Khu Công nghệ cao TPHCM đang thu hút nhiều tập đoàn công nghệ nước ngoài vào đầu tư.
Ảnh minh họa: HOÀNG TRIỀU
Chưa tương xứng với ưu đãi được hưởng
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI),Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, qua 35 năm kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987 được ban hành, Việt Nam đã là điểm đến đầu tư hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. Đây cũng là điểm sáng trong phát triển kinh tế Việt Nam giai đoạn vừa qua. So với năm 1991, thời điểm Việt Nam chỉ tiếp nhận 1,28 tỷ USD vốn đăng ký và 428,5 triệu USD vốn thực hiện thì số vốn đăng ký và giải ngân trong năm 2021 cao hơn lần lượt khoảng 30 lần và 38 lần, dù đây là năm cả nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu vực FDI cũng đóng góp quan trọng vào tạo việc làm, thúc đẩy thương mại quốc tế, thúc đẩy liên kết cụm ngành, liên kết chuỗi giá trị và góp phần nâng cao năng suất lao động.
Ước tính giá trị xuất khẩu của khu vực FDI tương đương khoảng 72% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, góp phần giúp Việt Nam có thặng dư thương mại trong những năm gần đây. Tuy dòng vốn FDI là một trong các nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế, nhưng hoạt động của các dự án đầu tư nước ngoài thời gian qua cũng nảy sinh những vấn đề bất cập.
“Theo báo cáo của cơ quan Thuế, tình trạng một số doanh nghiệp FDI chuyển giá và trốn thuế tại Việt Nam vẫn còn tồn tại. Một số doanh nghiệp chưa tuân thủ tốt các quy định về môi trường của pháp luật Việt Nam, tạo ra nhiều hệ quả cho xã hội. Vụ việc tại biển miền Trung năm 2016 hay xa hơn là vụ việc xả thải ra sông Thị Vải năm 2009 là những lời nhắc nhở về những rủi ro tiềm tàng đối với môi trường mà các dự án FDI có thể gây ra nếu không được quản lý, giám sát tốt. Vấn đề đặt ra là phải làm sao thu hút các dự án FDI có chất lượng, hoặc tìm kiếm được các nhà đầu tư, kinh doanh có trách nhiệm; giảm thiểu các rủi ro về kinh tế - xã hội và môi trường do các dự án FDI kém chất lượng gây ra”, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm của Trưởng ban Pháp chế VCCI, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) cũng khẳng định, về mặt chất lượng của các dự án FDI tính đến thời điểm này vẫn còn nhiều hạn chế như dự án công nghệ cao từ những nền kinh tế phát triển vào Việt Nam là khá ít, đồng thời số doanh nghiệp thành lập các Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) còn chưa đáng kể.
“Hơn thế nữa, khu vực kinh tế FDI mặc dù là động lực quan trọng với tốc độ tăng trưởng luôn cao hơn các khu vực kinh tế khác trong nền kinh tế, song nhiều doanh nghiệp FDI đóng góp vào ngân sách nhà nước chưa tương xứng với quy mô dự án cũng như những ưu đãi được hưởng”, ông Toàn quan ngại.
Cần bộ lọc “mới” để lựa chọn nhà đầu tư tương xứng
Theo khảo sát của VCCI, từ trước tới nay, các địa phương thẩm định dự án FDI chủ yếu dựa trên kinh nghiệm chứ chưa có hướng dẫn chi tiết và bộ tiêu chí, danh mục đánh giá cụ thể. Vẫn còn tình trạng địa phương dễ dãi trong việc lựa chọn dự án đầu tư, các khía cạnh như môi trường, xã hội ít được chú trọng.
Ngoài ra, khái niệm “dự án kinh doanh có trách nhiệm” vẫn còn rất mới, dự án được lựa chọn chủ yếu tập trung vào kinh tế và phù hợp với quy hoạch của từng nơi mà chưa có sự đồng bộ, thống nhất giữa các tỉnh, thành. Điều này dẫn đến một số doanh nghiệp FDI chưa tuân thủ các quy định về môi trường, lao động và có cả hiện tượng chạy dự án, chuyển giá, rửa tiền.
Bên cạnh đó, việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các hiệp định thế hệ mới cũng tạo động lực cho Việt Nam hài hòa các quy định về tính minh bạch của luật pháp, về bảo vệ người lao động và phòng chống tham nhũng. Những điều này thúc đẩy các doanh nghiệp, cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, thực hành kinh doanh có trách nhiệm hơn.
Trước thực tế này, việc cần có thêm các tiêu chí để thu hút các dự án FDI có chất lượng từ các nhà đầu tư với định hướng kinh doanh có trách nhiệm là rất cần thiết. “Bởi chúng ta có chính sách nhưng thiếu vắng những hướng dẫn chi tiết hay những công cụ hỗ trợ việc sàng lọc, đánh giá, thẩm định dự án đầu tư ở các địa phương”, ông Tuấn khẳng định. Và mới đây, VCCI và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp phát triển một công cụ rà soát dự án FDI xin cấp phép tại Việt Nam.
Bộ lọc bao gồm danh mục, các yếu tố để giúp cho các địa phương đánh giá khi tiếp nhận hồ sơ xin cấp phép đầu tư, từ nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, công cụ sẽ gồm: Các đánh giá bắt buộc về việc liệu dự án có tuân thủ các quy định pháp luật về đầu tư tại Việt Nam; các đánh giá bắt buộc về những rủi ro tiềm ẩn về kinh tế, xã hội và môi trường; các tiêu chí khuyến khích doanh nghiệp tuân thủ dựa trên các thông lệ quốc tế và thực tiễn tốt về kinh doanh có trách nhiệm. Bộ công cụ này bao gồm danh mục các yếu tố cần xem xét khi chính quyền địa phương thực hiện sàng lọc, thẩm định dự án FDI. Rà soát ban đầu nhằm loại trừ các dự án không đảm bảo các yêu cầu bắt buộc theo quy định pháp luật của Việt Nam; sau đó là khuyến khích việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế và các thực tiễn tốt trong kinh doanh.
Đánh giá về bộ lọc, ông Đào Xuân Đức, Phó Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh (HBA) cho rằng các địa phương cần có cách tiếp cận chính xác Bộ công cụ này, sau đó áp dụng cho phù hợp. Bộ công cụ mang ý nghĩa gợi ý, khuyến nghị chúng ta. Vì vậy các địa phương nên căn cứ vào các gợi ý này để chúng ta định lượng lại những nội dung ở trong này. Các địa phương cũng nên vận dụng để cụ thể hóa tình hình của mình. Càng cụ thể hóa càng tốt trong việc thu hút đầu tư vì định lượng càng tốt thì khi chúng ta thẩm định hoặc giới thiệu cho nhà đầu tư thì họ mới thấy rõ ràng.