1. Tạo dựng hiện trường giả
Tạo hiện trường giả còn có thể như giả vờ bị mất cắp hàng hoá thì khoá cửa kho bị phá, niêm phong, mái kho bị dỡ ra; tự đốt nhà kho sau khi tẩu tán tài sản; thay hàng hoá, phương tiện vận chuyển bị hư hỏng nhưng không tham gia bảo hiểm bằng hàng hoá, phương tiện vận chuyển có tham gia bảo hiểm nhằm hợp lý hoá hồ sơ, như đánh tráo biển số của xe ô tô không tham gia bảo hiểm nhưng bị tai nạn bằng biển số của xe có tham gia bảo hiểm nhưng không bị tai nạn; tự gây thương tích như vụ việc nhờ người chặt tay, chân cách đây gần 4 năm: "một người phụ nữ khai với công an do buồn chuyện gia đình nên đi lang thang và bị tàu hỏa hút vào. Lúc bị tàu nghiến tay, chân, có một người thanh niên đi qua đã cứu và cô ta thoát chết. Tuy vậy, phía công an xác định hai người có quen biết nhau từ trước, cô ta cũng đã mua 3 gói bảo hiểm nhân thọ và nghĩ ra chiêu tự gây thương tích thân thể mình, bàn với thanh niên quen biết trên và thuê chặt tay, chân của mình để yêu cầu bảo hiểm nhân thọ trả gần 3 tỷ đồng."
2. Đã xảy ra tổn thất mới mua bảo hiểm
Tài sản đã bị tổn thất bên mua bảo hiểm mới ký hợp đồng bảo hiểm để được bồi thường. Ví dụ như hàng hoá đã bị mất, chủ hàng mới đi mua bảo hiểm và thường là có bắt “tay bẩn” với người xấu trong doanh nghiệp bảo hiểm để ghi ngày giao kết hợp đồng bảo hiểm trước ngày xảy ra tổn thất hàng hóa để hợp đồng bảo hiểm có giá trị pháp lý. Đúng ra là hợp đồng này vô hiệu vì sự kiện bảo hiểm đã xảy ra, đối tượng bảo hiểm (hàng hoá) không còn tồn tại (Điều 22, Luật Kinh doanh Bảo hiểm năm 2010).
3. Khai tăng trị giá tổn thất
Hành vi này thường được thực hiện bằng cách lợi dụng tổn thất xảy ra để làm hư hỏng thêm tài sản được bảo hiểm nhằm được trả tiền bổi thường cao hơn, hoặc làm hư hỏng toàn bộ tài sản đã được bảo hiểm để được bồi thường tài sản có trị giá lớn hơn. Một cách khác là tổn thất ít, lẽ ra không được bồi thường, nhưng làm cho tổn thất vượt quá mức miễn thường để được bồi thường. Ví dụ: Hợp đồng bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng bằng đường biển đối với cám mỳ viên qui định mức miễn thường là 0,5%. Trên thực tế, trọng lượng hàng hóa bị thiếu là 0,45% nên không được bồi thường. Người được bảo hiểm có thể trục lợi bảo hiểm qua việc “tìm cách” nâng con số này lên trên 0,5% để được bồi thường.
4. Bảo hiểm trùng
Đây là việc bên mua bảo hiểm giao kết hợp đồng bảo hiểm với nhiều doanh nghiệp bảo hiểm để bảo hiểm cho cùng một đối tượng bảo hiểm với cùng điều kiện và điều khoản bảo hiểm để khi xảy ra tổn thất thuộc trách nhiệm bảo hiểm thì được bồi thường gấp nhiều lần trị giá tài sản. Ví dụ: Một tài sản trị giá 5 tỷ đồng được mua bảo hiểm ở 3 doanh nghiệp bảo hiểm với số tiền bảo hiểm ở mỗi doanh nghiệp là 5 tỷ đồng. Khi có tổn thất toàn bộ, 3 công ty phải trả 15 tỷ đồng trong khi lẽ ra chỉ phải cùng nhau bồi thường tổng cộng là 5 tỷ đồng.
5. Cố ý gây tổn thất cho đối tượng bảo hiểm
Trục lợi theo cách này khá tinh vi, có kiến thức cao về bảo hiểm, số tiền thường lớn, khó điều tra hoặc tìm ra được sự thật thì tốn nhiều công sức, tiền của. Một kiểu khá phổ biến là tìm cách huỷ hoại tài sản trong một hoàn cảnh như thật. Ví dụ, đánh đắm tàu biển khi thấy thời tiết xấu, hỏng máy. Kẻ trục lợi nắm vững hợp đồng bảo hiểm để chắc chắn rủi ro thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm. Có khi còn có sự thông đồng với những “con sâu” trong doanh nghiệp bảo hiểm để nâng giá trị tài sản trước khi tham gia bảo hiểm hoặc thay những thiết bị đắt tiền của tài sản bằng đồ “rởm”, sau đó huỷ hoại tài sản. Dĩ nhiên là số tiền bồi thường sẽ được tính cho đồ “xịn” như khi tham gia bảo hiểm. Kiểu làm này thường xảy ra với tài sản giá trị cao, có lắp đặt thiết bị đắt tiền như bệnh viện di động, xe chuyên dụng.
6. Khai ngày xảy ra sự kiện bảo hiểm trong thời hạn hợp đồng
Hợp đồng bảo hiểm có thời hạn bảo hiểm. Khi sự kiện bảo hiểm xảy ra thì doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm. Ví dụ: Một “Giấy chứng nhận bảo hiểm mô tô-xe máy” có ghi “thời hạn bảo hiểm” là 24 tháng, từ 8 giờ 50 phút sáng ngày 28/5/2018 đến 8 giờ 50 phút sáng ngày 28/5/2020. Nếu tai nạn cho người đi xe máy xảy ra ngày 29/5/2020 thì kẻ trục lợi bảo hiểm sẽ “đạo diễn” sao cho tai nạn xảy ra trước 8 giờ 50 phút sáng ngày 28/5/2020.
7. Lập hồ sơ giả
Đây là cách trục lợi thường phải có “tay trong” là những người chưa tốt ở doanh nghiệp bảo hiểm và móc nối với đường dây sửa chữa tài sản (đối tượng bảo hiểm) như phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị… Tuy không có tổn thất thực tế nhưng vẫn có đầy đủ tài liệu, chứng từ hợp lệ như hoá đơn sửa chữa, mua vật tư, phụ tùng với đầy đủ chữ ký thật, con dấu thật, chứng từ thật, duy chỉ có “sự thật” là… giả.
Trục lợi bảo hiểm có thể bị xử phạt hành chính; chịu trách nhiệm dân sự (doanh nghiệp bảo hiểm có quyền từ chối bảo hiểm, vô hiệu hóa hợp đồng bảo hiểm, từ chối bồi thường); và trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 213 (Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm), Điều 214 (Tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp), và Điều 215 (Tội gian lận bảo hiểm y tế) của Bộ luật hình sự năm 2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018./.
(*) Luật sư Ngô Khắc Lễ | Trọng tài viên VIAC.