...

Chen chân vào thị trường sản phẩm tự hủy

29 Tháng 10, 2019

EU liên tục điều chỉnh các quy định pháp lý liên quan đến môi trường, các nhà sản xuất nhựa Việt Nam không còn cách nào khác là đưa ra những sản phẩm nhựa tự hủy nhằm giữ được thị phần.

Chen chân vào thị trường sản phẩm tự hủy

Ngày càng nhiều đồn đoán về khả năng 10 sản phẩm nhựa sử dụng một lần (đĩa và bộ dao dĩa, hộp đựng bông ngoáy tai, ống hút và các dụng cụ khuấy đồ uống)  sẽ bị cấm vào thị trường EU kể từ năm 2021, theo đề xuất của các nhà hoạch định chính sách của Liên minh Châu Âu (EU) hồi tháng 10/2018. Đề xuất đã nhận được sự ủng hộ lớn của Nghị viện châu Âu.

Chủ trương cứng rắn

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), ông Nicolas Audier, nói việc hiện thực hóa đề xuất của các nhà hoạch định chính sách của EU là "bước đi cứng rắn" nhằm giảm thiểu tình trạng rác thải nhựa không chỉ ở châu Âu mà còn trên thế giới. Theo ông, ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa đang ngày một nghiêm trọng, khoảng 60% rác thải nhựa trên biển chủ yếu có nguồn gốc từ 5 quốc gia và Việt Nam đứng thứ 4 danh sách này. Ông Nicolas Audier cũng nói Eurocham ủng hộ lệnh cấm sử dụng nhựa một lần.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nhựa liên tục tăng mạnh những năm gần đây từ 1,5% năm 2015 lên 14% năm 2017, đạt 2,5 tỷ USD và 9 tháng đầu năm 2018 đạt 2,2 tỷ USD, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước. Với tốc độ tăng trưởng hiện nay, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam, ông Hồ Đức Lam, nói rằng quy định của EU sẽ tác động lớn tới ngành nhựa nội địa trong 3 năm tới, thời điểm văn bản này có hiệu lực. Ông Lam cũng cảnh báo khả năng nhiều doanh nghiệp có thể bị "cấm nhập khẩu" vào EU nếu không sản xuất được sản phẩm nhựa từ nguyên liệu thân thiện với môi trường.

Nỗ lực cho dòng sản phẩm tự hủy

Tại thị trường châu Âu, nhu cầu nhập khẩu sản phẩm nhựa vẫn ở mức cao, nhưng có xu hướng chỉ sử dụng những sản phẩm nhựa thân thiện với môi trường. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam sản xuất bao bì nhựa đã mở rộng thị phần xuất khẩu sang thị trường châu Âu nhằm hưởng lợi kép về giá thành, ưu đãi mức thuế nhập khẩu và không bị áp thuế chống bán phá giá 8-30% như các nước khác. Các sản phẩm nhựa xuất khẩu của Việt Nam đã đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, đặc biệt là việc sử dụng bột gạo, gỗ, giấy.... làm nguyên vật liệu thay thế hạt nhựa. Người tiêu dùng châu Âu ngày càng ưa thích sản phẩm nhựa Việt Nam, nhất là túi nhựa tự hủy.

Chủ tịch HĐQT Công ty Nhựa An Phát Xanh (AnPhat Bio Plastic), ông Phạm Ánh Dương, cho biết tiềm năng tăng trưởng trong ngành sản xuất sản phẩm tự hủy là rất lớn do trên thế giới chưa có nhiều doanh nghiệp triển khai dòng sản phẩm này, trong khoảng 10 công ty sản xuất được sản phẩm này có 4 công ty lớn của Pháp, Đức, Ý và Trung Quốc. Thêm nữa, việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có thể được phê chuẩn trong năm nay, ông Dương nói sẽ giúp các dòng sản phẩm nhựa của Việt Nam có lợi thế hơn trong việc tiếp cận thị trường hơn 500 triệu người tiêu dùng châu Âu thông qua cơ chế miễn thuế.

Nắm bắt cơ hội, ngay khi EU đang xem xét lệnh cấm, AnPhat Bio Plastic đã triển khai kế hoạch mỗi năm xuất khẩu khoảng 100 triệu dao, thìa, dĩa, ống hút tự hủy để xuất vào thị trường 500 triệu người tiêu dung này. Chủ tịch AnPhat Bio Plastic nói rằng, Tập đoàn tập trung đầu tư trang thiết bị hiện đại để sản xuất dòng sản phẩm AnEco, gồm túi, cốc, găng tay, thìa dĩa từ nguyên liệu vi sinh phân hủy, thành phần tinh bột ngô đạt chuẩn Non-GMO. Hơn nữa, sản phẩm AnEco, sau thời gian phân hủy 6 tháng đến 1 năm, có thể dùng để nuôi cây mà không gây ô nhiễm môi trường.

Tại AnPhat Bio Plastic hiện nay, chỉ tính riêng túi vi sinh phân hủy hoàn toàn AnEco đã đạt 900 tấn/tháng. Sản phẩm này chủ yếu được xuất khẩu sang EU, Mỹ và một số thị trường khác, đồng thời được bày bán tại các hệ thống siêu thị Việt Nam, như Vinmart, Lotte, Co.opmart, BigC, Aeon Mall. Tuy nhiên, việc thực hiện kế hoạch xuất khẩu khoảng 100 triệu sản phẩm tự hủy mỗi năm của AnPhat Bio Plastic vào thị trường EU là không dễ dàng trong bối cảnh năng lực cạnh tranh còn yếu, chưa có nhiều giải pháp giảm chi phí sản xuất, trong đó giảm tiêu hao năng lượng điện là quyết định.

Một thực tế, nhân tố công nghệ có tác động to lớn đến sự phát triển của ngành nhựa Việt Nam. Đặc biệt, các dòng sản phẩm tự hủy đòi hỏi suất đầu tư rất lớn, yêu cầu cao về kỹ thuật cũng như nguyên vật liệu, nên gây không ít khó khăn cho việc sản xuất đại trà. Trong khi đó, không phải là doanh nghiệp ngành nhựa nào cũng có năng lực đầu tư công nghệ, đặc biệt là R&D. Ngay với AnPhat Bio Plastic, doanh nghiệp đang nắm giữ vị trí số 1 Đông Nam Á về doanh số xuất khẩu bao bì màng mỏng cũng phải "giật gấu vá vai" để đầu tư cho khâu R&D, nơi nghiên cứu và thử nghiệm các sản phẩm mới của Tập đoàn. "R&D luôn luôn là ưu tiên số 1 để chúng tôi có thể phát triển bền vững", ông Dương nói về chiến lược phát triển của Tập đoàn cũng như đáp ứng các quy định mới từ các thị trường nhập khẩu, trong đó có EU.

Theo Nguyễn Hoàng/ Doanh nhân Sài Gòn/ 28-04-2019.

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI