...

Con đường nào vượt qua tâm "bão" thương mại Mỹ - Trung?

29 Tháng 10, 2019

Đó là khuyến cáo trong báo cáo của Chương trình Australia - hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam. Báo cáo cũng nhận định, Việt Nam được đánh giá là quốc gia được hưởng lợi theo nghĩa tương đối và có một số cơ hội đáng kể trong cuộc chiến thương mại này. Tuy nhiên, các đánh giá này đều chỉ giới hạn ở phạm vi các biện pháp thuế quan mà Mỹ và Trung Quốc sử dụng.

Nhiều bất lợi, rủi ro tiềm ẩn

Các hàng rào thuế quan mà Mỹ và Trung Quốc áp bổ sung cho nhau vô hình dung làm tăng cơ hội xuất khẩu cho các nước thứ ba, trong đó có Việt Nam. Gia tăng bất định trong bối cảnh chiến tranh thương mại có thể cũng khiến các công ty đa quốc gia lớn trên thế giới chuyển một phần hoặc toàn bộ các cơ sở sản xuất ở Trung Quốc sang các nước khác, chẳng hạn như Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, báo cáo chỉ rõ, Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít rủi ro, bất lợi. Do khó khăn về đầu ra, hàng Trung Quốc có thể được đẩy sang thị trường Việt Nam và cạnh tranh với hàng Việt Nam ở các thị trường thứ ba khác. Nếu kiểm soát thiếu hiệu quả, Việt Nam có thể gặp phải nhiều hơn các lô hàng Trung Quốc “mượn đường” để xuất khẩu sang Mỹ và ngược lại.

Ông Nguyễn Đình Cung, Trọng tài viên VIAC, Viện trưởng Viện Nghiên cứu, Quản lý kinh tế Trung ương cũng nhìn nhận, để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam không đơn giản, bởi Việt Nam không nên và không thể phân biệt đầu tư theo đối tác. Do vậy, việc sàng lọc các dự án đầu tư phù hợp với ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam là không dễ, chưa kể đến năng lực hấp thụ dòng vốn.

 Một khía cạnh khác ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban, Ban nghiên cứu Tổng hợp, Viện Nghiên cứu, Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, Việt Nam cũng gặp phải bất lợi là bị Mỹ và Trung Quốc giám sát, thậm chí thực hiện các hành động, chính sách ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam vào các nước này.

Rủi ro sẽ lớn hơn nếu Việt Nam không duy trì được đối thoại, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm với các nền kinh tế lớn khác (như Nhật Bản, EU, Úc...) về đánh giá, dự báo và chính sách ứng phó với chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.

Thực tế, những diễn biến đến nay cho thấy Việt Nam bước đầu đã tận dụng được cơ hội và xử lý một số thách thức từ chiến tranh thương mại. Tốc độ tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu vẫn ở mức tương đối cao. Vốn FDI thực hiện tăng khá vững chắc.

Điều hành tỷ giá vẫn có điểm sáng, qua đó giúp xử lý đáng kể những tác động bất lợi từ kinh tế bên ngoài đến môi trường kinh tế vĩ mô. Việt Nam vẫn đối thoại thường xuyên với phía Mỹ và ít nhiều tạo dựng, củng cố được niềm tin đối với doanh nghiệp Mỹ nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung.

Báo cáo Chương trình Australia - hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam cũng phân tích nguyên nhân tại sao dòng vốn đầu tư nước ngoài lại chuyển hướng từ Trung Quốc sang Việt Nam mà không phải các quốc gia khác trong khu vực.

Trước hết, Việt Nam lại là nước có môi trường đầu tư - kinh doanh cải thiện nhanh nhất. Hơn hết, các lãnh đạo Việt Nam có cam kết cải thiện môi trường kinh doanh, và ổn định chính trị của Việt Nam giúp củng cố thêm niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào cam kết ấy. Mặt khác, Việt Nam có nhiều FTA và, do đó, nhiều lựa chọn cho doanh nghiệp ở mọi cấp độ khác nhau trong chuỗi giá trị.

Chính sách "kiên định"

Với góc nhìn này, báo cáo khuyến nghị, Việt Nam không nên nhìn những chuyển biến gần đây chỉ là lợi ích nhất thời từ chiến tranh thương mại, mà cần bình tâm và kiên định hơn với những cải cách của mình. Cần lưu ý, dòng vốn đầu tư nước ngoài chuyển khỏi Trung Quốc là xu hướng đã diễn ra trong nhiều năm (do chi phí lao động tăng, chiến lược Trung Quốc+1…), và chiến tranh thương mại với Mỹ chỉ góp phần đẩy nhanh xu hướng ấy.

Tuy nhiên, Báo cáo cũng nhận định, tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đến Việt Nam là chưa rõ ràng vì còn phụ thuộc nhiều vào các diễn biến phức tạp có thể xảy ra cũng như phản ứng của các nước. Việt Nam khó có thể phán đoán về kết quả cuộc chiến thương mại và đề ra chính sách ứng phó một cách cứng nhắc.

Theo TS Cung thì, Việt Nam cần chủ động xây dựng, cập nhật các kịch bản ứng phó với những diễn biến của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Nên rà soát lại những quy định chính sách của mình, đảm bảo có công cụ và dư địa chính sách phù hợp để định hướng hàng hoá nhập khẩu và ứng phó với những biến động bất lợi trên thị trường thế giới.

Hợp tác với các nước thuộc nhóm cường quốc để chia sẻ thông tin, đánh giá, kinh nghiệm ứng phó chính sách các quốc gia này đối với những diễn biến phức tạp của cuộc chiến Mỹ - Trung, đồng thời tiếp tục cùng vận động ủng hộ cho thương mại tự do và hệ thống thương mại đa phương.

Đặc biệt, nghiên cứu, thực hiện giải pháp để cân bằng hơn thương mại với Mỹ. Cần lưu ý, việc xóa bỏ tình trạng hàng nước ngoài gian lận xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu vào Mỹ cũng có thể đóng góp vào định hướng cân bằng hơn thương mại song phương.

Bên cạnh đó, việc đối thoại cởi mở với Mỹ về xuất xứ hàng hóa, từ đó định hướng cho doanh nghiệp trong nước sẽ có ý nghĩa hơn việc nghi ngờ, thanh kiểm tra một cách hành chính đối với phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Báo cáo nhấn mạnh tới việc, trao đổi thường xuyên, thẳng thắn với phía Trung Quốc để tháo gỡ các rào cản đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Hoàn thiện hệ thống thông tin thống kê, tránh để tồn tại những khác biệt lớn giữa số liệu nhập khẩu từ Trung Quốc (do Việt Nam công bố) và số liệu xuất khẩu sang Việt Nam (do Trung Quốc công bố).

Đặc biệt, Việt Nam tiếp tục cải cách môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, thuận lợi, cạnh tranh hơn. Không ngừng tiếp xúc, củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài…

Theo Khắc Lãng, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, đăng ngày 04/08/2019.

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI