Các chuyên gia cho rằng, vướng mắc lớn nhất trong triển khai điện NLTT hiện tại là giá cả. Ảnh: VGP
Vướng mắc giá cả
Ông Đào Xuân Đức, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp KCN TP.HCM (HBA) cho rằng, vấn đề hiện tại được rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm khi đầu tư vào KCN ở TP.HCM là năng lượng tái tạo (NLTT).
"Khi triển khai điện mặt trời ở các nhà xưởng, doanh nghiệp tiết kiệm được ít nhất 30% chi phí tiền điện mỗi tháng. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta mới chỉ phát triển điện mặt trời ở nhà dân, cơ quan. Trong khi ở các nhà xưởng khu công nghiệp lại không có. Một trong những tiêu chí hiện nay của nhiều nhà đầu tư nước ngoài tại các KCN ở TP.HCM là môi trường phải xanh, sạch, chú trọng năng lượng sạch, tái tạo. Có nhiều tập đoàn lớn tuyên bố với tôi rằng đến năm 2030 những nhà máy của họ sẽ hướng tới không sử dụng điện của EVN mà sử dụng NLTT. Đó là một cam kết toàn cầu", ông Đức cho biết.
Tương tự quan điểm của ông Đức, LS. Hoàng Nguyễn Hạ Quyên, Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH LNT & Partners, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm đến việc sử dụng điện năng lượng áp mái cho nhà xưởng tại các KCN.
"Chúng tôi đã tư vấn cho rất nhiều doanh nghiệp FDI về vấn đề này. Về pháp lý, sử dụng điện năng lượng mái nhà tại các KCN đang gặp vướng rất nhiều. Ví dụ, một nhà đầu tư được cấp giấy phép sản xuất tại KCN, họ sử dụng mái nhà xưởng để sản xuất điện năng lượng phục vụ nhu cầu. Giấy phép không cho họ sản xuất hay bán điện chẳng hạn. Họ cho một doanh nghiệp chuyên sản xuất điện năng lượng thuê mái nhà xưởng để sản xuất. Điều này lại gặp vướng ở pháp lý bởi trong giấy phép đầu tư ở các KCN không có chức năng cho thuê bất động sản", bà Quyên nêu những bất cập mà doanh nghiệp đầu tư điện năng lượng đang gặp phải.
Trong khi đó, một doanh nghiệp FDI đang đầu tư vào ngành NLTT cho biết, một trong những vướng mắc lớn nhất của các doanh nghiệp ngành này là phải xin rất nhiều loại giấy phép và chưa có cơ chế được phép hoà lưới điện quốc gia.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công thương cho biết, chưa có khung khổ pháp lý cụ thể về vấn đề hoà lưới điện.
Còn ông Nguyễn Văn Yên, Chánh Văn phòng Hiệp hội Năng lượng Việt Nam lý giải về việc chưa có hành lang pháp lý rõ ràng về đầu tư điện mặt trời tại KCN, chủ yếu liên quan đến giá cả mua bán điện.
"Giá điện mặt trời được ưu đãi là để tự sản tự tiêu khoảng 9,35 cent/kWh (khoảng hơn 2.000 đồng). Nhưng nhiều doanh nghiệp xây dựng trang trại điện làm điện mặt trời lại để bán cho EVN. Còn giá EVN bán ra thị trường chỉ được 7,2 cent/kWh. Điều này gây thiệt hại cho chính phủ, nhà nước", ông Yên cho biết.
Cũng như các chuyên gia khác, ông Yên cho rằng, việc phát triển NLTT là cấp thiết, có thể giúp hạn chế nguy cơ thiếu điện.
"Các cơ quan nhà nước cần đưa ra các định hướng, chính sách thông thoáng hơn, đầu đủ hơn để tạo môi trường đầu tư ổn định đối với nguồn NLTT. Không chỉ vậy cần có giải pháp và cơ chế phù hợp hơn trong việc phát triển các dự án NLTT và hạn chế ảnh hưởng của các dự án NLTT biến đổi (điện gió, điện mặt trời)", đại diện Hiệp hội Năng lượng Việt Nam kiến nghị.
Cần cơ chế để thu hút
Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang sở hữu tiềm năng đặc biệt lớn về các nguồn NLTT như thủy điện, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi và xu thế xanh hóa quá trình sản xuất trên thế giới, khu vực phía Nam trong đó có TP.HCM được đánh giá cao với nhiều lợi thế và động lực để đầu tư vào phát triển NLTT.
Tuy nhiên, những thành tựu và tiến bộ đạt được chưa đủ để ngành năng lượng vượt qua tình trạng phát triển không mấy đột phá. Điều này đặt ra yêu cầu cho Việt Nam nói chung và khu vực phía Nam, đặc biệt là TP.HCM nói riêng cần tiếp tục đưa ra các chính sách và sửa đổi một số luật sao cho phù hợp với thực tế nhằm thu hút các nguồn lực để phát triển năng lượng theo hướng đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển NLTT.
Tại TP.HCM, NLTT đang trở thành một phần quan trọng của chiến lược phát triển năng lượng và bảo vệ môi trường. Chính quyền thành phố đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích phát triển NLTT, đáng chú ý là thành phố đang triển khai Đề án Đô thị thông minh trong đó NLTT và tiết kiệm năng lượng là một phần quan trọng. Thành phố đã triển khai nhiều dự án liên quan đến NLTT như hệ thống đèn đường LED tiết kiệm năng lượng, điện mặt trời trên các tòa nhà công cộng và các công trình tiết kiệm năng lượng.
Bên cạnh các tiềm năng tự nhiên nhằm phát triển NLTT và tiềm lực xã hội trên địa bàn Thành phố, Nghị quyết số 98/2023/QH15 được Quốc hội thông qua với nhiều cơ chế đặc thù được kỳ vọng mang lại nhiều cơ hội, thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng - tăng dần việc cung cấp năng lượng xanh và tiến đến thay thế các nguồn năng lượng dựa vào hóa thạch dựa trên điều kiện và tiềm năng của thành phố.
Về pháp lý, ông Nguyễn Anh Sơn, cho biết, trong những năm gần đây, Nhà nước đã ban hành các chính sách để thu hút nhà đầu tư phát triển các nguồn NLTT. Cụ thể, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55- NQ/TW ngày 11/2/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chính phủ đã có Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 2/10/2020 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 55, trong đó giao nhiệm vụ Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng Luật NLTT, thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2025. Các văn bản này cùng với nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan khác đang là bệ đỡ tốt cho việc mở rộng, hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến lĩnh vực năng lượng nói chung và NLTT nói riêng.
Với sự phát triển ngày càng nhanh chóng của NLTT, theo ông Sơn, khung pháp lý điều chỉnh các dự án này cũng cần thiết phải hoàn thiện đầy đủ và nhanh chóng hơn để thuận lợi hóa cho quá trình triển khai của doanh nghiệp hạn chế rủi ro, thiệt hại phát sinh.
Đối với TP.HCM, ông Sơn cũng kiến nghị, lãnh đạo TP.HCM cần nghiên cứu và đánh giá sát sao thực tiễn tiến độ, vướng mắc triển khai dự án NLTT, từ đó đóng góp thêm nguyên liệu để hoàn thiện khung chính sách phát triển lĩnh vực NLTT quốc gia. Việc thúc đẩy hoàn thiện các luật liên quan đến ngành năng lượng sẽ tạo cơ sở vận hành kiểm soát hiệu quả thị trường mua bán điện nói chung và từ các dự án NLTT nói riêng, đóng góp hiệu quả vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước. Kiến nghị phát triển điện mặt trời áp mái: giảm tải phát thải, tiết kiệm, hỗ trợ nhà đầu tư. Vấn đề điện gió liên quan an ninh quốc gia.