Nhiều đại biểu không đồng tình việc bãi bỏ nghĩa vụ thu thập chứng cứ của tòa án, vì như vậy sẽ gây khó khăn cho đương sự, nhất là người yếu thế.
Chiều 22.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án luật Tổ chức TAND sửa đổi. Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, đó là dự thảo đề xuất bãi bỏ nghĩa vụ thu thập chứng cứ của tòa án, bao gồm cả án hành chính và án dân sự.
Việc thu thập chứng cứ sẽ giao hoàn toàn cho đương sự. Tòa án chỉ giữ vai trò trọng tài, xét xử trên cơ sở các chứng cứ do đương sự cung cấp; sẽ hỗ trợ việc thu thập chứng cứ đối với người yếu thế.
Cho ý kiến thảo luận, một số đại biểu đồng tình với đề xuất của dự thảo, nhưng cũng nhiều đại biểu bày tỏ không nhất trí.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM).
Thiệt thòi cho người yếu thế
Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM), Việt Nam theo hệ dân luật, nghĩa là tòa án và thẩm phán chủ trì trong việc đánh giá, xem xét chứng cứ. Thêm vào đó, Việt Nam gọi là TAND, các nước không có tên này.
Xét điều kiện ở Việt Nam hiện nay, thực tế đang có sự chênh lệch về giàu nghèo; khoảng cách về dân trí, văn hóa; khoảng cách giữa thành thị - nông thôn. "Rất nhiều người dân không có điều kiện thu thập chứng cứ một cách đầy đủ. Với khoảng cách đó, nếu chúng ta khoán cho các bên tự chiến đấu với nhau sẽ rất thiệt thòi cho người yếu thế", ông Nghĩa nói.
Vẫn theo vị đại biểu TP.HCM, khi thu thập chứng cứ, mỗi bên sẽ thu thập các chứng cứ có lợi cho mình, giấu đi chứng cứ bất lợi. Chính vì điều này, các bên không giải quyết được nên mới tìm đến tòa án - tức là tìm đến "ông bao công".
Ông Nghĩa nhận định, chỉ có tòa án mới đủ thẩm quyền để yêu cầu ngân hàng hoặc cơ quan nhà nước cung cấp thông tin này, thông tin kia, từ đó có những chứng cứ khách quan và đưa ra phán quyết công bằng, hợp lý cho các bên.
Dẫn ví dụ ở một số quốc gia trên thế giới, ông Nghĩa nói tình trạng phân hóa giàu nghèo, mạnh yếu cũng thường xuyên xảy ra. Ở những nơi ấy, ai có điều kiện kinh tế mạnh thì có cơ hội thắng nhiều hơn, vì họ có điều kiện tốt hơn để thu thập chứng cứ cung cấp cho tòa.
"Chúng ta sửa luật là để thuận lợi hơn cho người dân hay thuận lợi hơn cho tòa án? Nếu để thuận lợi hơn cho người dân thì không nên bỏ trách nhiệm thu thập chứng cứ của tòa", ông Nghĩa nêu quan điểm.
Đại biểu Nguyễn Thanh Sang (đoàn TP.HCM)
"Tòa thu thập còn khó, huống chi giao cho người dân"
Đồng quan điểm với đại biểu Nghĩa, đại biểu Nguyễn Thanh Sang (đoàn TP.HCM) nhận định việc bãi bỏ nghĩa vụ thu thập chứng cứ của tòa án là chưa phù hợp trong bối cảnh hiện nay, cả về điều kiện kinh tế - xã hội và trình độ dân trí.
Ông Sang dẫn chứng, chỉ có 8,15% các vụ án có luật sư tham gia bào chữa, bảo vệ quyền lợi. Điều này phản ánh rằng, ai cũng muốn có người bào chữa khi tham gia tố tụng, nhưng điều kiện kinh tế lại chưa cho phép.
Việc để người dân tự thu thập chứng cứ trong các vụ án dân sự, hành chính, nhất là thu thập chứng cứ ở các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị là một thách thức đối với người dân, bởi họ không có đủ điều kiện, năng lực và cũng không có cơ chế yêu cầu các cơ quan cung cấp chứng cứ.
Vị đại biểu còn đề cập tới một thực tiễn, khi nhiều cơ quan nhà nước không tự cung cấp chứng cứ nếu không có cơ quan quản lý có thẩm quyền yêu cầu. Trong các vụ án hành chính, người dân đi kiện cơ quan quản lý nhà nước, việc thu thập chứng cứ càng khó. Nhiều vụ án tòa phải tạm đình chỉ để chờ các cơ quan này trả lời.
"Tòa án là cơ quan quyền lực thu thập chứng cứ còn khó khăn, huống chi giao cho người dân. Người dân có cơ chế đâu, bây giờ yêu cầu ngân hàng sao kê tài khoản liệu ngân hàng có sao kê không, yêu cầu phòng quản lý đô thị, phòng TN-MT cung cấp giấy tờ để chứng minh quyền sở hữu được không? Tôi trả lời là không", ông Sang nói.
Ông Sang cũng nhận định, quy định về nghĩa vụ thu thập chứng cứ của tòa án là rất nhân văn. Nếu chỉ đưa ra lý do "thẩm phán không khách quan" mà bãi bỏ điều này là không hợp lý. Với khả năng và năng lực của mình, thẩm phán sẽ giúp người dân thu thập chứng cứ toàn vẹn nhất.
Tương tự, đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) cho rằng cần cân nhắc kỹ việc bãi bỏ nghĩa vụ thu thập chứng cứ của tòa án. Một số trường hợp, đương sự sẽ không cung cấp đủ chứng cứ, nhất là tài liệu do cơ quan nhà nước quản lý, ảnh hưởng đến chất lượng giải quyết vụ án.
Theo Báo Thanh niên đăng ngày 22/11/2023.