Theo thống kê của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (BĐS), hiện nay, cả nước có 215 dự án BĐS có khiếu nại, tranh chấp, trong đó có 108 dự án xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư với cư dân, 107 dự án có khiếu nại, tranh chấp về thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng và những nội dung dân sự khác.
Một trong những lý do quan trọng được các luật gia chỉ ra xuất phát từ những bất hợp lý trong khung khổ pháp luật trong lĩnh vực này. Thậm chí có trường hợp nghị định hướng dẫn trái luật, có thể vô hiệu hóa luật, gây ra rủi ro lớn cho người mua nhà.
Đơn cử, theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), khoản 2 Điều 55 Luật Kinh doanh BĐS về “Điều kiện của BĐS hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh” đã quy định rõ “Trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, chủ đầu tư phải có văn bản thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh về việc nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua”.
Trong khi đó, đoạn 3, điểm b, khoản 2 Điều 19 về “Ký hợp đồng huy động vốn cho phát triển nhà ở thương mại” của Nghị định 99/2015 (quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở) lại nêu: “Trường hợp chủ đầu tư đã gửi hồ sơ nhưng quá thời hạn quy định tại điểm này mà sở xây dựng không có văn bản thông báo và nhà ở đó đã đủ điều kiện được bán, cho thuê mua thì chủ đầu tư được quyền ký hợp đồng mua bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai nhưng phải chịu trách nhiệm về việc bán, cho thuê mua nhà ở này”. Theo ông Đức, quy định này là trái luật, cần phải được bãi bỏ.
Chính phủ đã hướng dẫn mở rộng luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN), nhưng đã nhầm lẫn, thành ra đã đi ngược lại yêu cầu cốt lõi ở đây là cần bảo vệ khách hàng (người tiêu dùng, người dân) trong mối quan hệ giữa DN với khách hàng, chứ không phải mối quan hệ giữa DN với Nhà nước.