...

Ấn phẩm "Nguồn gốc ra đời của vận đơn & Một số tranh chấp liên quan tới dịch vụ Logistics"

15 Tháng 6, 2021

Vận đơn là loại chứng từ thương mại cổ điển phổ biến nhất trong kinh doanh thương mại và hàng hải quốc tế. Những vận đơn sơ khai đầu tiên đã ra đời từ thế kỷ XIV trong các hoạt động giao dịch mua bán hàng hóa ở các nước dọc theo bờ biển vùng Địa Trung Hải. Ở những thế kỷ tiếp theo, nó được hoàn thiện hơn về nội dung và hình thức. Thời kỳ ban đầu, khi mà hệ thống luật hàng hải của từng quốc gia chưa hoàn thiện, trách nhiệm của chủ tàu đối với tổn thất hàng hóa quy định trong vận đơn rất nặng nề. Chủ tàu, người vận chuyển gần như phải chịu toàn bộ trách nhiệm bồi thường tổn thất hàng hóa trong hành trình trên biển, tuy vậy, từ cuối thế kỷ XVIII, xuất hiện tình trạng ngược lại là nhiều chủ tàu, người vận chuyển luôn tìm cách từ chối trách nhiệm này.

Đầu thế kỷ XX, nhiều nước có khối lượn hóa vận chuyển bằng đường biển tương đối lớn đã đấu tranh mạnh mẽ với chủ tàu, người vận chuyển để bỏ tình trạng bất hợp lý nói trên. Kết quả là “Công ước quốc tế để thống nhất một số quy tắc liên quan tới Vận đơn” (International Convention for the Unification of Certain Rules of Law relating to Bills of Lading), goi tắt là “Quy tắc Hague” (The Hague Rules) ra đời năm 1924 và Nghị định thư sửa đổi Công ước này được ký kết năm 1968 (The Hague Rules as Amended by the Brussels Protocol 1968) gọi tắt là “Quy tắc Hague - Visby” (the Hague - Visby Rules).

Tuy vậy, Quy tắc Hague - Visby vẫn nghiêng về bảo vệ chủ tàu, người vận chuyển với giới hạn bồi thường theo vận đơn tương đối thấp. Vì vậy, nhiều nước có nền kinh tế mới phát triển mà phần lớn việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu của họ phụ thuộc vào các chủ tàu phương Tây đã liên kết lại để lên tiếng trên các diễn đàn của Liên Hiệp Quốc đòi xem xét lại mức giới hạn trách nhiệm của chủ tàu, người vận chuyển trong Quy tắc nói trên. Vì vậy, năm 1978 ra đời “Công ước của Liên Hiệp Quốc về Vận chuyển hàng hóa bằng đường biển (United Nations Convention on the Carriage of Goods be Sea), gọi tắt là “Quy tắc Hamburg” (The Hamburg Rules). Tiếp đó, năm 2008, Liên Hiệp Quốc thông qua một công ước mới, đó là “Công ước của Liên Hiệp Quốc về Hợp đồng vận chuyển hàng hóa quốc tế một phần hoặc toàn bộ bằng đường biển (United Nations Convention on Contracts for the International Carriage of Goods Wholly or Partly by Sea) gọi tắt là “Quy tắc Rotterdam” (Rotterdam Rules). Nhưng cho đến nay, chỉ các Quy tắc Hague, Quy tắc Hague – Visby và Quy tắc Hamburg là có hiệu lực ở những nước đã phê chuẩn.

Trên thế giới ngày nay có nhiều chủ tàu, người vận chuyển nên cũng có nhiều mẫu vận đơn khác nhau cả nội dung lẫn hình thức, có thể phát sinh cách hiểu và vận dụng không thống nhất, dẫn đến tranh chấp giữa chủ hàng, chủ tàu, người bảo hiểm và người cung cấp dịch vụ Logistics.

Với kinh nghiệm sau nhiều năm nghiên cứu và tham gia giải quyết, tư vấn, thương lượng, hòa giải nhiều vụ tranh chấp; để bạn đọc tham khảo trong quá trình ký kết, thực hiện hợp đồng và phòng tránh rủi ro, Nhóm chuyên gia của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) gồm

  • Luật sư Võ Nhật Thăng (Chủ biên), Nguyên Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC);

  • Luật sư Ngô Khắc Lễ, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Hòa giải viên Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) thuộc VIAC;

  • Ông Vũ Xuân Phong, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC);

  • Ông Nguyễn Tương, Cố vấn cao cấp Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam

đã biên soạn cuốn sách “Nguồn gốc ra đời của vận đơn và một số tranh chấp liên quan tới dịch vụ Logistics”.

Cuốn sách gồm 4 phần:

  • Phần I: Nguồn gốc ra đời của vận đơn

  • Phần II: Một số tranh chấp liên quan tới dịch vụ Logistics

  • Phần III: So sánh các quy định về vận đơn trong các công ước hàng hải quốc tế và Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2015

  • Phần IV: Quy định về vận đơn trong Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2015

 

Mọi thông tin và hỗ trợ liên quan đến ẩn phẩm trên vui lòng liên hệ:

HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP DỊCH VỤ LOGISTICS VIỆT NAM

Địa chỉ: Tầng 2, Tòa nhà Toserco Building Số 273 Phố Kim Mã, Phường Giảng Võ, Quận Ba Đình, Hà Nội

Điện thoại: 84-4-35627709 - Email: vla-hn02@vla.com.vn/vla-hnrep@vla.com.vn

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI