Với việc mạng xã hội đang phát triển nhanh, báo chí phải liên tục đổi mới khẳng định vai trò của mình và đặc biệt phải có tính tương tác với nguồn khởi phát thông tin chính thống.
Đây là khẳng định của Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC).
Theo LS Trần Hữu Huỳnh, hơn lúc nào hết trách nhiệm của cơ quan báo chí là làm cầu nối thông tin hiệu quả giữa những nhà hoạch định chính sách với các đối tượng chịu tác động của những chính sách này. Bởi vì với tốc độ phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, cùng với đó là vòng quay rất nhanh của cuộc sống, của nền kinh tế, các chính sách hoặc sẽ chậm được ban hành hoặc sẽ nhanh chóng trở nên lạc hậu nếu báo chí phản ánh không kịp thời. Hay nói cách khác, báo chí phải trở thành một kênh tương tác chính thống, chính thức, hiệu quả, chân thực và minh bạch - siêu tương tác, siêu kết nối.
- Là người đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan báo chí trong nhiều năm qua, ông có đánh giá như thế nào về sự hỗ trợ của báo chí với cộng đồng doanh nghiệp thông qua việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật?
Thước đo chất lượng một văn bản chính sách, một quy định pháp luật chính là sự tiếp nhận tích cực của thực tiễn thông qua việc thực thi chính sách pháp luật nhanh, chi phí thấp, tạo được động lực phát triển bền vững. Và thông thường những chính sách có “hơi thở của cuộc sống” như thế thường nhận được nhiều phản hồi tích cực từ báo chí; ngược lại báo chí cũng là nơi nơi phản ánh đầy đủ, sinh động các bất cập chính sách hoặc các quy định “tồi” của pháp luật.
Báo chí hôm nay đã chủ động hơn để có được thông tin từ các nguồn khởi phát chính thống.
Không chỉ có vậy, báo chí cùng với khối các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp… có vai trò rất quan trọng trong việc tuyên truyền, giải thích, đưa pháp luật vào cuộc sống. Khi những lổ hổng của chính sách pháp luật bộc phát, báo chí cũng sẽ phải là nơi phản ánh kịp thời những khiếm khuyết này để có những điều chỉnh kịp thời. Đặc biệt, thông qua báo chí các đại biểu quốc hội, ban soạn thảo hiểu rõ hơn ý chí, nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp, từ đó có những điều chỉnh hợp lý nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên.
Nhìn từ Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, thời gian qua, báo đã dành rất nhiều thời lượng để ghi nhận những ý kiến đóng góp của các doanh nhân, doanh nghiệp trong việc xây dựng và phản biện chính sách pháp luật, trở thành tiếng nói trung thực, đa chiều của cộng đồng doanh nghiệp. Khi Báo đã có những thông tin kịp thời và chính xác như vậy, cộng đồng doanh nghiệp sẽ coi báo không chỉ là “cầu nối” với cơ quan ban hành chính sách mà còn là chỗ dựa đáng tin cậy để họ lên tiếng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.
- Nhưng hiện nay, có rất nhiều luồng thông tin tác động đến hoạt động doanh nghiệp trong đó có cả thông tin trung thực lẫn thông tin giả mạo, thông tin có mục đích xấu với hoạt động của doanh nghiệp. Trong bối cảnh ấy, báo chí đã và sẽ phải làm gì để khẳng định sự đúng đắn, thưa ông?
Đúng là như vậy, mạng xã hội ngày càng phát triển mạnh mẽ mà hạn chế của nó là khó kiểm chứng thông tin. Đôi khi, những thông tin hoặc do vội vã, hoặc do dụng ý xấu trên mạng xã hội đã gây ra những tác động tiêu cực tới doanh nghiệp, khi ấy báo chí phải đóng vai trò quan trọng để bảo vệ doanh nhân, doanh nghiệp. Không những thế, với tư cách tiên phong trong việc đưa thông tin, báo chí cần phát hiện kịp thời, trung thực thực tiễn hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp, từ đó hạn chế “đất trống” cho các loại thông tin như cỏ xấu, gây độc hại cho môi trường kinh doanh. Giữa những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, báo chí là kênh cung cấp thêm thông tin giúp doanh nghiệp có thêm kiến thức thực tiễn, từ đó đưa ra những quyết định kinh doanh đúng đắn. Báo chí cũng là nguồn giúp doanh nghiệp nắm bắt thời sự một cách toàn diện hơn, có thêm lập luận để tham gia xây dựng chính sách, pháp luật “chuẩn” hơn.
- Ông đã gắn bó với báo DĐDN và cùng báo tham gia 6 giải Báo chí viết về doanh nghiệp, doanh nhân và môi trường kinh doanh. Ông nhìn nhận thế nào về sự tương tác giữa báo chí và doanh nghiệp, trong thời gian qua?
Trải qua 6 năm đồng hành cùng chương trình Báo chí viết về doanh nghiệp, doanh nhân và môi trường kinh doanh, tôi thấy rằng sự tương tác giữa báo chí với doanh nghiệp và cơ quan soạn thảo trong quá trình hoàn thiện pháp luật đã hiệu quả hơn. Nhiều cơ quan soạn thảo đã cung cấp thông tin về xây dựng pháp luật công khai hơn, kịp thời hơn, từ khi đang là chính sách đến khi có dự án luật cuối cùng để báo chí có thể tiếp cận được. Việc chủ động có được thông tin từ các nguồn khởi phát chính thống đã giúp báo chí có thể tiếp cận với các phản hồi của cộng đồng doanh nghiệp một cách đầy đủ và sáng tạo hơn.
Trong lĩnh vực chính sách kinh tế, một điểm đáng mừng là cộng đồng doanh nghiệp, từ tiếp cận thông tin đến phản hồi chính sách, đã có những bước tiến rất nhanh. Với các tổ chức đại diện của mình như hiệp hội doanh nghiệp, câu lạc bộ doanh nhân, doanh nghiệp... cùng báo chí và các cơ quan Nhà nước đã bước đầu thiết lập được các “diễn đàn” để phản ánh tiếng nói, quan điểm của các bên, thu hẹp các khác biệt, tăng thêm đồng thuận trong xã hội.
- Xin cảm ơn ông!