Với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, tốc độ thay đổi nhanh của công nghệ, các doanh nghiệp bán lẻ cần phải có chiến lược phát triển mới để có thể giành phần thắng trên thương trường. (Ảnh minh họa)
Báo cáo mới đây của Vietnam Report cho thấy, tốc độ tăng trưởng thị trường bán lẻ của Việt Nam luôn duy trì ở mức cao, khoảng 10%/năm, giá trị thị trường bán lẻ đạt khoảng 120 tỷ USD vào năm 2017 và ước đạt khoảng 160 tỷ USD vào năm 2020.
Trong vài năm trở lại đây, với sự lên ngôi của thương mại điện tử, thị trường bán lẻ tiêu dùng đã chứng kiến cuộc đua giữa các DN trong việc đầu tư vào công nghệ và phát triển kênh bán hàng online. Đặc biệt, sự xuất hiện của các thương hiệu bán lẻ quốc tế khiến mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Ghi nhận từ thực tế cho thấy, không chỉ cộng đồng doanh nghiệp đang đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử để phát triển thị trường xuất khẩu, hay các trung tâm thương mại kết hợp ứng dụng thương mại điện tử để tăng tính cạnh tranh mà ngay cả các cửa hàng bán lẻ truyền thống, các tiểu thương kinh doanh nhỏ lẻ… cũng tận dụng kênh bán hàng trực tuyến để tăng khả năng cạnh tranh.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho rằng: “Đây là thời điểm tốt khi có nhiều nền tảng hỗ trợ để nâng cấp mô hình bán lẻ truyền thống. Nếu các cửa hàng không tham gia ứng dụng thương mại điện tử thì ít khách, khó tồn tại được. Với bán lẻ truyền thống, khi đã hệ thống hóa rồi sẽ giảm được nhiều chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm, kinh doanh cũng nhờ thế sẽ tốt hơn”.
Tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan, Trọng tài viên VIAC, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam phân tích: “Bán lẻ đa kênh là hình thức bán lẻ kiểu mới, kết hợp giữa bán lẻ truyền thống và thương mại điện tử bằng việc sử dụng trí tuệ nhân tạo, công nghệ dữ liệu.
Mô hình bán lẻ đa kênh, cho phép kết nối liền mạch việc trải nghiệm mua sắm ở cửa hàng truyền thống và kênh bán hàng trực tuyến. Chi phí thuê mặt bằng cao, sử dụng nhiều nhân công và không mạnh về công nghệ là những điểm yếu của ngành bán lẻ truyền thống”.
Ngược lại, đối với hình thức mua hàng trực tuyến, Bà Loan cho rằng, khách hàng chỉ được xem hình, video, hay xem các bình luận để thẩm định chất lượng hàng hóa. Với một số người thì dường như chưa đủ thỏa mãn. Do đó, bán lẻ đa kênh là hình thức giúp khắc phục những điểm yếu của bán lẻ truyền thống và bán hàng trực tuyến.
Báo cáo nghiên cứu về hành vi tiêu dùng của Công ty TNHH Johns Lang LaSalle Việt Nam (chuyên về quản lý đầu tư và dịch vụ chuyên nghiệp) cũng cho thấy, thói quen mua sắm đặc trưng của người Việt là phải tận mắt thấy món đồ kể cả mua trực tuyến.
Theo Bộ Công Thương, doanh thu thương mại điện tử tiếp tục tăng trưởng ổn định 20%/năm và dự kiến đến năm 2020, doanh số bán hàng thương mại điện tử có thể đạt 10 tỷ USD, chiếm khoảng 5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước.
Điều đó cho thấy, không gian phát triển cho kênh bán lẻ hiện đại còn rất lớn khi đến nay tổng lượng hàng hóa được tiêu thụ trên hệ thống bán lẻ hiện đại như trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi... chiếm chưa tới 30% tổng quy mô của toàn thị trường bán lẻ.
Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, tốc độ thay đổi nhanh của công nghệ, các doanh nghiệp bán lẻ cần phải có chiến lược phát triển mới để có thể giành phần thắng trên thương trường.