...

Áp dụng tập quán qua một vụ tranh chấp

29 Tháng 10, 2019

Tóm tắt sự việc

Nguyên đơn (Người bán) và Bị đơn (Người mua) ký hợp đồng mua bán hơn 200 nghìn tấn khoáng sản theo điều kiện CIF Incoterms 2010, cảng dỡ hàng tại Việt Nam ("Hợp đồng"). Hàng hóa được giao theo phương thức giao hàng từng phần. Mỗi lô hàng được vận chuyển bằng tàu biển có trọng tải từ 22.000 - 33.000 tấn (DWT). Sau khi các tàu theo đường biển đến Việt Nam, để giảm mớn nước đáp ứng điều kiện về mớn nước luồng của cảng, một phần hàng hóa của một số tàu đã được chuyển sang các tàu/sà lan/sà lan biển khác nhỏ hơn với sức chứa từ 4.800 đến 7.500 DWT để vận chuyển vào bờ. Một số tàu khác không cần chuyển tải sang tàu nhỏ hơn để dỡ hàng.

Sau khi hoàn thành việc giao toàn bộ các lô hàng cho Bị đơn theo Hợp đồng, Nguyên đơn đã gửi cho Bị đơn hồ sơ tính toán tiền phạt dôi nhật (demurrage) của 17 tàu biển/sà lan/sà lan biển đã tham gia vận chuyển toàn bộ hàng hóa của Hợp đồng. Tuy vậy, Bị đơn đã không đồng ý thanh toán tiền phạt dôi nhật nên Nguyên đơn đã khởi kiện tại một trung tâm trọng tài ở Việt Nam để yêu cầu bồi thường hơn 19 tỷ đồng tiền phạt dôi nhật, cùng với hơn 2 tỷ đồng tiền lãi do chậm trả, tiền thuê dịch vụ tư vấn pháp luật và phí trọng tài.  

Phân tích và lưu ý

Điều 5 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “1. Tập quán là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng để xác định quyền, nghĩa vụ của cá nhân, pháp nhân trong quan hệ dân sự cụ thể, được hình thành và  lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong một vùng, miền, dân tộc, cộng đồng dân cư hoặc trong một lĩnh vực dân sự; 2. Trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định thì có thể áp dụng tập quán nhưng tập quán áp dụng không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này”.    

Nguyên đơn cho rằng theo tập quán quốc tế “một khi bị phạt thì luôn luôn bị phạt” thì toàn bộ thời gian có thời tiết xấu, làm thủ tục cho tàu nhập cảnh, lấy nước dằn tàu (ballast) và tháo nước dằn, mở và đóng nắm hầm hàng, giám định mớn nước, v.v. (nếu có) luôn luôn phải tính là thời gian phạt dôi nhật. Giá mà Bị Đơn thu xếp việc dỡ hàng xong trước khi hết thời gian dỡ hàng thì những khoảng thời gian nêu trên (nếu có) đã không bị tính là thời gian dỡ hàng. (Nguyên văn tiếng Anh trong Phán quyết trọng tài: If the Respondent could arrange to discharge cargo before laytime expired, such periods of time (if any) shall not count as laytime).

Bị đơn không đồng ý với Nguyên đơn về việc áp dụng tập quán “một khi bị phạt thì luôn luôn bị phạt” và lập luận rằng Hợp đồng không quy định về việc áp dụng tập quán này và Nguyên đơn cũng không đưa ra được bất kỳ cơ sở pháp lý nào cho việc áp dụng tập quán đó (any legal authority for its application). Bị đơn yêu cầu Hội đồng Trọng tài xem xét có áp dụng tập quán này hay không trên cơ sở Hợp đồng được điều chỉnh bởi pháp luật Việt Nam.

Hội đồng Trọng tài nhận thấy theo khoản 2 Điều 4 Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2005, các bên có quyền thỏa thuận áp dụng luật nước ngoài hoặc tập quán hàng hải quốc tế trong quan hệ hợp đồng: “Các bên tham gia trong hợp đồng liên quan đến hoạt động hàng hải mà trong đó có ít nhất một bên là tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài thì có quyền thoả thuận áp dụng luật nước ngoài hoặc tập quán hàng hải quốc tế trong các quan hệ hợp đồng và chọn Trọng tài, Toà án ở một trong hai nước hoặc ở một nước thứ ba để giải quyết tranh chấp”. Tuy vậy, theo Hợp đồng, các bên không có thỏa thuận về việc áp dụng luật pháp Anh cũng như tập quán hàng hải quốc tế. Do đó, theo quy định nêu trên của Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2005, Hội đồng Trọng tài quyết định rằng Nguyên đơn không có cơ sở để áp dụng tập quán “một khi bị phạt thì luôn luôn bị phạt”.

Như vậy, trong trường hợp này (vụ việc xảy ra trước ngày 01 tháng 01 năm 2017), tập quán quốc tế “một khi đã bị phạt thì luôn luôn bị phạt” chưa được coi là “tập quán” ở Việt Nam vì tuy đã là “quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng để xác định quyền, nghĩa vụ của cá nhân, pháp nhân trong quan hệ dân sự cụ thể” nhưng chưa được hình thành và  lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài và chưa được thừa nhận, áp dụng rộng rãi ở Việt Nam. Chứng cứ là chưa có nhiều người trong nghành, nghề hàng hải biết đến tập quán quốc tế  này (một khi đã bị phạt thì luôn luôn bị phạt). Do đó, căn cứ vào nội dung vụ tranh chấp, Hội đồng Trọng tài quyết định không áp dụng tập quán quốc tế này tại Việt Nam là có cơ sở pháp lý và muốn áp dụng tập quán quốc tế tại Việt Nam cần có thỏa thuận trong hợp đồng nhưng không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

Cần lưu ý là sau khi Bộ luật dân sự năm 2015 có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2017 thì theo khoản 2 Điều 5 của Bộ luật này, Hội đồng Trọng tài có quyền áp dụng tập quán ngay cả khi các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định nhưng tập quán áp dụng không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại điều 3 của Bộ luật dân sự năm 2015./. 

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI