...

Nhìn từ vụ 36 container hạt điều bị mất quyền kiểm soát: Hai bài học cho doanh nghiệp Việt

16 Tháng 3, 2022

Từng có nhiều năm công tác tại Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), Luật sư Trần Hữu Huỳnh xác nhận, những vụ lừa đảo trong thương mại quốc tế tương tự không phải đến giờ mới có. “Bài học muôn thuở cho các doanh nghiệp là cần tìm hiểu thật kỹ đối tác, thị trường. Nếu ngại tốn kém, không tìm hiểu kỹ, cái giá phải trả sẽ rất đắt”, ông khuyến cáo.

Rủi ro từ chính phương thức thanh toán?!

Vụ việc 100 container hạt điều xuất khẩu sang Italy có nguy cơ bị lừa đảo với 36 container trị giá trên 160 tỷ đồng mất quyền kiểm soát (thất lạc chứng từ gốc) đang nhận được sự quan tâm của dư luận.

Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết, trong vụ việc này, 17 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều đã ủy nhiệm thu cho 5 ngân hàng Việt Nam thông qua phương thức nhờ thu trả tiền trao chứng từ (Documents against Payment - D/P). Đây là hình thức thanh toán nhờ thu kèm chứng từ, tức người nhập khẩu chỉ lấy được bộ chứng từ khi đã chuyển vào ngân hàng đủ số tiền thanh toán. Vấn đề đặt ra là phải chăng, phương thức này chính là nguyên nhân đẩy các doanh nghiệp vào rủi ro?

Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương Trần Thanh Hải, trong thương mại quốc tế có 3 phương thức thanh toán chủ yếu. Một là, điện chuyển tiền (T/T - Telegraphic Transfer) với ưu điểm là thực hiện nhanh chóng, dễ dàng, không có nhiều điều kiện, thủ tục và thường áp dụng với những đối tác lâu năm, có độ tin cậy cao.

Hai là, trả tiền nhận chứng từ (D/P). Người bán và người mua sử dụng ngân hàng như một đơn vị trung gian, bảo đảm. Với phương thức này, khả năng rủi ro của người bán sẽ thấp hơn vì nếu người mua không trả tiền thì sẽ không thể lấy được hàng. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể sử dụng phương thức tương tự là CAD (Cash against Documents.).

Ba là, thư tín dụng (L/C - Letter of Credit). Khi ngân hàng nhận được bộ chứng từ do người bán gửi đến và kiểm tra bộ chứng từ đó phù hợp với quy định trong L/C thì ngân hàng sẽ trả tiền cho người bán. Đây là phương thức thanh toán bảo đảm nhất cho người bán nhưng lại bất lợi nhất cho người mua (bị đọng vốn ở ngân hàng). Thực tế, L/C cũng không phải là phương thức thanh toán phổ biến nhất trong thương mại nông sản.

“Bản chất của D/P, CAD hay L/C đều là nhờ thu qua ngân hàng. Tất cả phương thức này đều phải trả tiền cho bộ chứng từ trước khi nhận hàng nên xét về mặt chứng từ thì tính an toàn tương đương nhau. Còn một khi đã có ý đồ lừa đảo để lấy mất chứng từ thì rủi ro đó nằm ngoài phương thức thanh toán, kể cả L/C”, ông Hải cho biết.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Thành viên Ban điều hành VIAC xác nhận, phương thức L/C thường có thủ tục phức tạp và tốn kém. Do vậy, đối với các hợp đồng mua bán nông sản thường quy mô nhỏ nên không ưu tiên lựa chọn. Thay vào đó, các doanh nghiệp sẽ chọn phương thức thanh toán như D/P. “Trong trường hợp này, nếu trách doanh nghiệp không chọn phương thức thanh toán để giảm bớt rủi ro như phương thức L/C là không thỏa đáng và không phù hợp thực tế. Bởi hơn ai hết, doanh nghiệp sẽ nắm rõ điều gì tốt cho chính họ”, ông Huỳnh nhấn mạnh.


Nguồn: ITN

Chung tay để tìm giải pháp khả dĩ nhất

Hiện, vụ việc này đang được các doanh nghiệp liên quan, Vinacas cùng các cơ quan nhà nước khẩn trương tháo gỡ.

Thông tin của Thương vụ Việt Nam tại Italy cho biết, ngày 10.3, cảnh sát tài chính Italy đã ra quyết định giữ tại cảng 4 container hạt điều được vận chuyển đến cảng Genoa của nước này. Đây là kết quả của việc thông tin kịp thời từ các doanh nghiệp liên quan đến vụ việc, sự vào cuộc của luật sư và sự hỗ trợ của Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại Italy, Lãnh sự danh dự tại Napoli. Được biết, các luật sư sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan hữu quan Italy để giải quyết vấn đề.

Hiện, vụ việc này vẫn chưa kết thúc. Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải lưu ý, vấn đề quan trọng lúc này là các bên cần chung tay để tìm ra giải pháp khả dĩ nhất hỗ trợ doanh nghiệp, qua đó cũng rút ra những bài học cần thiết để xuất khẩu nông sản tiếp tục vươn lên.

Còn theo Luật sư Trần Hữu Huỳnh, nhìn từ vụ việc này, có hai bài học quan trọng cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Bài học thứ nhất, người mua và người bán cần tìm hiểu nhau thật kỹ, không riêng với hợp đồng lớn hay nhỏ. Ông Huỳnh chỉ rõ, thực tế đã có nhiều vụ lừa đảo như bỏ hàng, hoặc chất lượng hàng không bảo đảm, nhận hàng rồi nhưng làm nhiều trò để yêu cầu giảm giá… Do vậy, “bài học muôn thuở là doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ đối tác cũng như tìm hiểu thị trường, vì có thị trường rủi ro cao, thị trường rủi ro thấp, nhất là trong điều kiện thương mại quốc tế hiện nay chủ yếu giao dịch điện tử. Nếu sợ tốn kém, không tìm hiểu kỹ về doanh nhân, thị trường thì rủi ro sẽ rất lớn”.

Bài học thứ hai, theo ông Huỳnh, là phải có sự phối hợp giữa doanh nghiệp xuất nhập khẩu với các tổ chức có liên quan như hãng tàu, cơ quan có thẩm quyền nước sở tại, Tham tán Thương mại của Việt Nam… Nhìn từ vụ việc 100 container hạt điều lần này có thể thấy, nếu có sự phối hợp giữa các bên sẽ bảo đảm sự vụ xảy ra được giải quyết nhanh chóng nhất có thể. Đây là cách làm rất hiệu quả! ông Huỳnh nhấn mạnh.

Theo Minh Châu - Báo điện tử Đại biểu Nhân dân đăng ngày 15/03/2022

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI