...

Tranh chấp về thay thế tài sản bảo hiểm

10 Tháng 9, 2020

Tóm tắt sự việc  

Một công ty vận tải (“Nguyên đơn”) ký với một doanh nghiệp bảo hiểm (“Bị đơn”) hợp đồng bảo hiểm tàu biển (“Hợp đồng bảo hiểm”). Vào lúc 13h00 ngày 11/08/2017, tàu chở 1.100 tấn sắt vụn rời cảng Cần Thơ đi Hải Phòng trả hàng. Đến 19h20 cùng ngày, tàu tới khu neo cửa Định An thả neo chờ thủy triều phù hợp để ra luồng. Ngày 12/08/2017, vào lúc 03h00 tàu nhổ neo tiếp tục đi Hải Phòng. Đến 04h10 khi tàu tới phao số 20 thì mất khả năng điều động nên phải neo tại vị trí 9o31.012N – 106o21.737E. Máy trưởng đã kiểm tra và báo cáo hộp số đã mất khả năng ăn khớp nên tàu không thể hoạt động được. Thuyền trưởng đã liên lạc với Chủ tàu và tàu kéo để hỗ trợ kéo tàu về nơi sửa chữa hộp số. Ngay sau khi nhận được báo cáo của Thuyền trưởng, Nguyên đơn đã thông báo tai nạn cho Bị đơn để có hướng giải quyết. Vào lúc 08h30 ngày 19/08/2017, tàu được tàu lai dắt kéo vào cảng ở Hậu Giang để sửa chữa. Ngày 08/11/2017, Nguyên đơn yêu cầu trả số tiền bồi thường là 1.067.232.894 VND nhưng Bị đơn từ chối bồi thường. Ngày 28/10/2019, Nguyên đơn  kiện Bị đơn tại trọng tài.

Quan điểm của các bên

Nguyên đơn cho rằng sự kiện bảo hiểm đã xảy ra nên Bị đơn phải bồi thường 1.396.319.951 VND bao gồm: (i) 1.040.552.072VND chi phí khắc phục hậu quả sự cố,trong đó: 806.075.926 VND tiền mua hộp số mới và căn chỉnh lắp đặt theo hợp đồng sửa chữa; 23.650.000 VND tiền vé máy bay cho thợ lắp hộp số mới; 220.000.000 VND chi phí lai dắt tàu về cảng ở Hậu Giang; 17.506.968 VND chi phí cầu cảng và bốc xếp hộp số xuống tàu; trừ 26.680.822 VND mức khấu trừ 2,5% số tiền bồi thường theo Hợp đồng bảo hiểm; (ii) 190.767.880 VND tiền lãi chậm trả tiền bồi thường tạm tính từ ngày 30/11/2017 đến hết ngày 29/09/2019; Bị đơn phải tiếp tục trả tiền lãi tính từ ngày 30/09/2019 đến ngày thanh toán xong tiền bồi thường.

Bị đơn từ chối bồi thường với lý do không thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm theo quy định tại Mục 6.2.2 của Điều khoản bảo hiểm và cho rằng giả sử có phải bồi thường thì số tiền cũng không thể nhiều như vậy.

Phân tích của Hội đồng Trọng tài và bài học kinh nghiệm

Về luật áp dụng, theo Hợp đồng bảo hiểm là “… là hệ thống luật Việt Nam hiện hành. Những điểm mà luật Việt Nam chưa quy định thì áp dụng luật và tập quán bảo hiểm Anh”.

Về rủi ro, Hội đồng trọng tài cho rằng rủi ro thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm nên Bị đơn có trách nhiệm bồi thường (vấn đề này khá dài, sẽ được nêu trong một dịp khác nếu có thể).

Đối với yêu cầu bồi thường 1.396.319.951 VND, Hội đồng Trọng tài nhận thấy: (i) Theo Báo cáo giám định, hộp số máy chính không bị hư hỏng toàn bộ, mà chỉ có một số chi tiết bị hư hỏng nhưng Nguyên đơn đã thay hộp số mới thay vì sửa chữa các chi tiết bị hư hỏng mà không có sự chấp nhận bằng văn bản của Bị đơn; (ii) Nguyên đơn nêu rằng mình chọn phương án thay hộp số mới theo tư vấn của Giám định viên, nhưng không xuất trình được bằng chứng về việc này; (iii)  Nguyên đơn đã ký Hợp đồng sửa chữa với công ty sửa chữa vào ngày 16/08/2017, trong khi mãi tới ngày 21/08/2017, thợ sửa chữa mới tháo hộp số để Giám định viên và Máy trưởng kiểm tra và ghi nhận các chi tiết hư hỏng. Như vậy, Nguyên đơn đã quyết định thay hộp số mới trước khi Giám định viên, Nguyên đơn và Bị đơn biết được thực trạng hư hỏng của hộp số; (iv) Tuy Nguyên đơn đã cung cấp chứng từ về các chi phí sửa chữa khắc phục hậu quả sự cố hỏng hộp số và Báo giá của công ty sửa chữa nhưng không giải trình được và cũng không xuất trình được chứng cứ về giá cả thị trường tại thời điểm và địa điểm xảy ra tổn thất để chứng minh tính hợp lý của các chi phí đó; (v) Giám định viên là người trực tiếp tại hiện trường thực hiện việc giám định, theo dõi và giám sát việc sửa chữa khắc phục hậu quả sự cố. Đánh giá của Giám định viên là độc lập, khách quan, căn cứ vào mức độ thiệt hại thực tế và dựa trên cơ sở giá cả thị trường tại thời điểm và địa điểm xảy ra tổn thất. Vì vậy, Hội đồng Trọng tài chấp nhận đánh giá của công ty giám định và cho rằng đó là bằng chứng tốt nhất hiện có để xác định các chi phí hợp lý khắc phục sự cố hỏng hộp số máy chính; (vi) Theo quy định tại khoản 3 Điều 47 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2010, Bị đơn có quyền thu hồi các chi tiết đã bị hư hỏng của hộp số sau khi bồi thường toàn bộ theo giá thị trường của các chi tiết này. Vì vậy, giá trị thu hồi vật tư thay thế sẽ được khấu trừ vào số tiền bồi thường bảo hiểm; (vii) Hợp đồng sửa chữa không quy định Nguyên đơn mua vé máy bay cho thợ sửa chữa; công ty sửa chữa cũng không yêu cầu việc này. Vì vậy, chi phí vé máy bay từ Hải Phòng vào Hậu Giang cho thợ sửa chữa không được Hội đồng Trọng tài chấp nhận; (viii) Chi phí cầu cảng và bốc xếp hộp số chưa được công ty giám định đánh giá trong Phụ lục 1 của Báo cáo giám định. Đây là các chi phí cần thiết phục vụ cho việc sửa chữa khắc phục hậu quả sự cố nên được Hội đồng Trọng tài chấp nhận; (ix) Các chi phí Nguyên đơn đòi bồi thường bao gồm cả thuế GTGT. Do thuế GTGT đầu vào Nguyên đơn đã được khấu trừ thuế GTGT đầu ra nên thuế GTGT của các chi phí nêu trên không được Hội đồng Trọng tài chấp nhận.

Từ những nhận định trên đây, Hội đồng Trọng tài quyết định rằng Bị đơn phải bồi thường chi phí hợp lý khắc phục hậu quả sự cố hỏng hộp số máy chính của tàu (chưa bao gồm thuế GTGT) là 560.021.425 VND bao gồm: (1) Chi phí sửa chữa 344.106.000 VND; (2) Chi phí lai dắt 200.000.000 VND;  (3) Chi phí cầu cảng và bốc xếp hộp số 15.915.425 VND, trừ đi mức khấu trừ (15.000.000 VND), chế tài 10% do lỗi thuyền viên (54.502.143 VND), giá trị thu hồi vật tư thay thế (1.186.080 VND), còn lại số tiền là 489.333.202 VND và 109.396.135 VND tiền lãi do chậm thanh toán từ ngày 09/12/2017 đến 03/03/2020.  Tóm lại, tổng số tiền Bị đơn phải trả cho Nguyên đơn chưa bao gồm thuế GTGT là: 489.333.202 VND + 109.396.135 VND = 598.729.337 VND.

Xin được nói thêm là Bị đơn (doanh nghiệp bảo hiểm trong vụ tranh chấp này) rất có ý thức tôn trọng pháp luật, đã sớm chuyển toàn bộ số tiền phải thi hành theo Phán quyết Trọng tài cho Nguyên đơn dù thời hạn thanh toán vẫn còn nhiều./.  

Theo Ngô Khắc Lễ | Trọng tài viên VIAC

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI