...

Diễn đàn toàn cảnh ngân hàng năm 2019: Để ngân hàng Việt vươn xa

29 Tháng 10, 2019

"Ngân hàng Nhà nước đang thông minh lên và thông minh nhất"- Đây là nhận xét mà TS.Võ Trí Thành dành cho Ngân hàng Nhà nước khi nói về các giải pháp chính sách tiền tệ mà cơ quan này áp dụng trong thực tế thời gian gần đây. 

Sáng nay 8/5, Ngân hàng Nhà nước và Thời báo Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức Diễn đàn toàn cảnh ngân hàng năm 2019 với chủ đề "Để ngân hàng Việt vươn xa". Đây cũng là dịp để chúng ta nhìn lại bức tranh ngành ngân hàng năm 2018 với những điểm sáng trong điều hành lãi suất, tỷ giá, tín dụng, diễn biến tích cực trong tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu, những khởi sắc trong hoạt động thanh toán đồng thời phân tích những cơ hội và thách thức đối với hoạt động ngân hàng trong năm 2019; từ đó đề ra các chiến lược và chương trình hành động của ngành ngân hàng trong năm 2019 và những năm tiếp theo với tham vọng ngân hàng Việt có thể vươn xa sánh vai cùng các ngân hàng trong khu vực và trên thế giới.

Thông tin tại sự kiện, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng khẳng định: NHNN sẽ điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trong đó, tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Theo đánh giá của TS.Võ Trí Thành, Trọng tài viên VIAC, Nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương, điểm sáng của ngành ngân hàng trong năm 2018 là ổn định vĩ mô lạm phát tăng trưởng; thứ hai lãi suất, tỉ giá ổn định trong bối cảnh cuối 2017 đầu năm 2018, tỉ giá chịu áp lực lớn từ tình hình quốc tế lẫn một phần trong nước.

"Điểm sáng nhất của NHNN là điều hành chính sách tiền tệ thông minh, bơm hút tiền rất đúng, chuẩn; phối hợp với Bộ Tài chính phát hành trái phiếu chính phủ nhuần nhuyễn hơn", ông Võ Trí Thành nhận xét.

TS. Võ Trí Thành: “Ngân hàng Nhà nước đang thông minh lên - 1
 
TS. Võ Trí Thành: “Ngân hàng Nhà nước đang thông minh lên"

Cũng theo ông Thành, điểm đặc biệt 2018 là NHNN đã khéo léo trong việc đáp ứng thanh khoản và ổn định lãi suất liên ngân hàng để bảo vệ tỉ giá nhưng không gây biến động tới lãi suất trên thị trường.

Từ năm 2012 tới nay, NHNN có 3 nhiệm vụ cơ bản: chính sách tiền tệ ổn định thúc đẩy tăng trưởng; xử lý nợ xấu; tái cấu trúc hệ thống ngân hàng theo thông lệ tốt nhất như Basel 2. Nhưng khó khăn nhất là lành mạnh hoá ngân hàng và đáp ứng thông lệ tốt nhất.

Trong bối cảnh đó, ""Ngân hàng Nhà nước đang thông minh lên và thông minh nhất", ông Thành cho hay.

Tuy nhiên, theo ông Thành, trước mắt NHNN vẫn còn thách thức, vẫn có những tình huống xấu nhất trong vài năm tới.

"Cầu tín dụng giảm, nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn tốt hơn. NHNN đã định hướng trò chơi thị trường vào những lĩnh vực ưu tiên, có giá trị gia tăng tốt hơn, do đó giảm cầu tín dụng nhưng vẫn đảm bảo tăng trưởng. Tuy nhiên chúng ta vẫn còn phải nghiên cứu kỹ hơn. Tín dụng trong nhiều năm tăng trưởng rất mạnh, trừ năm ngoái", ông Thành nhấn mạnh.

FDI dựa không nhiều vào tín dụng trong nước, mà nền kinh tế Việt Nam bị dẫn dắt bởi FDI đặc biệt là tăng trưởng xuất khẩu, chế biến chế tạo. Thế nên, ông Thành đặt câu hỏi: "Vậy FDI dựa vào vào hệ thống tín dụng tới đâu?"

TS. Võ Trí Thành: “Ngân hàng Nhà nước đang thông minh lên - 2
 
Toàn cảnh phiên thảo luận Diễn đàn "Để ngân hàng Việt vươn xa".

Theo kiến nghị của ông Thành: "Đã đến lúc phải thực sự nhìn nhận một số vấn đề trong đó có lãi suất khó giảm thêm. Có nhiều câu chuyện từ bên ngoài, phụ thuộc điều hành của Fed. Nhưng 3 điều chúng ta đang làm, nếu cứ loay hoay sẽ dẫn tới 2 chuyện là lãi suất rất khó giảm; hơn nữa hiệu quả hệ thống tài chính nhìn về trung và dài hạn bị ảnh hưởng. Chính sách tiền tệ, mục tiêu trung gian quá nhiều.

Cung tiền M2, tín dụng vừa quản theo khối lượng lại vừa mục tiêu lãi suất và lãi suất. Tỉ giá trong chừng mực nhất định, dù linh hoạt hơn rất nhiều vẫn là công cụ chính sách. Chúng ta đang phải chuẩn bị cho một tương lai trung hạn không quá dài. Việt Nam phải chuyển bằng được sang điều hành lạm phát mục tiêu, khi đó, sự phát triển hệ thống tài chính là quản theo giá, đó là lãi suất. Đây là thách thức cực lớn với NHNN".

Và dù dành nhiều thời lượng trong thời gian bài phát biểu của mình để khen ngợi NHNN, nhưng ông Thành cũng thẳng thắn cho rằng: "Chúng ta có vẻ còn hơi chậm đối với Fintech và kinh tế số. Không chỉ đơn thuần Fintech là sáng tạo khởi nghiệp. Có hai điều rất quan trọng là câu chuyện cạnh tranh phát triển hệ thống ngân hàng. Việt Nam đang rất muốn làm là câu chuyện thanh toán không dùng tiền mặt nhưng vẫn chưa có nhiều khởi sắc, trong khi Ấn Độ thực hiện vấn đề này rất nhanh, hệ thống thanh toán cực kỳ phát triển. Đây cũng là công cụ chống tín dụng đen, đảm bảo cam kết của Việt Nam với APEC, là tài chính toàn diện, người dân có quyền tiếp cận dịch vụ tài chính với giá phải chăng nhất.

Cuối cùng là truyền thông khủng hoảng và xử lý tranh chấp, vấn đề sẽ ngày càng bùng phát, chưa kể tranh chấp gắn với hệ thống ngân hàng trong và ngoài nước. Do đó ngành ngân hàng cần phải học cách ứng xử và truyền thông với tranh chấp. NHNN phải sưu tầm án lệ trên thế giới để nghiên cứu".

Đánh giá về chính sách tiền tệ thời gian qua, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC cho biết: "Chúng tôi đi nhiều quốc gia kêu gọi đầu tư FDI tại Việt Nam. Các nhà đầu tư nước ngoài đều nhận định Việt Nam là điểm sáng đầu tư FDI, nhờ thành quả điều hành kinh tế vĩ mô, trong đó có tỉ giá. Cách thức điều hành của NHNN đã thông minh hơn rất nhiều, tận dụng truyền thông và các biện pháp kỹ thuật".

Theo vị chuyên gia này, thông thường những năm trước đây, NHNN giữ tỉ giá cố định, nhưng nay đã linh hoạt và điều chỉnh ngay, tạo niềm tin thị trường. Khi có biến động thị trường thế giới, tâm lý nhà đầu tư chưa ổn định nên cách điều hành phải ổn định, thống nhất, tránh tạo tâm lý găm giữ ngoại tệ trong tương lai.

Theo An Hạ/ Dân trí/ 08-05-2019.

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI