Thế nào là sự kiện bất khả kháng?
"Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép" (khoản 1 điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015). Như vậy, có ba vấn đề cần xem xét để xác định một sự kiện có được coi là bất khả kháng hay không: (1) khách quan; (2) không thể lường trước; và (3) không thể khắc phục. “Khách quan” được hiểu là xảy ra do nguyên nhân tự nhiên hoặc do con người gây ra mà bên chịu tác động không thể biết, như sóng thần, động đất, thiên tai, dịch bệnh…; “không thể lường trước” là nằm ngoài khả năng kiểm soát của con người; và “không thể khắc phục được” là đã nỗ lực thực hiện mọi giải pháp nhưng không thể giải quyết được.
Điều kiện để được miễn trách nhiệm do sự kiện bất khả kháng là gì?
Trong quan hệ hợp đồng, việc chứng minh sự kiện bất khả kháng sẽ giúp bên vi phạm không phải bồi thường thiệt hại hoặc thực hiện nghĩa vụ. Khoản 2 điều 351 Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS) quy định: "Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác". Khoản 1 điều 294 Luật Thương mại 2005 (LTM) nêu: "Bên vi phạm hợp đồng thương mại được miễn trách nhiệm trong các trường hợp sau đây: … b) Xảy ra sự kiện bất khả kháng". Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, khoản 2 điều 584 BLDS quy định: "Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng…".
Muốn được miễn trách nhiệm do sự kiện bất khả kháng, bên vi phạm phải: (1) Thông báo ngay cho bên kia bằng văn bản theo khoản 1 Điều 295 LTM về trường hợp được miễn trách nhiệm và những hậu quả có thể xảy ra; (2) Chứng minh đã xảy ra sự kiện bất khả kháng; (3) Chứng minh sự kiện bất khả kháng ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng; (4) Chứng minh đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép nhưng không thể khắc phục. Nếu hợp đồng (giữa các pháp nhân Việt Nam) không quy định về bất khả kháng, có thể dựa vào quy định của điểm b khoản 1 Điều 294 (Các trường hợp miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm) của LTM khi xảy ra sự kiện bất khả kháng.
Một số vụ tranh chấp về bất khả kháng
(1) Một công ty Việt Nam bán gạo cho Phi-líp-pin. Tàu biển do người mua thuê đang trên đường đến Hải Phòng để nhận hàng thì người bán cho biết Thủ tướng Việt Nam đã quyết định dừng xuất khẩu gạo từ ngày 24/3/2020 để đảm bảo an ninh lương thực do Covid-19 nên không thể giao hàng cho tàu và coi đây là sự kiện bất khả kháng. Người mua cho rằng người bán phải chịu một phần thiệt hại do tàu sắp đến cảng. Quan điểm của người bán là người mua phải chịu toàn bộ thiệt hai vì không có hàng cho tàu do bất khả kháng là đúng.
(2) Có công ty logistics giao hàng trong thành phố lấy lý do công nhân nghỉ việc vì Covid-19 để cho là bất khả kháng nên không thể thực hiện hợp đồng là chưa đủ căn cứ vì phải chứng minh đã thuê công ty khác làm mà vẫn không được hay chưa.
(3) Hai công ty ký hợp đồng hàng đổi hàng. Theo đó, Công ty Thái Lan (TL) chở đường đến Việt Nam để nhận gạo từ Công ty Việt Nam (VN). Theo hợp đồng, VN phải xin giấy phép xuất khẩu gạo và nhập khẩu đường; TL phải xin giấy phép nhập khẩu gạo. Mặc dù chưa xin được giấy phép xuất gạo, nhập đường nhưng VN vẫn đề nghị TL thuê tàu biển chở đường sang để lấy gạo về. TL đã thuê tàu để chở đường từ cảng Bankok của Thái Lan. Tàu đã đến cảng, chờ khá lâu nhưng bất ngờ TL thông báo với người vận chuyển là không thu xếp được giấy phép nhập khẩu đường và coi đây là sự kiện bất khả kháng nên được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển. Người vận chuyển đã đúng khi cho rằng trường hợp này là bất khả kháng nhưng chỉ với hợp đồng đổi hàng giữa TL và VN, không là sự kiện bất khả kháng đối với hợp đồng vận chuyển đường giữa TL và người vận chuyển vì TL có thể “lường trước được” khả năng VN không xin được giấy phép nhập khẩu đường bằng cách yêu cầu VN cung cấp giấy phép này trước khi thuê tàu vận chuyển.
Một số lưu ý về bất khả kháng
(1) Có thể thỏa mãn điều kiện một và hai của sự kiện bất khả kháng, nhưng điều kiện ba là "không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép" cần phải chứng minh để được cơ quan giải quyết tranh chấp chấp nhận trong trường hợp có kiện tụng; (2) Nhiều hợp đồng liệt kê các sự việc được coi là bất khả kháng nhưng còn thiếu từ “dịch bệnh” nên cần ghi thêm vì không ai dám chắc là trong tương lai không còn xảy ra tương tự; (3) Khi ký các hợp đồng có liên quan với nhau, có thể xảy ra sự kiện bất khả kháng với hợp đồng này nhưng với hợp đồng kia thì lại không (vụ đổi hàng nêu trên); (4) Nên thương lương và giúp nhau nếu có thể vì bên “thắng” cũng thua về công sức, thời gian mà “thì giờ là tiền bạc”; (5) Không phải thực hiện nghĩa vụ khi xảy ra sự kiện bất khả kháng nên các bên tự chịu thiệt hại, không có quyền đòi bồi thường hoặc yêu cầu chia sẻ tổn thất; (6) Không nên lạm dụng bất khả kháng để từ chối thực hiện nghĩa vụ vì sẽ không được cơ quan xét xử chấp nhận nên thua kiện, thêm thiệt hại vì giảm uy tín và mất bạn hàng./.
Theo Ngô Khắc Lễ | Trọng tài viên VIAC