Còn nhiều rủi ro kinh doanh
Theo các chuyên gia, trong vòng 20 năm qua, Luật Doanh nghiệp (DN) đã trải qua 2 lần sửa đổi, thay thế (năm 2005 và 2014) đã mang lại nhiều thuận lợi cho DN, giảm các loại giấy phép, con dấu các loại, giảm nhiêu khê và công sức của DN trong các hoạt động của mình.
Đặc biệt, Luật DN 2014 đã thay đổi một số cơ bản, thể hiện đúng tinh thần Hiến pháp 2013 về quyền tự do kinh doanh của công dân, của DN. Nói về Luật DN 2014, nguyên Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung cho rằng, có 4 tiêu chí là: Mở rộng, tăng quyền tự do kinh doanh và quan trọng là bảo vệ quyền tự do kinh doanh, những gì luật pháp không cấm thì người dân, DN được tự do đầu tư, kinh doanh; giảm chi phí tuân thủ đối với DN; mức độ an toàn trong hoạt động kinh doanh, tăng quyền tự do, quyền và tài sản trong kinh doanh phải được bảo vệ; giảm, thu hẹp, loại bỏ rủi ro từ chính sách, thể chế và thực thi pháp luật.
Sản xuất lắp ráp máy tính tại Công ty CP Hanel. Ảnh: Lam Thanh
Dù xây dựng Luật DN 2014 có những bước đột phá như vậy nhưng theo ông Cung “tuân thủ đúng pháp luật là một thách thức”. Đơn cử như một số ngành vẫn áp dụng kiểm soát, hạn chế đáng kể quyền tự do kinh doanh, như: Dịch vụ pháp lý, tài chính, ngân hàng và một số dịch vụ khác. Đây là điểm mà chúng ta không bắt kịp 4.0 khi các dịch vụ thanh toán, phi tài chính phát triển mạnh như hiện nay. Quyền tự do kinh doanh mới chủ yếu trong phạm vi “kinh doanh cái gì”, còn kinh doanh như thế nào và bao nhiêu vẫn phải xem xét thêm.
Bên cạnh đó, về chi phí tuân thủ có giảm đáng kể, nhưng vẫn còn cao. Tư duy các bộ ngành chủ yếu là giảm theo từng đợt cải cách hành chính của Chính phủ, giảm chỉ mang tính phong trào, hết đợt đó là hết, chứ chưa phải là xuyên suốt của hệ thống. Đặc biệt, về an toàn và rủi ro trong kinh doanh, thực thi còn phức tạp và có thể ngày càng tinh vi. Luật DN 2014 thiết kế hậu kiểm, quản lý Nhà nước chỉ tập trung vào những đối tượng rủi ro, vi phạm cao và với xã hội lớn nhưng thực tế hiện nay, hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra có thiên hướng phát hiện vi phạm để xử lý hơn là hỗ trợ, giúp đỡ DN tuân thủ pháp luật.
“Mỗi năm Quốc hội ban hành 20 Luật, dưới Luật là Nghị định, Thông tư hướng dẫn, chưa kể công văn điều hành. Luật không đổi, Nghị định không đổi nhưng Thông tư có thể đổi. Thông tư các bộ ban hành, đúng với Thông tư này có thể sai với Thông tư khác. Hướng dẫn thi hành là sự tùy ý. ở đây là miếng đất màu mỡ cho thanh tra, kiểm tra DN, là nguồn gốc của những rủi ro trong tuân thủ luật pháp ở Việt Nam” - ông Cung chỉ rõ.
Nâng cấp thành Luật DN thế hệ mới
Theo ông Nguyễn Đình Cung, Luật DN sửa đổi lần này (đang xin ý kiến sửa đổi tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV) đầu tiên phải sửa tư duy, sửa vai trò, chức năng của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường, rồi mới sửa hệ thống văn bản pháp luật. Tư duy phải là thị trường, để thị trường phân bổ nguồn lực, để thị trường vốn hóa tài sản...
Các nhân tố sản xuất như đất đai, lao động... phải hoàn thiện, để tránh quan hệ thân hữu. Hệ thống pháp luật phải đồng bộ, thống nhất. Còn theo luật sư Trần Hữu Quỳnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam: “Yêu cầu đầu tiên có lẽ là bỏ thanh tra ngành... Nếu DN vi phạm pháp luật, phải có cơ chế khởi kiện ra tòa”.
Về giảm chi phí cho DN, đơn cử như con dấu DN, đa số các quốc gia khác đã không còn ghi nhận thủ tục về dấu trong chỉ số gia nhập thị trường ở quốc gia đó. Ban soạn thảo Luật DN (sửa đổi) đã đề xuất DN có quyền quyết định có hoặc không có con dấu.
Theo Phó Viện trưởng CIEM Phan Đức Hiếu, thành viên Ban soạn thảo Luật DN (sửa đổi), thay đổi này đã được cộng đồng DN đánh giá tích cực. Điều này không chỉ đơn giản cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, chi phí cho DN, mà còn chấm dứt gánh nặng pháp lý mà con dấu đã mang lâu nay. Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thì nhiều phương tiện điện tử mới như chữ ký điện tử, công nghệ block chain… đã và đang thay thế phương tiện truyền thống như dấu, chữ ký truyền thống.
Cùng chung quan điểm, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, môi trường kinh doanh của Việt Nam đứng thứ 67/141 nền kinh tế và chỉ trên Lào, Campuchia… Do đó, Luật phải tương thích, đáp ứng với các cam kết về hội nhập quốc tế. Đồng thời, ông đề nghị Luật DN sửa đổi lần này tiếp tục được hoàn thiện và áp dụng cho cả DN tư nhân và Nhà nước một sân chơi chung tự do. Khuyến khích, quản lý hộ kinh doanh để họ phát triển sản xuất, kinh doanh theo năng lực với tinh thần đưa hộ kinh doanh vào để đảm bảo bình đẳng trước các DN khác.
"Nếu so sánh thực trạng quản lý DN Nhà nước tại Việt Nam với 39 nguyên tắc quản trị của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) có thể thấy dù chúng ta đã làm, đã nỗ lực nhưng vẫn chưa được thực hiện đầy đủ, trọn vẹn, kể cả việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước; DN Nhà nước cũng chưa hoạt động đầy đủ theo cơ chế thị trường; vẫn còn các biểu hiện ưu đãi tiếp cận nguồn lực; chưa đảm bảo quyền của các bên có lợi ích liên quan; thực thi pháp luật về công bố thông tin còn yếu... " - Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và Phát triển DN – CIEM Phạm Đức Trung