...

Ai có quyền đòi bồi thường tổn thất hàng hoá?

17 Tháng 9, 2020

Tóm tắt sự việc

Nguyên đơn (người thuê vận chuyển) ký hợp đồng vận chuyển hóa với Bị đơn (người vận chuyển) để thuê vận chuyển số hàng hóa bao gồm: Gạo hạt trắng loại 15% tấm và 20% tấm, nhãn hiệu "Supreme" và "White Lion" với tổng số lượng là 3.800 tấn, đóng gói 25kg/bao và 50 kg/bao từ cảng bốc hàng là Mỹ Thới, An Giang, Việt Nam tới cảng dỡ hàng là Dili và theo thỏa thuận trong hợp đồng, Nguyên đơn được quyền thay đổi cảng đến là Tawau, Malaysia. 

Khi tàu đến cảng Tawau, hàng hóa trên tàu bị phát hiện có thiếu hụt và ướt. Nguyên đơn theo yêu cầu của chủ hàng (người nhận hàng) đã yêu cầu Bị đơn cử đại diện thực hiện việc giám định khi phát hiện hàng bị thiếu và ướt nhưng Bị đơn đã không cử giám định viên tới hiện trường. Đại diện của chủ hàng tại Malaysia đã thuê giám định để kiểm tra tình trạng hàng hóa. Trên cơ sở biên bản kiểm tra có xác nhận của các bên gồm đại diện chủ hàng, đại lý của chủ tàu, thuyền trưởng, đại phó (thuyền phó nhất) và đơn vị giám định thì chi tiết hàng bị thiệt hại như sau:

Hàng bị thiếu: Gạo 15% tấm (bao 25 kg) nhãn hiệu "Supreme", 883 bao bằng 22,075 tấn; gạo 25% tấm (bao 50 kg) nhãn hiệu White Lion, 137 bao bằng 6,85 tấn. Hàng bị ướt: Gạo 15% tấm (bao 25 kg) nhãn hiệu "Supreme", 122 bao bằng 3,05 tấn; gạo 25% tấm (bao 50 kg) nhãn hiệu "White Lion", 1.099 bao bằng 54,95 tấn. Căn cứ vào báo cáo của đơn vị giám định thì số hàng bị ướt đã giảm giá trị 100%. 

Trên cơ sở hàng thực tế bị thiếu và hàng bị ướt đã mất 100% giá trị, Nguyên đơn yêu cầu Bị đơn bồi thường thiệt hại. Tuy vậy, sau nhiều lần trao đổi qua lại giữa hai bên, Bị đơn không bồi thường cho Nguyên đơn theo yêu cầu nên Nguyên đơn đã kiện tại trọng tài.

Trong đơn khởi kiện, Nguyên đơn viết: "... II. 1. Nguyên đơn và Bị đơn hiện đang có tranh chấp về bồi thường thiệt hại hàng hóa liên quan đến hợp đồng thuê tàu và hai bên không thỏa thuận được với nhau về tranh chấp này; 2. Bị đơn theo thỏa thuận trong hợp đồng phải bồi thường thiệt hại hàng hóa cho nguyên đơn theo Điều 23 của Hợp đồng thuê tàu..."; Hai bên đã có thỏa thuận trọng tài tại Điều 26 của Hợp đồng thuê tàu với nội dung: "Trọng tài được thực hiện tại Việt Nam và áp dụng Luật Việt Nam".       

Điều 23 của Hợp đồng nêu như sau: "Chủ tàu/chủ tàu danh nghĩa (disponent owner) phải chịu trách nhiệm nếu hàng bị ướt, thiếu hụt trọng lượng, bao bì bị rách. Tại cảng dỡ hàng, chủ tàu/chủ tàu danh nghĩa phải hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với khiếu nại về tổn thất hàng hóa của người thuê vận chuyển/người nhận hàng. Khiếu nại về tổn thất hàng hóa phải được giải quyết trong vòng 10 ngày kể từ khi nhận được khiếu nại. Văn bản cam kết thanh toán/giải quyết bồi thường phải được gửi cho người khiếu nại trước khi tàu rời cảng dỡ hàng".    

Theo hợp đồng vận chuyển theo chuyến đã ký, Nguyên đơn được thay đổi vận đơn (switched B/L) và theo đó Người nhận hàng (consignee) ghi trên bộ vận đơn thứ hai là một công ty Phi-líp-pin. Như vậy, về mặt pháp lý, chỉ công ty Phi-líp-pin này mới có quyền nhận hàng. 

Nguyên đơn cho rằng họ có quyền yêu cầu người vận chuyển trả tiền bồi thường trực tiếp cho mình theo hợp đồng vận chuyển theo chuyến vì trên đó có quy định rõ về khiếu nại đòi bồi thường: "... chủ tàu/chủ tàu danh nghĩa phải hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với khiếu nại về tổn thất hàng hóa của người thuê vận chuyển/người nhận hàng...". 

 

Phân tích của Hội đồng Trọng tài

Khoản 2 Điều 71 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2005 (“Bộ luật”) nêu: "Hợp đồng vận chuyển theo chuyến là hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển được giao kết với điều kiện người vận chuyển dành cho người thuê vận chuyển nguyên tàu hoặc một phần tàu cụ thể để vận chuyển hàng hóa theo chuyến". Theo định nghĩa này, hợp đồng vận chuyển theo chuyến điều chỉnh quan hệ giữa người vận chuyển và người thuê vận chuyển. 

Vận đơn được định nghĩa tại khoản 2 Điều 73 Bộ luật: "Vận đơn là chứng từ vận chuyển làm bằng chứng về việc người vận chuyển đã nhận hàng hóa với số lượng, chủng loại, tình trạng như được ghi trong vận đơn để vận chuyển đến nơi trả hàng; bằng chứng về sở hữu hàng hóa dùng để định đoạt, nhận hàng và là bằng chứng của hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển". 

Như vậy, khi vận đơn được người vận chuyển ký phát theo yêu cầu của người giao hàng và người thuê vận chuyển không phải là người nhận hàng thì ngoài hợp đồng vận chuyển theo chuyến mà người vận chuyển cũng là một bên của hợp đồng, đã hình thành một hợp đồng mới giữa người vận chuyển và người nhận hàng/người giữ vận đơn mà chỉ người này mới có quyền khiếu nại về hư hỏng, mất mát hàng hóa.                           

Tại phiên họp giải quyết tranh chấp, Nguyên đơn đưa ra chứng cứ về việc được người nhận hàng ủy quyền cho họ đòi bồi thường nhưng không phải dưới hình thức một "giấy ủy quyền" mà chỉ là một thư trao đổi giữa hai bên về tổn thất hàng hóa trong đó có một câu viết rằng người nhận hàng ủy quyền cho Nguyên đơn đòi bồi thường tổn thất. Hội đồng trọng tài không chấp nhận việc ủy quyền theo cách trên và yêu cầu Nguyên đơn cung cấp Giấy ủy quyền theo mẫu thông thường.

Nguyên đơn cũng đưa ra chứng cứ về việc bồi thường tổn thất thông qua một số văn bản thỏa thuận bồi thường (bản cứng có đóng các dấu "tươi" của công ty) bằng cách bù trừ số tiền tổn thất vào giá cước vận chuyển của một số chuyến tàu. Hội đồng Trọng tài cho rằng, tuy có thỏa thuận bù trừ như vậy nhưng thực tế hiện nay các doanh nghiệp thường trao đổi qua thư điện tử, thanh toán qua ngân hàng, và hỏi Nguyên đơn có trao đổi qua thư điện tử và thanh toán qua ngân hàng về thỏa thuận bù trừ này hay không. Nguyên đơn trả lời là có làm như vậy. Do đó, Hội đồng Trọng tài yêu cầu Nguyên đơn cung cấp chứng cứ về giao dịch điện tử có thể truy xuất được (còn lưu trong máy tính hoặc cơ sở dữ liệu) và xác nhận của ngân hàng về các giao dịch chuyển tiền qua ngân hàng. Thế nhưng, khoảng 2 tuần sau đó, Nguyên đơn xin rút Đơn khởi kiện.  

       

Bình luận

Qua vụ tranh chấp nêu trên, cần lưu ý để xác định đúng người có quyền khiếu nại về tổn thất hàng hóa trong trường hợp cả hợp đồng vận chuyển theo chuyến lẫn vận đơn cùng đề cập đến việc bồi thường thiệt hại và việc ủy quyền hay thế quyền phải kèm theo các bằng chứng thuyết phục./.   

 

Theo Ngô Khắc Lễ | Trọng tài viên VIAC

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI