...

Lưu ý về thời hiệu, thương lượng, tiền lãi qua một vụ tranh chấp

06 Tháng 5, 2020

Vụ kiện dưới đây tại một trung tâm trọng tài để bạn đọc tham khảo về các vấn đề nêu trên trong hoạt động thực tiễn của mình.  

Tóm tắt sự việc  

Một công ty của Mỹ (“Nguyên đơn”) cho một công ty Việt Nam (“Bị đơn”) thuê container theo các Hợp đồng ký năm 2007 và 2011 ("Hợp đồng"). Việc thực hiện Hợp đồng diễn ra trong thời gian dài diễn mà không xảy ra vấn đề gì đáng kể. Tuy vậy, Bị đơn còn nợ Nguyên đơn một khoản tiền thuê container. Do đó, ngày 11/08/2015 các Bên đã ký Bản thỏa thuận xác nhận Bị đơn sẽ trả nợ Nguyên đơn (“Bản thỏa thuận”) tiền thuê container trong vòng 20 tháng và không tính tiền lãi nếu Bị đơn thực hiện đúng cam kết. Do Bị đơn không trả nợ, ngày 14/08/2017 Nguyên đơn khởi kiện tại trọng tài nhưng Bị đơn cho rằng thời hiệu khởi kiện là 02 năm (tính từ ngày 11/08/2015) đã hết theo quy định tại Điều 319 Luật thương mại 2005 nên Nguyên đơn mất quyền khởi kiện.

Theo Bản thỏa thuận, tính đến ngày 31/07/2015, Bị đơn còn nợ Nguyên đơn: (i) tiền thuê container (nợ gốc): 99.667,72 USD; (ii) tiền lãi phát sinh do chậm thanh toán: 64.277,82 USD. Hai bên thỏa thuận thanh toán toàn bộ nợ gốc (99.667,72 USD) trong vòng 20 tháng, mỗi tháng tối thiểu 5.000 USD, bắt đầu từ tháng 8/2015 với lịch trả nợ chi tiết được nêu trong Phụ lục 01 (mỗi tháng trả 5.000 USD vào ngày 15 hàng tháng từ 15/08/2015 đến 15/02/2017 và trả số tiền nợ còn lại là 4.667,72 USD từ 15/02/2017 đến 15/03/2017). Nếu Bị đơn thực hiện đúng hạn 20 đợt thanh toán, Nguyên đơn sẽ từ bỏ tất cả các khoản tiền lãi. Nếu Bị đơn không thực hiện đúng lịch trả nợ cho bất kỳ khoản thanh toán nào đến hạn, tất cả các đợt thanh toán còn lại bị xem là đến hạn và Nguyên đơn khôi phục quyền tính lãi theo thỏa thuận trong Hợp đồng.   

 Bài học kinh nghiệm qua phân tích của Hội đồng Trọng tài

  1. Trong Bản tự bảo vệ đề ngày 05/10/2017, Bị đơn phản đối quan điểm của Nguyên đơn và cho rằng thời hiệu khởi kiện đã hết nên Nguyên đơn mất quyền khởi kiện. Hội đồng Trọng tài nhận định rằng Bị đơn thừa nhận còn nợ và cam kết trả nợ cho Nguyên đơn, cụ thể, trong Bản thỏa thuận  hai bên xác nhận tính đến ngày 31/07/2015 Bị đơn còn nợ Nguyên đơn tiền thuê container (nợ gốc) là 99.667,72 USD và Bị đơn “thỏa thuận thanh toán toàn bộ tiền nợ gốc 99.667,72 USD trong vòng 20 tháng […] bắt đầu từ tháng 8/2015” theo lịch trả nợ được thỏa thuận tại Phụ lục 01. Mặt khác, tại phiên họp giải quyết tranh chấp ngày 28/11/2017, Bị đơn tiếp tục thừa nhận nợ gốc là 99.667,72 USD, và yêu cầu Nguyên đơn tính lại tiền lãi. Tại văn bản ngày 05/12/2017, Bị đơn không đồng ý yêu cầu tính lãi nhưng không có ý kiến phản đối về nợ gốc. Vì vậy, Hội đồng Trọng tài quyết định rằng thời hiệu khởi kiện 02 năm (theo Điều 319 Luật thương mại 2005)  đã được bắt đầu lại theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 157 Bộ luật Dân sự 2015) như sau: “Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện”. Do đó, quan điểm của Bị đơn là thời hiệu khởi kiện đã hết không được Hội đồng Trọng tài chấp nhận. 
  1. Nguyên đơn đòi 64.277,82 USD tiền lãi do chậm thanh toán (“tiền lãi”), (lẽ ra, đây là phí dịch vụ, không phải tiền lãi) cho thời gian là 42,961 tháng (làm tròn là 43 tháng), nhưng lại áp dụng cách tính phí dịch vụ quy định tại các hợp đồng năm 2007 và 2011. Hội đồng Trọng tài xét thấy: (i) Nguyên đơn đòi tiền lãi chứ không đòi phí dịch vụ, nên Nguyên đơn không được áp dụng cách tính phí dịch vụ để tính tiền lãi; (ii) Nguyên đơn có dẫn chiếu định nghĩa cụm từ“in-service charges” (phí dịch vụ)  trong đó có đoạn “… including without limitation, fines, penalties and interest thereon” (bao gồm nhưng không giới hạn ở tiền phạt, tiền lãi đối với tiền phạt) để cho rằng Nguyên đơn được tính phí dịch vụ bao gồm cả quyền tính tiền lãi. Thuật ngữ interest (tiền lãi) trong phần định nghĩa này không được tách rời với từ ‘thereon”(đối với)  đằng sau nó và phải được hiểu là tiền lãi đối với tiền phạt bao hàm trong nghĩa của “phí dịch vụ”, không liên quan đến tiền lãi do chậm thanh toán. Do đó, Hội đồng Trọng tài nhận thấy không có cơ sở chấp để nhận yêu cầu này của Nguyên đơn. Tuy vậy, việc tính tiền lãi là 64.277,82 USD đến ngày 31/07/2015 theo cách tính phí dịch vụ lại được Bị đơn chấp nhận tại Bản thỏa thuận. Hội đồng Trọng tài xét thấy việc thỏa thuận này không trái với quy định của pháp luật nên có cơ sở để chấp nhận. 
  1. Đối với yêu cầu tiền lãi là 35.880,38 USD (từ 01/08/2015 đến 01/08/2017), do các bên không có thỏa thuận nên Hội đồng Trọng tài căn cứ Điều 306 Luật Thương mại 2005 để giải quyết. Về thời gian chậm thanh toán, căn cứ vào Bản thỏa thuận, thời gian tính tiền lãi bắt đầu từ ngày 01/08/2015 đến thời điểm Nguyên đơn yêu cầu là 01/08/2017. Về lãi suất, Hội đồng Trọng tài căn cứ vào thông báo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tình hình hoạt động của ngân hàng tháng 12/2017, theo đó lãi suất cho vay USD trung hạn (12 tháng đến 60 tháng) phổ biến ở mức 4,6%/năm đến 6%/năm. Hội đồng Trọng tài lấy mức trung bình là: 5,3%/năm. Như vậy, lãi suất nợ quá hạn trung bình là 7,95%/năm (150% lãi suất vay USD trung hạn lấy ở mức trung bình). Tiền lãi do chậm tranh toán là 99.667,72 USD x 7,95% : 12 tháng x 24 tháng = 15.847,17 USD. Trên cơ sở phân tích nêu trên, Hội đồng Trọng tài chấp nhận một phần yêu cầu tính tiền  lãi của Nguyên đơn, buộc Bị đơn thanh toán tiền lãi chậm trả cho Nguyên đơn từ ngày 01/08/2015 đến ngày 01/08/2017 là 15.847,17 USD. Như vậy, Bị đơn phải thanh toán tổng số tiền lãi chậm trả cho Nguyên đơn là 80.124,99 USD./.

Theo Ngô Khắc Lễ | Trọng tài viên VIAC

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI