...

Cần tạo điều kiện cho loại hình kinh doanh dịch vụ nhà ở lưu trú phát triển

29 Tháng 10, 2019

Cho thuê phòng còn trống hay căn hộ trong chung cư cao cấp đang gây nhiều tranh luận. Luật sư Nguyễn Tiến Lập - Trung tâm trọng tài quốc tế, Văn phòng Luật sư Nguyễn Quang và cộng sự trong trao đổi với phóng viên Báo Người Tiêu Dùng đã nêu ý kiến cho rằng, cần chấp nhận và tạo điều kiện cho loại hình kinh doanh dịch vụ nhà ở lưu trú phát triển, bởi đó là xu thế mang tính khách quan trong kỷ nguyên kinh tế số.

Airbnb cho phép thuê nhà riêng và căn hộ cao cấp trong thời gian ngắn hạn thông qua nền tảng công nghệ. (Đồ họa: Báo Người Tiêu Dùng).
 
Airbnb cho phép thuê nhà riêng và căn hộ cao cấp trong thời gian ngắn hạn thông qua nền tảng công nghệ.
(Đồ họa: Báo Người Tiêu Dùng). 

PV: Nhiều người mua và cho thuê ngắn hạn căn hộ trong chung cư cao cấp. Nhà nước có cần phải quản lý dịch vụ này không?

LS Nguyễn Tiến Lập:

Có thể mô tả ngắn gọn đây là loại hình cung cấp dịch vụ lưu trú trực tiếp và phi chuyên nghiệp của người sở hữu nhà và người có nhu cầu thông qua nền tảng công nghệ số. Nói “phi chuyên nghiệp” bởi tính nhất thời, đơn lẻ, không đăng ký dịch vụ, cũng như không tuân thủ các tiêu chuẩn dịch vụ được thừa nhận chung mà chỉ căn cứ vào thỏa thuận dân sự giữa các bên liên quan.

Về pháp lý, các giao dịch đó có tính chất dân sự nhiều hơn là thương mại, hoặc ít nhiều có sự đan xen, pha trộn. Mà đã là giao dịch dân sự thì đương nhiên không phát sinh nhu cầu phải quản lý hay can thiệp một cách chủ động từ phía Nhà nước, bởi đó là chuyện của người dân với nhau, trừ khi có vi phạm, tranh chấp và khiếu nại. Hãy nói sòng phẳng với nhau như vậy, vì ở nước ta, người ta hay nhầm lẫn và đánh đồng mọi việc theo hướng hoạt động gì cũng cần phải được Nhà nước quản lý hay quy định, và nếu không thì sai và không được làm. Tư duy đó rất xưa cũ.

Tuy nhiên, câu hỏi là tại sao loại hình dịch vụ lưu trú, gọi theo tiếng Anh là “homestay” này, lại đang có xu hướng bùng nổ, thậm chí cạnh tranh và lấn át dịch vụ du lịch và khách sạn truyền thống? Câu trả lời thuộc về bối cảnh mới của thời đại mà chúng ta hay gọi là “cách mạng công nghiệp 4.0”, còn được gọi là “kinh tế số” hay “kinh tế chia sẻ”. Theo đó, có hai dịch vụ mới nổi lên hàng đầu - dịch vụ vận chuyển hành khách với Uber, Lyft hay Grab và dịch vụ lưu trú với Airbnb - đã và đang được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Về bản chất, nền kinh tế mới này tạo rất nhiều cơ hội cho con người trong việc tạo việc làm, tăng thu nhập và hưởng thụ các tiện ích sẵn có, đồng thời xã hội tiết kiệm được rất nhiều chi phí và tài nguyên. Tuy nhiên, bởi vì các đặc điểm quá mới của nó nên do nhận thức và các thành kiến, nhiều người chỉ nhìn vào các mặt hạn chế và tiêu cực để rồi quy kết và phản đối, mà thực chất là không muốn và không dám đổi mới.

Luật sư Nguyễn Tiến Lập.
 
Luật sư Nguyễn Tiến Lập.

PV: Có ý kiến cho rằng, nếu không quản lý tốt loại hình kinh doanh dịch vụ nhà ở lưu trú dạng này sẽ dẫn đến những hệ lụy không thể lường trước vì khách hàng có thể thuê nhà để thực hiện những hành vi bị nghiêm cấm...

- Chúng ta phải thừa nhận một nguyên lý chung là mọi sự việc đều có hai mặt của nó, tích cực và tiêu cực. Tuy nhiên, nếu cái tích cực là chính và thuộc về xu thế khách quan thì cần chấp nhận và tạo điều kiện cho sự việc đó phát triển. Các khía cạnh tiêu cực thì cần có các biện pháp cụ thể để kiểm soát và hạn chế.

Nếu trong một tòa nhà chung cư có vài căn hộ được sử dụng để cho khách vãng lai thuê ở thì có thể sẽ gây mất trật tự chung, làm ảnh hưởng đến các hộ dân khác trong chung cư. Tuy nhiên, xét về quyền dân sự, nếu có căn hộ bỏ trống mà không được cho thuê thì tôi hoàn toàn có thể cho mượn để bạn bè đến ở và họ cũng sẽ có thể gây mất trật tự kia mà? Vậy nên, vấn đề không phải là ai ở trong căn hộ đó mà cách cư xử của họ. Dù là khách vãng lai ở thì nếu họ gây mất trật tự, những người xung quanh vẫn có quyền phản đối, khiếu nại và yêu cầu cơ quan pháp luật can thiệp. Tóm lại, tôi không thấy hai quyền dân sự này, bao gồm được sử dụng, định đoạt tài sản và được sống trong môi trường yên bình và trật tư có mâu thuẫn gì hay triệt tiêu lẫn nhau. Còn trong trường hợp có xung đột thì có rất nhiều cơ chế và biện pháp giải quyết, bao gồm cả việc sử dụng các công cụ pháp luật đã có sẵn.

PV: Điều 48 của Luật Du lịch 2017 quy định các loại cơ sở lưu trú du lịch gồm: Khách sạn, biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, tàu thủy lưu trú du lịch, nhà nghỉ du lịch, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê, bãi cắm trại du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch khác. Vậy thì, loại hình “căn hộ du lịch” có thể được hiểu là căn hộ chung cư không?

- Xin thưa rằng Luật Du lịch có đối tượng điều chỉnh khác, nó mang tính chính thống và chuyên nghiệp, trong trường hợp này nói về “cơ sở lưu trú du lịch”, là một khái niệm gắn với các tiêu chuẩn chất lượng, được sử dụng thường xuyên và phải đăng ký. Trong thực tế, nếu anh xây các căn hộ theo kiểu nhà ở nhưng hoàn toàn chỉ để cho thuê “homestay” thì đó cũng là “cơ sơ lưu trú du lịch” chuyên nghiệp. Và nếu thế thì sự việc không có gì đáng nói bởi đã được luật chuyên ngành trong lĩnh vực du lịch, khách sạn điều chỉnh.

Cái chúng ta đang bàn ở đây và có tính chất mới là những hoạt động hoàn toàn khác. Đó là các căn hộ chỉ được dùng để ở nhưng nhất thời bỏ trống thì người ta có thể cho khách vãng lai thuê ở, bao gồm cả khách du lịch. Thay vì ở dài hạn như cho thuê nhà thì ở ngắn hạn gọi là lưu trú du lịch. Trong trường hợp này, các dịch vụ đi kèm cũng sẽ rất khác, đa dạng, phong phú, thỏa mãn được khách thuê nhưng không nhất thiết phải đạt chuẩn. Cái đó, trong nền kinh tế mới này được gọi là sự “chia sẻ”.

PV: Luật Nhà ở 2014 không cho phép cho thuê căn hộ chung cư làm văn phòng. Lúc này chưa có quy định cấm cho thuê căn hộ chung cư làm lưu trú. Luật Du lịch 2017 ban hành sau quy định căn hộ du lịch là một trong những cơ sở lưu trú sử dụng cho mục đích kinh doanh cho thuê.

Vậy thì, Bộ Xây dựng có nên cấm kinh doanh căn hộ du lịch, giống như cấm kinh doanh dịch vụ cho thuê văn phòng không? Vì sao, thưa ông?

- Nói về khung pháp luật hiện hành, bao gồm cả các luật nói trên thì đang có khá nhiều vấn đề và nội dung không tương thích với hiện trạng của cuộc sống và đang gây cản bước chúng ta tiến về thời đại mới. Như tôi được biết, Bộ Tư pháp đang soạn thảo một đề án nghiên cứu chuyển đổi pháp luật theo tinh thần và yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0, tức là chấp nhận ứng dụng các nền tảng công nghệ số và các phương thức của kinh tế chia sẻ.

Như vậy, chính Bộ Xây dựng cần phải rà soát và bãi bỏ các quy định pháp luật mang tính ngăn cấm hiện hành để tạo điều kiện cho người dân có nhiều quyền tự do hơn và qua đó giải phóng cả sự sáng tạo và năng lực sản suất - kinh doanh của họ. Trong khía cạnh này, quy định về cấm sử dụng căn hộ chung cư để làm văn phòng theo tôi cũng không còn thích hợp nữa. Cụ thể, khái niệm văn phòng trong bối cảnh mới đang được định nghĩa khác đi. Sẽ không còn nhiều văn phòng làm việc tập trung mà thay vào đó là không gian làm việc và sinh sống hòa quyện với nhau, trong khi nơi đăng ký trụ sở công ty lại là vấn đề khác. Ứng dụng nền tảng công nghệ số sẽ đưa đến và cho phép tất cả điều này. Thời đại đang thay đổi rất nhanh chóng và chúng ta cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước phải thay đổi tư duy và cách tiếp cận trong mọi vấn đề.

Theo Cao Nga/ Vietpress.vn/ 02-05-2019.

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI