Theo ông Võ Hùng Dũng, trọng tài viên VIAC, nguyên giám đốc phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam – chi nhánh Cần Thơ, cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) có nền tài chính mỏng, công nghệ thấp, nguồn nhân lực về “cơ bản” là yếu; việc tiếp cận vốn nhiều bất cập, tài trợ thương mại còn hạn chế do chưa có đủ nguồn lực tài chính để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; thiếu lao động có kỹ năng để tham gia vào những khâu có giá trị gia tăng cao như: chế biến, phân phối (bán lẻ) và marketing…
Để vượt qua những thách thức này, theo ông Dũng, Chính phủ cần đẩy mạnh việc cải cách các thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo khâu đột phá trong phát triển doanh nghiệp và phát triển kinh tế. Các doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm thông tin thị trường, ngành hàng tiềm năng và các chuẩn mực quốc tế, trên cơ sở đó định hướng và xây dựng kế hoạch phát triển dài hạn…
Bà Mary Etta Tarnowka, tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM, cho rằng với 21% SMEs tại Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, con số này rất thấp so với chỉ số trung bình 46% của các quốc gia cùng thuộc Cộng đồng kinh tế AEC.
Bà Mary Etta Tarnowka cho biết, đã có 6.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ được hưởng lợi từ hoạt động hỗ trợ huấn luyện của Hoa Kỳ. Còn ông Noboru Kondo, giám đốc điều hành công ty Brain Works, Nhật, chia sẻ: nước Nhật cách nay 40 năm cũng ô nhiễm rất nhiều và thức ăn cũng không phải an toàn gì, nhưng người Nhật từng bước cải thiện, kiên quyết sửa sai để mọi sản phẩm tham gia thị trường đều an toàn.
Tại Việt Nam, một công ty Nhật chế biến nước uống từ trái sơ ri Gò Công bán qua Nhật, yêu cầu đầu tiên là nguyên liệu an toàn, tưởng quá khó nhưng nhà vườn đã làm được. Loại nước uống được ưa chuộng qua công nghệ của Nhật đã ra đời từ nguồn nguyên liệu sơ ri nhờ công ty Nhật biết nhu cầu thị trường, có công nghệ và nhìn thấy lợi thế khác biệt từ trái sơ ri. Điều bất ngờ thú vị nhất, sau này người trồng sơ ri mới biết.
“Để sản phẩm này tham gia chuỗi giá trị thức uống tại Nhật và một số nước, câu hỏi đặt ra là nên bắt tay với ai?Kết nối doanh nghiệp nhỏ để thành lớn mạnh, hay chơi với người khổng lồ? Noboru Kondo nói: về sau mọi người nói chơi với người khổng lồ cứ lo sợ không biết lúc nào “hắn” sẽ nuốt mình.