...

Cách thức nào giúp kinh tế Việt Nam vượt qua khó khăn?

16 Tháng 9, 2020

Ông Cung cũng nhấn mạnh hơn lúc nào hết, việc giảm thuế, chi phí cho doanh nghiệp, đảm bảo quyền tự do kinh doanh là điều quan trọng nhất giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

- Một gói cứu trợ kinh tế lần 2 đang được các chuyên gia nhắc đến nhiều như một liều thuốc bổ giúp kinh tế Việt Nam vượt qua khó khăn trong giai đoạn này. Ông đánh giá như thế nào về đề xuất lần này?

- Ở thời điểm hiện tại, tôi cho rằng thay việc triển khai thêm Gói hỗ trợ thì chúng ta nên tập trung vào các chính sách để có định hướng lâu dài cho nền kinh tế. Việc thực thi chính sách cũng cần phải đồng bộ, dài hạn và bài bản với hai định hướng.

Thứ nhất, là hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 vượt qua khó khăn, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh và giữ tốc độ tăng trưởng GDP tối đa có thể. Việc thực hiện hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 ngoài việc phải thực hiện tốt hơn thì còn phải kéo dài thời gian triển khai.

 Thứ hai, là các chính sách hướng tới thúc đẩy, phục hồi tăng trưởng kinh tế trong những năm tiếp theo. Theo đó, việc miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp, giảm chi phí cho doanh nghiệp và bỏ 2% phí công đoàn phải là những việc cần được tiếp tục ưu tiên làm. Cùng với đó, việc tận dụng các cơ hội mới cũng chính là vấn đề đáng lưu tâm.

- Vậy còn vấn đề thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công thì sao, thưa ông, khi mà nhiều quan điểm cho rằng việc giải ngân vốn đầu tư công sẽ là cứu tinh cho nền kinh tế trong thời điểm hiện tại thì ở một mặt khác, nhiều cơ quan đang xin được trả lại vốn đầu tư công do không dùng hết? Điều này có tạo ra mâu thuẫn gì không?

Đầu tư công là vấn đề rất đáng quan tâm ở thời điểm hiện tại. Trong câu chuyện đầu tư công, tôi muốn nhấn mạnh một số vấn đề:

Thứ nhất, đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại đã làm kìm hãm việc kích cầu đầu tư tư nhân ở thời điểm hiện tại và tình trạng này sẽ kéo dài cho tới cuối năm. Do đó, động lực cho nền kinh tế chỉ còn trông chờ vào kích cầu công, mà đó chỉ có thể là kích cầu đầu tư. Tuy nhiên, để giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả thì ngoài việc chú trọng đẩy mạnh giải ngân số lượng thì chất lượng cũng phải được quan tâm, tránh trường hợp cứ thúc giải ngân, dòng vốn vô tình sẽ chảy vào những dự án không cần thiết như công trình tượng đài... 

Nếu có quyền quyết định đốc thúc, tôi sẽ chỉ tập trung vào những dự án giao thông hạ tầng trọng điểm. Có thể lựa chọn 20-40 dự án để giải ngân thay vì đốc thúc đại trà, ngành nào cũng như ngành nào.

Còn về vấn đề nhiều cơ quan xin trả lại vốn đầu tư công thì đây là câu chuyện rất bình thường bởi ở những nơi mà đầu tư công không mang lại hiệu quả hoặc đang thừa vốn thì chuyện trả lại không có gì phải ngạc nhiên.

Thứ hai, nhân dịp này chúng ta phải xem lại toàn bộ hoạt động quản lý về đầu tư công. Tại sao trong mấy năm nay, chúng ta liên tục phàn nàn về việc chậm giải ngân, không giải ngân được vốn đầu tư công? Việc giải ngân đầu tư công chậm cho thấy cách quản lý đầu tư công hiện nay của chúng ta không phù hợp và làm phân tán nguồn lực đầu tư.

Về bản chất, Luật Đầu tư công chỉ là luật khi cụ thể hóa, hiện thực hóa chế độ đầu tư công nhưng chế độ đầu tư công hiện nay không hợp lý, đòi hỏi phải thay đổi. Trường hợp cần thiết thì xây dựng Luật Đầu tư công mới trên cơ sở cách thức quản lý mới đó là việc trọng tâm vào các mục tiêu các ngành nghề cụ thể để đầu tư thay vì đầu từ dàn trải như hiện nay.

- Năm nay được dự đoán là một năm đầy khó khăn với kinh tế Việt Nam. Vậy, ông dự đoán tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay sẽ như thế nào?

Đây đúng là một năm khó khăn của kinh tế Việt Nam. Có thể nói mức độ, quy mô của sự khó khăn chưa từng thấy trong lịch sử. Nhưng tình trạng này không sớm kết thúc trong năm nay mà còn tác động sang năm 2021, 2022, thậm chí là 2023. Nói cách khác những dư chấn mà nền kinh tế bị tác động bởi dịch COVID-19 phần lớn được chuyển sang nhiệm kỳ tới.

Tăng trưởng GDP năm nay chắc chắn thấp, loanh quanh ở ngưỡng 2%-2,5%. Nhưng như tôi đã nói tăng trưởng GDP năm nay âm hay dương cũng không quá quan trọng bằng việc định hướng phát triển để nền kinh tế hồi phục trong những năm sau.

- Vậy, ông có khuyến nghị nào để cơ quan nhà nước cũng như doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay?

Tôi tin rằng doanh nghiệp đủ thông minh để nắm bắt những cơ hội, thời có kinh doanh ngay cả khi dịch bệnh đang bùng phát. Có chăng, chúng ta nên hỗ trợ, cung cấp thông tin, đào tạo kỹ năng, hướng dẫn áp dụng công nghệ thông tin, tạo platform... cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đồng thời, doanh nghiệp phải được bảo vệ hợp pháp lợi ích, tài sản và công bằng trong hoạt động kinh doanh.

Cùng với đó, nhà nước đừng can thiệp quá nhiều, hãy để cho người dân và doanh nghiệp tự do kinh doanh những gì pháp luật không cấm.

- Xin cảm ơn ông! 

Theo Báo Diễn đàn Doanh nghiệp.

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI