Gần 200 vụ việc hàng xuất khẩu của Việt Nam bị điều tra phòng vệ thương mại, trong đó có nhiều mặt hàng mũi nhọn, với tổng kim ngạch bị ảnh hưởng lên đến 12 tỷ USD. Đây là một con số rất lớn tính từ đầu năm đến nay.
Đáng lưu ý, số lượng và kim ngạch các vụ việc đang tăng rất nhanh khi Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế từ Hiệp định EVFTA. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần nâng cao hiểu biết về phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích cho ngành hàng xuất khẩu của mình.
Thép là một trong những ngành hàng phải đối mặt nhiều nhất các vụ kiện phòng vệ thương mại chống bán phá giá. Ảnh minh họa - Dân trí.
Thép là một trong những ngành hàng phải đối mặt nhiều nhất chiếm tới 30% các vụ kiện phòng vệ thương mại chống bán phá giá chỉ trong một thời gian ngắn từ đầu năm đến nay.
Nguyên nhân là do kim ngạch xuất khẩu thép tăng khá nhanh khiến nhiều quốc gia điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ sản xuất trong nước họ.
TS. Nguyễn Văn Sưa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết: "Việc sử dụng phòng vệ thương mại cũng gây ra nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu của ngành thép, đặc biệt là một cái ngành công nghiệp chúng ta mới phát triển, tương đối non trẻ so với thế giới".
200 vụ việc bị điều tra phòng vệ thương mại tập trung vào nhiều mặt hàng mũi nhọn như thuỷ sản (tôm, cá tra), nhôm, gỗ… với tổng kim ngạch bị ảnh hưởng lên đến 12 tỷ USD. Con số cho thấy, khi EVFTA có hiệu lực, cũng đồng nghĩa hàng hoá Việt Nam vào EU có lợi thế cạnh tranh rất lớn về thuế, song cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro về thương mại như gian lận nguồn gốc xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, lẩn tránh thuế…
"Nếu hàng hóa bán vào thị trường nào đó mà đạt mức trên 3 % thị phần của nước đó thì chúng ta đã rơi vào nguy cơ bị kiện bất cứ lúc nào hoặc là trên 7% tùy theo từng trường hợp", Luật sư Đinh Ánh Tuyết - Trọng tài viên, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nói.
Doanh nghiệp cần chủ động ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài. Ảnh minh họa - Dân trí.
Theo các chuyên gia, hơn lúc nào hết, doanh nghiệp cần chủ động ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài bằng cách không tham gia, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và cần biết cách bảo vệ lợi ích của mình.
"Duy trì một hệ thống sổ sách kế toán phù hợp với pháp luật, minh bạch rõ ràng và đầy đủ sẽ là bằng chứng không thể thiếu cho các doanh nghiệp khi bảo vệ cái lợi ích của chính mình", bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc, Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nói.
Một cuộc khảo sát gần đây đã chỉ rõ trên 15% doanh nghiệp không biết gì về phòng vệ thương mại; trên 63% doanh nghiệp có nghe nói nhưng không biết rõ về vấn đề này.
Hiện là lúc các doanh nghiệp cần nâng cao mức độ hiểu biết về phòng vệ thương mại để bảo vệ chính doanh nghiệp mình, bảo vệ lợi ích của ngành hàng xuất khẩu.