng (suy cho cùng cũng là chủ nợ). Tuy nhiên, với một mức vốn tối thiểu như nhau áp dụng cho các doanh nghiệp có quy mô vô cùng khác nhau, nên vốn pháp định gần như chỉ có ý nghĩa trong giai đoạn khởi nghiệp.

Doanh nghiệp hoạt động trong một số lĩnh vực như bảo hiểm, bảo vệ, bất động sản, chứng khoán, ngân hàng, hàng không, kiểm toán,... bắt buộc phải có vốn pháp định (cao nhất là 5.000 tỉ đồng đối với ngân hàng chính sách).

Đối với một số hoạt động, ngoài vốn pháp định, còn phải ký quỹ một khoản tiền nhất định tại ngân hàng như dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài hay bán hàng đa cấp.

Một số trường hợp tuy không có yêu cầu mức vốn pháp định nhưng lại phải ký quỹ tại ngân hàng trong suốt quá trình hoạt động, như dịch vụ giới thiệu việc làm hay kinh doanh dịch vụ lữ hành.

 

Quy định ký quỹ trong các trường hợp trên thực chất là yêu cầu tăng thêm, cao hơn, để khắc phục sự thất bại và thay thế vai trò của vốn pháp định.

Vốn điều lệ

Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định “vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán hoặc đã được đăng ký mua khi thành lập doanh nghiệp đối với công ty cổ phần”.

"Về bản chất, vốn điều lệ chỉ làm cơ sở để các thành viên thỏa thuận về tỷ lệ sở hữu và cơ cấu vốn. Vì vậy, việc bắt buộc có và phải ghi nhận vốn điều lệ trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là không hợp lý và không cần thiết".

Vốn điều lệ phải được ghi nhận trong điều lệ và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Tuy không có quy định về số vốn điều lệ tối thiểu, nhưng nó không được thấp hơn mức vốn pháp định trong trường hợp phải có.

Mỗi thành viên công ty có thể sở hữu từ một phần vô cùng nhỏ bé cho đến toàn bộ số vốn điều lệ. Tất nhiên, có một số giới hạn tỷ lệ sở hữu vốn, như một cổ đông thì không thể sở hữu 100% vốn của công ty cổ phần (vì phải dành ít nhất 2 cổ phần cho 2 cổ đông khác), mỗi cá nhân sở hữu không quá 5% vốn điều lệ của ngân hàng hay một số giới hạn sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp Việt Nam.

Khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, các thành viên chưa nhất thiết phải góp vốn điều lệ, nhưng họ buộc phải hoàn thành việc này trong thời hạn ba tháng (trước đây là ba năm). Nếu quá hạn mà không góp đủ thì sẽ phải làm thủ tục giảm vốn. Luật nghiêm cấm việc “Kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký; cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị”. Nếu vi phạm thì sẽ bị phạt từ 10-30 triệu đồng theo Nghị định số 50/2016/NĐ-CP.

Sau khi đã thành lập, công ty chỉ được đăng ký tăng vốn điều lệ đúng với số tiền đã góp thêm (khác với trước năm 2015).

Tuy nhiên, trên thực tế thì rất khó biết tình trạng vốn ảo. Nếu chưa góp đủ vốn thì pháp luật thuế sẽ loại trừ hạch toán phần chi phí tương ứng với số vốn còn thiếu. Vì doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm, nên việc xử phạt chỉ xảy ra khi cơ quan chức năng tiến hành việc thanh kiểm tra.

Luật Doanh nghiệp cũng quy định cụ thể các trường hợp giảm vốn điều lệ. Chẳng hạn, công ty cổ phần có thể giảm vốn điều lệ trong ba trường hợp: công ty hoàn trả một phần vốn cho cổ đông (sau khi đã hoạt động hơn hai năm và bảo đảm thanh toán đủ nợ); công ty mua lại cổ phần đã phát hành; và vốn điều lệ không được góp đủ sau khi thành lập ba tháng. Như vậy, công ty đăng ký vốn điều lệ lên đến 144.000 tỉ đồng vào tháng 2 vừa qua tại Hà Nội, nếu làm thủ tục giảm vốn thì phải chờ qua ba tháng. Những người thành lập phải chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian chưa giảm vốn tương ứng với phần vốn còn thiếu.

Vai trò của vốn điều lệ

Hiện nay, vốn điều lệ vẫn là cơ sở quan trọng, không thể thiếu đối với công ty như để xác định: quyền và trách nhiệm của thành viên, công ty mẹ con, đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước...

Tuy nhiên, về bản chất, vốn điều lệ chỉ làm cơ sở để các thành viên thỏa thuận về tỷ lệ sở hữu và cơ cấu vốn. Vì vậy, việc bắt buộc có và phải ghi nhận vốn điều lệ trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là không hợp lý và không cần thiết vì một số lý do như sau:

Thứ nhất, mục tiêu không rõ ràng, không hợp lý, nhất là một số loại hình doanh nghiệp không cần ghi nhận vốn điều lệ như công ty luật (theo Luật Luật sư) hay bỏ vốn đầu tư đối với doanh nghiệp tư nhân (trước năm 2015 phải có).

Thứ hai, việc ghi nhận vốn điều lệ và cho phép kéo dài thời hạn góp vốn điều lệ ba tháng (trước là ba năm), là không có sơ sở chắc chắn, gây ra tình trạng nhầm lẫn, vốn khống, vốn ảo và nguy cơ tranh chấp.

Thứ ba, vốn điều lệ nếu không gắn với vốn pháp định thì có thể gần bằng không, hay nói cách khác, số vốn tối thiểu để thành lập công ty có thể chỉ là 1 đồng, thậm chí là 1 xu. Sở dĩ ví dụ con số 1 đồng, vì nó là đơn vị tiền tệ hợp pháp của Việt Nam, dù không sử dụng được trên thực tế.

Thứ tư, nhiều tỷ lệ ràng buộc giao dịch liên quan đến vốn không căn cứ vào vốn điều lệ mà căn cứ vào vốn chủ sở hữu hay giá trị tài sản. Chẳng hạn như quy định: việc bán tài sản có giá trị bằng 35% tổng giá trị tài sản trở lên phải do đại hội đồng cổ đông quyết định.

Thứ năm, Nhà nước không nên tiếp tục cập nhật và ký tên, đóng dấu công nhận một con số hình thức, ít ý nghĩa, thậm chí vô nghĩa suốt cả vòng đời doanh nghiệp, vì sau một thời gian hoạt động, giá trị vốn điều lệ thường xuyên thay đổi, được sử dụng hết, thậm chí còn bị tính là một số âm như đối với ba ngân hàng đã bị mua với giá 0 đồng vào năm 2017-2018.

Thứ sáu, ngay cả ý nghĩa thống kê số vốn đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp cũng không thực chất, mà bằng chứng sinh động vừa xảy ra là việc một công ty có thể đăng ký số vốn ảo làm thay đổi khá lớn số liệu thống kê quốc gia.

Theo LS. Trương Thanh Đức | Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO, Trọng tài viên VIAC, đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ngày 08/03/2020

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI