Tái cơ cấu hệ thống NHTM giai đoạn 2016-2020 đã đi được hơn nửa chặng đường. Tuy nhiên, ngành NH vẫn còn nhiều mục tiêu quan trọng chưa đạt được, tức 2 năm còn lại của giai đoạn này còn nhiều việc phải làm. ĐTTC đã ghi nhận ý kiến của TS. TRẦN DU LỊCH, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, xung quanh vấn đề này.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 đã đi được hơn nửa thời gian. Ông đánh giá ra sao về nỗ lực tái cơ cấu của ngành NH thời gian qua?
TS. TRẦN DU LỊCH: - Tái cơ cấu TCTD chủ trương ưu tiên tái cấu trúc thị trường tài chính, trong đó tập trung vào các TCTD đã được đề ra giải quyết trong giai đoạn 2011-2015. Đây là thời kỳ hệ thống các TCTD gặp khó khăn do tình trạng nợ xấu rất cao. Kết thúc giai đoạn này đã xử lý được nhiều mục tiêu lớn, như kéo giảm lãi suất, cung cấp những nguồn tín dụng ưu đãi để phục hồi sản xuất, vừa phải chống lạm phát, ổn định giá trị VNĐ, đặc biệt từ năm 2012 phải giải quyết tình trạng nợ xấu…
Bên cạnh đó, còn thực hiện nhiều biện pháp mang tính hành chính để sáp nhập, hợp nhất, hỗ trợ thanh khoản hay mua những NHTM giá 0 đồng…
Từ năm 2016 đến nay là giai đoạn để lành mạnh hóa hệ thống, đặc biệt xây dựng một số NH mạnh, có vị trí ở khu vực Đông Nam Á. Qua các năm tái cơ cấu, ngành NH đã đạt được một số kết quả.
Cụ thể, tình trạng nợ xấu tuy còn nhiều việc chưa xử lý hết vấn đề tài sản, nhưng nguy cơ đổ vỡ về thanh khoản, đổ vỡ NH đã vượt qua được. Gần đây cũng tập trung được vấn đề giải quyết tình trạng SHC đã tồn tại từ giai đoạn trước trong quá trình thành lập các NH, nhất là từ quá trình chuyển các NH nông thôn sang NH đô thị, NHTM.
Một số NH cũng đã áp dụng được chuẩn Basel II và nhiều NH đang nỗ lực tiến tới Basel II, cho thấy các NHTM cũng chú trọng đến việc cải thiện sức khỏe, lành mạnh hóa hoạt động.
- Mới đây, Thống đốc NHNN có văn bản yêu cầu các NH khẩn trương xử lý nợ xấu và xử lý triệt để tình trạng SHC, vi phạm giới hạn về tỷ lệ sở hữu. Đây là 2 mục tiêu quan trọng trong quá trình tái cơ cấu của hệ thống NHTM Việt Nam. Ông nhận định như thế nào về tốc độ xử lý nợ xấu và SHC thời gian qua?
- Nếu xét trên báo cáo chính thức, nợ xấu của hệ thống đã được xử lý cơ bản nhưng vẫn còn nhiều thách thức. Mặc dù Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 42 cho phép xử lý nợ xấu và các TCTD cũng đã tận dụng được, nhưng những vướng mắc trong vấn đề mua bán bất động sản, xác định tính chất sở hữu của tài sản, đặc điểm của tài sản, hay công tác đấu giá, chuyển nhượng và những vấn đề liên quan đến tạo thanh khoản cho việc xử lý tài sản đảm bảo, vẫn còn nhiều trục trặc chưa đạt được.
Dù vậy, giá trị xử lý nợ xấu năm 2018 tăng khoảng 30% so với năm 2017 (không bao gồm nợ bán cho VAMC). Trong đó, sử dụng dự phòng rủi ro tín dụng chiếm đến 59,8%; thu nợ từ khách hàng chiếm 33,2%; bán phát mại tài sản chiếm 3%, còn lại bằng các hình thức khác.
Một số NHTM đã tất toán toàn bộ nợ xấu đã bán cho VAMC, hoặc chủ động mua lại các khoản nợ đã bán cho VAMC để tự xử lý. Như vậy, quá trình các NHTM có nợ xấu về tài sản đã trích lập dự phòng, tạo ổn định cho hệ thống NHTM.
Về tình trạng SHC, mặc dù đã cố gắng nhưng để giải quyết rốt ráo vấn đề, tôi nghĩ rằng không phải xử lý ở hình thức, mà vấn đề là quan hệ giữa những người chủ thật sự của NH và những người chủ đó liên quan đến các hoạt động đời sống kinh tế khác. Những quy định chủ tịch HĐQT của NH không được kiêm nhiệm chức danh chủ tịch HĐQT của DN, không giải quyết được bản chất vấn đề.
Hiện NHNN đã có Thông tư 46 yêu cầu TCTD phối hợp với cổ đông lớn rà soát, xác định danh sách cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông đó sở hữu cổ phần từ 5% trở lên VĐL của một TCTD khác, khắc phục chậm nhất ngày 31-12-2020, để tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhóm cổ đông lớn có liên quan tuân thủ quy định tại Luật Các TCTD đã được sửa đổi, bổ sung.
Đây là quy định đúng và phải nghiêm khắc thực hiện để công khai minh bạch sở hữu của các TCTD. Nếu làm được điều đó, hệ thống NH xử lý SHC không phải trên hình thức, mà trên thực chất hoạt động để NH không phải sân sau của bất kỳ ai.
- Hiện còn chưa đến 2 năm nữa kết thúc Đề án tái cơ cấu hệ thống NH giai đoạn 2. Theo ông, thời gian này cần tập trung xử lý những vấn đề gì để tái cơ cấu ngành NH đạt được mục tiêu đề ra?
- Trong những năm còn lại của giai đoạn tái cơ cấu hệ thống NH 2016-2020, tôi nghĩ có những vấn đề NHNN phải tập trung. Thứ nhất, phải đưa hệ thống đạt được an toàn Basel II, vì thực tế đến nay mới có một số NH đạt được. Khi các NH đạt được yêu cầu lành mạnh, NHNN sẽ có điều kiện tiến tới quản lý thị trường nhiều hơn, giảm những can thiệp hành chính đang thực hiện trong vấn đề lãi suất, định mức tín dụng.
Thứ hai, từ khi bắt đầu tái cơ cấu NH đã có chủ trương sáp nhập mua bán, tổ chức lại. Mục đích từ số lượng NH nhiều như hiện nay sẽ giảm xuống nhưng chất lượng cao hơn, trong đó xây dựng một số NH có vị trí, có tài sản, hoạt động ngang tầm với các NH khác trong khu vực. Đấy là những vấn đề còn lại trong thời gian tới.
- Xin cảm ơn ông.