Trong thế giới biến đổi, hơn lúc nào hết trách nhiệm của cơ quan báo chí là làm cầu nối thông tin hiệu quả giữa những nhà hoạch định chính sách với các đối tượng chịu tác động.
Đó là chia sẻ của Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội đồng Trung tâm, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) với Diễn đàn Doanh nghiệp nhân dịp kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2022).
Ông có đánh giá như thế nào về sự tương tác giữa báo chí và doanh nghiệp trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt pháp luật về đầu tư kinh doanh, trong thời gian qua?
Luật sư Trần Hữu Huỳnh (Ảnh: Diễn đàn Doanh nghiệp)
Trải qua 9 năm đồng hành cùng chương trình Báo chí viết về doanh nghiệp, doanh nhân và môi trường kinh doanh, tôi thấy rằng sự tương tác giữa báo chí với doanh nghiệp và cơ quan soạn thảo trong quá trình hoàn thiện pháp luật đã hiệu quả hơn.
Nhiều cơ quan soạn thảo đã cung cấp thông tin về xây dựng pháp luật công khai hơn, kịp thời hơn, từ khi đang là chính sách đến khi có dự án luật cuối cùng để báo chí có thể tiếp cận được. Việc chủ động có được thông tin từ các nguồn khởi phát chính thống đã giúp báo chí có thể tiếp cận với các phản hồi của cộng đồng doanh nghiệp một cách đầy đủ và sáng tạo hơn.
Trong lĩnh vực chính sách kinh tế, một điểm đáng mừng là cộng đồng doanh nghiệp, từ tiếp cận thông tin chính sách đến phản hồi chính sách, đã có những bước tiến rất nhanh. Với các tổ chức đại diện của mình như hiệp hội doanh nghiệp, câu lạc bộ doanh nhân, doanh nghiệp..., cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp đã trở thành một đối tác quan trọng trong hoạt động xây dựng chính sách, xây dựng thể chế.
Và báo chí đã trở thành một "kênh" không chỉ phản ánh thông tin hai chiều từ Nhà nước đến cộng đồng doanh nghiệp mà còn là kênh phản biện chính sách hữu hiệu hàng đầu của doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia. Kết quả của quá trình này chính là đã có nhiều hơn những chính sách có chất lượng, sát thực tiễn đồng thời ngăn chặn được từ đầu các đề xuất chính sách xa rời cuộc sống, thiếu hợp lý, thiếu khả thi, phản cạnh tranh...
Đặc biệt, trong 2 năm qua, khi đại dịch COVID-19 bất ngờ ập đến, báo chí đã góp phần quan trong việc truyền tải các thông tin tới người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh việc tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước trong quá trình chống dịch, báo chí cũng đã phản ánh tiếng nói của người dân và doanh nghiệp về những khó khăn mà họ gặp phải khi đối mặt với đại dịch, để cơ quan nhà nước kịp thời hỗ trợ và tháo gỡ.
Khi những lổ hổng của chính sách pháp luật bộc phát, báo chí phải là nơi phản ánh kịp thời những khiếm khuyết này để có những điều chỉnh kịp thời. (Diễn đàn Hợp tác Báo chí và Doanh nghiệp do Ban Tuyên giáo Trung ương và VCCI phối hợp thực hiện. Ảnh: Quốc Tuấn)
-Vậy, theo ông, báo chí đã làm tốt vai trò tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật, cũng như vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và các nhà quản lý, nhà xây dựng chính sách?
Thước đo chất lượng một văn bản chính sách, một quy định pháp luật chính là sự tiếp nhận tích cực của thực tiễn thông qua việc thực thi chính sách pháp luật nhanh, chi phí thấp, tạo được động lực phát triển bền vững. Và thông thường những chính sách có “hơi thở của cuộc sống” như thế thường nhận được nhiều phản hồi tích cực từ báo chí; ngược lại báo chí cũng là nơi nơi phản ánh đầy đủ, sinh động các bất cập chính sách hoặc các quy định “tồi” của pháp luật.
Khi những lổ hổng của chính sách pháp luật bộc phát, báo chí cũng sẽ phải là nơi phản ánh kịp thời những khiếm khuyết này để có những điều chỉnh kịp thời. Đặc biệt, thông qua báo chí các đại biểu quốc hội, ban soạn thảo hiểu rõ hơn ý chí, nguyện vọng của doanh nghiệp, từ đó có những điều chỉnh hợp lý nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên, tạo môi trường kinh doanh phát triển lành mạnh, bền vững.
- Ông nghĩ sao về trách nhiệm của báo chí trước tình trạng hiện nay có nhiều thông tin giả mạo, thông tin có mục đích xấu tác động tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp, thưa ông?
Đúng là như vậy, mạng xã hội ngày càng phát triển mạnh mẽ mà hạn chế của nó là khó kiểm chứng thông tin. Đôi khi, những thông tin hoặc do vội vã, hoặc do dụng ý xấu trên mạng xã hội đã gây ra những tác động tiêu cực tới doanh nghiệp, khi ấy báo chí phải đóng vai trò quan trọng để bảo vệ doanh nhân, doanh nghiệp.
Không những thế, với tư cách tiên phong trong việc đưa thông tin, báo chí cần phát hiện kịp thời, trung thực thực tiễn hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp, từ đó hạn chế “đất trống” cho các loại thông tin như cỏ xấu, gây độc hại cho môi trường kinh doanh.
-Cuối cùng, nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, ông có nhắn nhủ gì đến đội ngũ những người làm báo?
Bên cạnh nhiệm vụ tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật, tôi mong báo chí tăng cường phản ánh các tấm gương tốt trong cộng đồng doanh nghiệp và các cán bộ công chức, lãnh đạo các Bộ ngành, chính quyền địa phương,... điều mà chúng ta thấy đang rất hiếm hiện nay.
Mỗi Nhà báo cũng phải phấn đấu là những nhà báo vì công lý, vì nhân dân phụng sự, thực hiện sứ mệnh một cách khách quan, chuyên nghiệp.
- Xin cảm ơn ông!
Theo Huyền Trang - Diễn đàn Doanh nghiệp đăng ngày 21/06/2022