Tóm tắt sự việc
Một công ty giao nhận làm dịch vụ logistics ("Công ty") cho khách hàng để bán một lô hàng gốm sứ đóng trong container từ Việt Nam, giao hàng cho người mua tại một cảng cạn (ICD) của Nê Pan (Nepal). Vì Nepal không có biển nên hàng phải đi qua một cảng biển của Ấn Độ gần nhất với Nepal ("Cảng biển"), sau đó container được kéo bằng đường bộ đến ICD. Lô hàng do một hãng vận tải biển vận chuyển. Do không có đại lý giao hàng ở chặng cuối nên Công ty đã sử dụng vận đơn của hãng tàu, loại "đã nộp" (surrendered bill of lading), cước vận chuyển trả trước nhưng chỉ đối với chặng Việt Nam - Ấn Độ. Chặng từ Cảng biển đi ICD thì do giá kéo container bằng đường bộ thay đổi liên tục nên hãng tàu khuyến nghị để người nhận hàng (consignee) trả. Công ty báo giá cho khách hàng theo điều kiện cước đường bộ trả sau bởi người nhận hàng.
Container được bốc lên tàu và rời cảng Việt Nam mà không xảy ra vấn đề gì. Công ty cho rằng mọi việc đều ổn thỏa và hàng đã đến nơi nhận sau một thời gian hợp lý thông thường. Công ty cũng đã vài lần hỏi hãng tàu về tình hình lô hàng nhưng họ đều nói sẽ kiểm tra và báo lại nhưng thực tế không cung cấp thông tin cho Công ty. Sau một thời gian khá dài, Người nhận hàng thông báo với Người giao hàng (shipper) là chưa thấy hàng đến. Công ty kiểm tra lại với hãng tàu thì được biết là hàng đã đến Cảng biển từ đã lâu nhưng không được chuyển tiếp đến ICD. Đại diện hãng tàu tại Việt Nam đã không tích cực kiểm tra thông tin cho Công ty. Đại lý của hãng tàu tại Cảng biển ở Ấn Độ báo là không liên hệ được với Người nhận hàng để họ (Người nhận hàng) làm thủ tục chuyển tiếp hàng từ Cảng biển. Sau này, khi Người giao hàng/Công ty hệ được với Người nhận hàng thì họ cho biết không làm được thủ tục này do quá phức tạp, đòi hỏi có nhiều giấy tờ mà họ không thể có và xác nhận rằng họ đã không làm thủ tục chuyển tiếp hàng từ cảng biển mà chỉ đợi hàng đến ICD mà thôi.
Lô hàng phải nằm tại Cảng biển khá lâu với chi phí lưu container hơn 10.000 USD để chờ Công ty tìm đối tác hỗ trợ việc chuyển tiếp lô hàng. Công ty cho rằng đại lý của hãng tàu tại Cảng biển chỉ một lần thông báo hàng đến và không cập nhật tình hình vận chuyển lô hàng là thiếu mẫn cán nên phải chịu trách nhiệm về thiệt hại này. Hãng tàu viện dẫn hợp đồng (booking note) và vận đơn để cho rằng họ không chịu trách nhiệm như Công ty nêu. Theo các văn bản này, hãng tàu không có trách nhiệm làm thủ tục chuyển tiếp lô hàng từ Cảng biển cũng như thông báo hàng đến. Tuy vậy, Công ty cho rằng mặc dù họ không đọc kỹ các điều khoản của hợp đồng và vận đơn nhưng việc hãng tàu không thông báo những thông tin liên quan đến lô hàng mà coi như khách hàng phải tự tìm hiểu thì cũng không thể chấp nhận được về mặt trách nhiệm của người vận chuyển (hãng tàu).
Phân tích và lưu ý
1. Mục “Thông báo” trên vận đơn thường viết là “Địa chỉ thông báo” (Notify Party) hoặc “Thông báo”(Notify) cùng với tên và thông tin liên hệ (địa chỉ, số điện thoại…) được ghi ở mục này. Nhiều người cho rằng người vận chuyển có nghĩa vụ thông báo hàng đến theo thông tin nêu tại mục này. Tuy vậy, hãng tàu (người vận chuyển) không có trách nhiệm thông báo hàng đến theo địa chỉ này trên cơ sở vận đơn thường có điều khoản quy định: “Thương nhân [người giao hàng, người giữ vận đơn…] có trách nhiệm liên hệ với Người vận chuyển [hãng tàu] để biết thời gian Hàng đến cảng. Người vận chuyển không có nghĩa vụ thông báo Hàng đến cảng và Người vận chuyển hoặc đại lý của họ không chịu bất kỳ trách nhiệm gì về việc không thông báo Hàng đến như nêu trên”. (It shall be the responsibility of the Merchant to contact the Carrier regarding time of arrival of the Goods. The Carrier is not obliged to give notice of the arrival of the Goods and no responsibility whatsoever shall attach to the Carrier or his agents for not giving such notice of the arrival of the Goods). Trên vận đơn, "Thương nhân" được định nghĩa là “người giao hàng, người nhận hàng, người giữ vận đơn, và bất kỳ người nào được ký hậu vận đơn này và/hoặc bất kỳ ai thay mặt những người nêu tại đây”.
2. Khi ký Hợp đồng, Công ty không yêu cầu hãng tàu làm đúng với bản chất về mặt vận chuyển của lô hàng là vận tải đa phương thức vì “nơi đến cuối cùng” (final destination) là ICD nhưng Công ty không ký hợp đồng với hãng tàu để vận chuyển tiếp hàng đến đây thì hãng tàu chỉ có nghĩa vụ chở hàng đến Cảng biển.
3. Công ty chỉ trả cước vận chuyển đến Cảng biển ở Ấn Độ cũng như đã thông báo cho hãng tàu là người nhận hàng tự lo liệu mọi thủ tục, chi phí để nhận và chuyển tiếp hàng đi ICD ở Nepal. Do đó, Công ty cho rằng hãng tàu có nghĩa vụ thu xếp việc chuyển tiếp lô hàng từ Cảng biển đi ICD là không có cơ sở.
4. Nhiều hãng tàu sử dụng vận đơn là loại dùng cho cả đơn phương thức (port to port) và đa phương thức (combined/multi-modal transport). Vì vậy, cần chú ý thuật ngữ “Port of Destination” (cảng đến) là cảng biển chứ không phải nơi nào khác và “Final Destination” (nơi đến cuối cùng) hoặc “Final Delivery” (nơi giao hàng cuối cùng) là đích đến sau cảng biển và thuộc vận tải đa phương thức trong trường hợp này.
5. Mặc dù hãng tàu từ chối trách nhiệm bồi thường là có cơ sở nhưng lẽ ra nên cho Công ty biết ngay từ khi được hỏi về lô hàng, rằng họ không có trách nhiệm thông báo để Công ty xử lý phù hợp./.
Theo Ngô Khắc Lễ | Trọng tài viên VIAC