Cả 03 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam hiện đang gặp khó khăn trong thương thảo hợp đồng với nhà đầu tư và đứng trước nguy cơ "vỡ" tiến độ hoàn thành.
Ba dự án đối tác công tư (PPP) cao tốc Bắc - Nam đã lựa chọn xong nhà đầu tư, nhưng đang “mắc kẹt” trong vòng thương thảo. Tình trạng này phát sinh do cơ chế chia sẻ rủi ro giữa nhà nước với nhà đầu tư đang bất lợi cho phía nhà đầu tư.
Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Ninh Bình.
Theo dự kiến ban đầu, 3 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam sẽ ký hợp đồng chính thức với nhà đầu tư vào cuối tháng 3, song tới nay vẫn đang trong quá trình đàm phán.
Nếu không sớm được tháo gỡ, đây sẽ là nút thắt khiến các dự án PPP về sau gặp nguy cơ thất bại. Quan trọng là cả dự án cao tốc Bắc-Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng, mục tiêu phát triển kinh tế trên trục cao tốc này cũng sẽ không đạt.
“Mắc kẹt” ngay tại vòng thương thảo
Sau rất nhiều khó khăn, 3 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam gồm Diễn Châu (Nghệ An) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh), Cam Lâm (Khánh Hòa) - Nha Trang, Cam Lâm - Vĩnh Hảo (Bình Thuận) mới tìm được nhà đầu tư vào cuối năm 2020.
Nhưng theo ông Nguyễn Viết Huy, Vụ phó Vụ Đối tác công tư (PPP) Bộ GTVT, khi Nghị định 28/NĐ-CP quy định về cơ chế quản lý tài chính dự án PPP do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo, đã được Chính phủ ban hành cuối tháng 3/2021, trong quá trình đàm phán hợp đồng có rất nhiều vướng mắc về mặt cơ chế phát sinh. Đặc biệt là cơ chế chia sẻ rủi ro giữa nhà nước và nhà đầu tư theo nghị định chưa rõ ràng.
Thứ nhất là vướng mắc về phần vốn hỗ trợ của nhà nước. Theo Nghị định 28, nhà đầu tư sẽ phải bỏ vốn chủ sở hữu và vốn vay để thực hiện trước, phần vốn hỗ trợ của nhà nước chỉ giải ngân khi các hạng mục công trình đã hoàn thành.
Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây.
“Hợp tác công tư là chia sẻ rủi ro giữa nhà nước và nhà đầu tư, nói cách khác, nhà đầu tư giải ngân một đồng thì nhà nước cũng phải bỏ vốn góp theo tỷ lệ tương ứng. Thời hạn, tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư được quy định rất rõ, nếu không đủ vốn chủ sở hữu thậm chí còn bị thu hồi dự án, song với phía vốn nhà nước lại chưa rõ ràng. Nếu quy định phần vốn nhà nước chỉ giải ngân khi các hạng mục công trình hoàn thành thì rất khó cho việc ký hợp đồng tín dụng, vì phía ngân hàng sẽ lo ngại rủi ro khi phần vốn hỗ trợ nhà nước chậm được giải ngân”, đại diện Vụ PPP chia sẻ.
Bên cạnh đó, quan điểm dự án PPP là “lời ăn, lỗ chịu”, song việc vốn nhà nước chỉ giải ngân theo tỷ lệ nhà đầu tư bỏ ra, theo ông Huy, việc này không khuyến khích được nhà đầu tư tiết kiệm, giảm chi phí.
“Chẳng hạn, dự án 10.000 tỷ đồng nhưng nếu nhà đầu tư tính toán tốt, giảm xuống chỉ còn 8.000 tỷ đồng mà phần vốn góp nhà nước cũng giảm tương ứng thì không nhà đầu tư nào thực hiện”, ông Huy cho hay.
Bên cạnh đó, theo ông Huy, một số nội dung trong hợp đồng mà Bộ GTVT đang đàm phán với nhà đầu tư cần làm rõ như cơ chế chia sẻ phần tăng giảm doanh thu, quy định tại Điều 82 Luật PPP.
Đã có tiền lệ xấu tại một số dự án PPP
Đại diện nhà đầu tư dự án PPP cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt bày tỏ lo ngại việc, khi nhà đầu tư bỏ vốn chủ sở hữu và vốn vay để thực hiện trước, vốn hỗ trợ của Nhà nước chỉ giải ngân khi các hạng mục công trình đó đã hoàn thành, quy định này sẽ làm khó doanh nghiệp trong việc ký kết hợp đồng tín dụng do phía ngân hàng lo sợ rủi ro từ việc chậm giải ngân nguồn vốn hỗ trợ.
PGS-TS Chủng cho rằng những bất cập trong Nghị định 28 cần sớm được tháo gỡ, không chỉ tạo thuận lợi cho nhà đầu tư mà ngay cả với cơ quan quản lý hiện đang rất lúng túng trong quá trình đàm phán hợp đồng.
Theo PGS.TS.Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI), Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), lo ngại của các nhà đầu tư không phải không có cơ sở. Thực tế tại một số dự án sau khi hoàn thành vài năm, doanh nghiệp vẫn đang mòn mỏi chờ phần vốn hỗ trợ theo cam kết của nhà nước.
Điển hình như dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, theo phương án của Chính phủ, nhà nước sẽ hỗ trợ 4.069 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng. Song, do nhà nước chưa thể bố trí ngay, nên nhà đầu tư là Tổng công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính VN (Vidifi) đã phải vay hơn 4.000 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng, thi công dự án từ năm 2008. Cuối năm 2015, dự án thông xe toàn tuyến, ròng rã nhiều năm nhà đầu tư này vẫn chưa “đòi” được hết phần vốn góp cam kết này, chưa kể khoản chi phí lãi vay phát sinh 800 - 900 tỉ đồng.
Một dự án khác là dự án hầm Đèo Cả (gồm hầm Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông và Hải Vân), phần vốn ngân sách nhà nước tham gia là 5.048 tỉ đồng, nhưng đến nay mới giải ngân được 3.868 tỉ đồng vốn ngân sách, còn 1.180 tỉ đồng chưa được bố trí như cam kết. Tín hiệu mới nhất là phần vốn này dự kiến sẽ được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Không chỉ chia sẻ rủi ro vốn góp, chia sẻ doanh thu tại dự án PPP cũng còn nhiều bất cập. PGS-TS Trần Chủng cho rằng, Nghị định 28 mới xác định giá trị phần doanh thu chia sẻ do cơ quan ký kết hợp đồng dự án thực hiện, mà không nhắc tới nhà đầu tư.
Tình trạng này phát sinh do cơ chế chia sẻ rủi ro giữa nhà nước với nhà đầu tư đang bất lợi cho phía nhà đầu tư, dự án cao tốc Bắc-Nam cũng bị ảnh hưởng và đối mặt với nguy cơ chậm tiến độ.
“Luật PPP đã quy định, định kỳ hằng năm, các bên trong hợp đồng dự án PPP xác định doanh thu thực tế, gửi cơ quan tài chính có thẩm quyền thực hiện cơ chế chia sẻ phần doanh thu tăng, giảm. Nhưng Nghị định 28 lại chỉ quy định cơ quan nhà nước ký kết hợp đồng. Doanh nghiệp là một bên trong hợp đồng dự án nên hoàn toàn có quyền tham gia quá trình xác định doanh thu, làm căn cứ để thực hiện cơ chế chia sẻ doanh thu”, ông Chủng nói.
Hiện VARSI cũng đang tập hợp các vướng mắc trong Nghị định 28 để kiến nghị lên các bộ, ngành và cao hơn có thể lên Chính phủ. PGS-TS Chủng cho rằng những bất cập trong Nghị định 28 cần sớm được tháo gỡ, không chỉ tạo thuận lợi cho nhà đầu tư mà ngay cả với cơ quan quản lý hiện đang rất lúng túng trong quá trình đàm phán hợp đồng.
“Gỡ khó” để kịp triển khai đúng tiến độ
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật nhìn nhận, quá trình xây dựng hồ sơ mời thầu, đàm phán hợp đồng tín dụng dự án dự án cao tốc Bắc-Nam diễn ra trong thời điểm giao thời, có nhiều thay đổi về quy định pháp luật liên đến quản lý chất lượng thi công, bảo trì công trình xây dựng…
Đặc biệt, Luật Đối tác công tư (Luật PPP) mới có hiệu lực còn chưa quy định được hết các tình huống thực tế xảy ra. Những vướng mắc này dẫn đến quá trình đảm phán hợp đồng dự án PPP đã phát sinh một số nội dung chưa thống nhất.
“Bộ GTVT sẽ đàm phán với nhà đầu tư theo hướng cập nhật các quy định của Luật PPP vào nội dung hợp đồng, đảm bảo nguyên tắc không làm thay đổi nội dung cơ bản của hồ sơ mời thầu và chủ trương đầu tư. Đặc biệt, phù hợp với quy định tại điều khoản chuyển tiếp của Luật PPP và các văn bản liên quan”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết.
Đại diện Vụ Đối tác công tư (PPP) Bộ GTVT cho biết, Bộ GTVT sẽ thống nhất với đề xuất của nhà đầu tư có tính toán bổ sung chi phí phát sinh hoặc điều chỉnh thời gian xây dựng trong trường hợp nguồn ngân sách nhà nước bố trí chậm so với kế hoạch làm ảnh hưởng đến chi phí và thời gian thực hiện dự án.
Về nội dung được nhiều nhà đầu tư quan tâm trong dự thảo hợp đồng liên quan đến việc, doanh nghiệp dự án chịu mọi chi phí khác khắc phục hậu quả do lỗi của mình dẫn đến chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và không được bồi thường thiệt hại.
Các nhà đầu tư đề nghị chia sẻ rủi ro trong cả trường hợp tăng và giảm doanh thu, Bộ GTVT cho biết sẽ thống nhất báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định đảm bảo hài hoà lợi ích nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng.
Theo Phi Long | VOV.vn