...

Doanh nghiệp cần hiểu biết để phòng ngừa rủi ro pháp lý trong hoạt động thương mại

21 Tháng 9, 2020

Luật sư Bùi Văn Thành - Trưởng Văn phòng Luật sư Mặt Trời Mới - Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam 

Trong bối cảnh Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào các Hiệp định thương mại tự do (FTA), khi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp châu Âu (EU) nói riêng, thế giới nói chung vào Việt Nam làm ăn, theo ông phải làm thế nào để quản lý Nhà đầu tư đầu tư vào Việt Nam theo khuôn khổ pháp luật? Bởi vì thực tế là giữa Luật của Việt Nam và các điều khoản trong các Hiệp định thương mại còn khoảng hở rất lớn?

Việt Nam hội nhập kinh tế trong đó có việc tham gia các FTA, đã trở thành một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, làm tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia. Ngày 08/06/2020 Quốc hội Việt Nam đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được ký ngày 30/06/2019 tại Hà Nội. Hiệp định đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01/08/2020.Giới chuyên gia quan sát đánh giá EVFTA là hiệp định toàn diện, chất lượng cao, là “đường cao tốc” để kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam gia nhập sâu rộng thị trường châu Âu. Ở góc độ đa phương, với việc Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Hiệp định EVFTA sẽ nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong quan hệ EU – ASEAN cũng như tạo hình mẫu cho một Hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN với EU trong tương lai.

Với cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong Hiệp định EVFTA chắc chắn sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam – EU, theo đó là sự gia nhập thị trường Việt Nam và sự hiện diện thương mại, đầu tư của hàng hóa, dịch vụ và của doanh nghiệp các nước EU vào Việt Nam sẽ tăng lên. Để bảo đảm có đầy đủ cơ sở pháp lý cho việc thực thi Hiệp định, Chính phủ và các Bộ, ngành đã và đang nghiên cứu, rà soát và nội luật hóa các cam kết, có lộ trình, bước đi phù hợp. Dưới góc độ tư vấn luật, theo tôi để “quản lý Nhà đầu tư đầu tư vào Việt Nam”, hay nói cách khác là để các bên cùng được hưởng lợi ích theo khuôn khổ pháp luật từ EVFTA, doanh nghiệp EU nói chung và doanh nghiệp Việt nói riêng cần lưu ý một số vấn đề dưới đây:

- Chú trọng thực thi quyền sở hữu trí tuệ, phòng ngừa những vi phạm đối với quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp EU, nhất là vi phạm về nhãn hiệu hàng hóa và chỉ dẫn địa lý, hoặc ngược lại bị họ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp Việt. Việt Nam sẽ bảo hộ trên 160 chỉ dẫn địa lý của EU (bao gồm 28 thành viên) và EU sẽ bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đều liên quan tới nông sản, thực phẩm. Theo đó, đối với việc thực thi Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi năm 2009, đó là việc bổ sung quy định về chấm dứt hiệu lực của văn bằng bảo hộ nhãn hiệu trong trường hợp việc sử dụng nhãn hiệu làm cho công chúng hiểu sai lệch về bản chất, chất lượng hoặc nguồn gốc địa lý của hàng hóa, dịch vụ; bổ sung quy định liên quan đến kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm là bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh; bổ sung quy định về việc bù đắp cho chủ văn bằng độc quyền sáng chế nếu thời hạn khai thác sáng chế bị rút ngắn do chậm trễ bất hợp lý trong thủ tục đăng ký lưu hành lần đầu tại Việt Nam cho dược phẩm được sản xuất theo bằng độc quyền sáng chế. Hiệp định không quy định chế tài xử lý hình sự đối với những vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Ảnh minh họa

- Các cam kết về thương mại và phát triển bền vững trong EVFTA không đặt vấn đề trừng phạt thương mại, mặc dù bản thân EU được đánh giá là một trong những đối tác đi đầu trên thế giới về việc tuân thủ quy định của các hiệp định quốc tế và đa phương liên quan đến biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, quản lý tài nguyên rừng bền vững và thương mại lâm sản, quản lý bền vững nguồn tài nguyên sinh vật biển và sản phẩm nuôi trồng thủy sản, tuy nhiên doanh nghiệp Việt nên thận trọng đánh giá tác động tiêu cực trong trường hợp hợp tác hoặc đầu tư cùng doanh nghiệp Châu Âu khi họ chuyển dịch các ngành nghề gây ô nhiễm môi trường cao như xi măng, luyện kim sang Việt Nam.

- Về Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi 2010, đó là sức ép cạnh tranh thị trường đối với việc mở cửa cho các công ty tái bảo hiểm nước ngoài sẽ được phép thành lập chi nhánh tại Việt Nam.

- Về lĩnh vực hải quan, đó là sức ép cạnh tranh đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đại lý hải quan khi có quy định về người khai hải quan khi thực hiện thủ tục hải quan không bắt buộc phải thông qua đại lý làm thủ tục hải quan.

- Về Thông tư số 11/2020/TT-BCT, đó là điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam được cấp C/O đối với hàng hóa có xuất xứ Việt Nam xuất khẩu sang các nước EU, trong đó có quy định về xuất xứ hàng hóa sang Anh với thời hạn đến 31/12/2020.

- Về vấn đề lao động: Hiệp định EVFTA và các FTA thế hệ mới đặt ra các tiêu chuẩn, quy định về lao động và thừa nhận mối liên hệ giữa quyền của người lao động với thương mại; quyền tự do liên kết và quyền thương lượng tập thể của người lao động và người sử dụng lao động; xóa bỏ lao động cưỡng bức và lao động bắt buộc; cấm sử dụng lao động trẻ em; xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp... Bộ luật Lao động 2019 của Việt Nam sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, thể hiện cam kết của Việt Nam trong thực thi Hiệp định EVFTA, việc doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm doanh nghiệp có vốn đầu tư từ EU tuân thủ quy định pháp luật lao động theo luật mới sẽ tạo điều kiện để họ đáp ứng điều kiện đánh giá và đưa vào danh sách nhà cung cấp của các doanh nghiệp EU khi tham gia chuỗi cung ứng.

- Về cơ chế giải quyết tranh chấp, chương 15 của Hiệp định là các quy định giải quyết tranh chấp thông qua Hòa giải và Trọng tài. Nội dung mới là, VN và EU sẽ tiến hành lựa chọn các thành viên có đủ năng lực, kinh nghiệm về luật quốc tế và các vấn đề thương mại để đưa vào danh sách 15 trọng tài viên. Danh sách này gồm năm thành viên có quốc tịch VN, năm thành viên có quốc tịch EU và năm thành viên có quốc tịch nằm ngoài VN hoặc EU, do Ủy ban Thương mại song phương công bố. Khi có vụ việc tranh chấp, hội đồng trọng tài gồm ba thành viên do các bên lựa chọn từ danh sách 15 trọng tài viên nói trên sẽ được thành lập để giải quyết tranh chấp theo quy định tại chương 15 của hiệp định. Phụ lục 15-C là quy định riêng về quy tắc hòa giải cho phép các bên, tại bất kỳ thời điểm nào, ngay cả khi vụ việc đang được giải quyết theo cơ chế trọng tài, cũng có thể bắt đầu quy trình hòa giải.

Ảnh minh họa

Lưu ý thêm, về Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU, việc công nhận và thi hành phán quyết chung thẩm về nghĩa vụ tài chính do cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư ban hành (Phán quyết), Quốc hội Việt Nam đã có Nghị quyết số 113/2020/QH14 ngày 18/6/2020 về việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết. Theo đó, khoản 1 điều 2 của Nghị quyết quy định: cho công nhận và thi hành tại Việt Nam đối với Phán quyết được ban hành trong thời hạn 05 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực hoặc trong một thời gian dài hơn theo quyết định của Ủy ban thành lập theo Điều 4.1, của Hiệp định đối với bị đơn là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được coi như phán quyết của Trọng tài nước ngoài. Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam áp dụng quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự về thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài phù hợp với Công ước Niu-oóc năm 1958 về công nhận và thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài để xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận Phán quyết đối với bị đơn là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Khoản 2 quy định: 2. Phán quyết được ban hành sau thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này đối với bị đơn là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được công nhận như bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án Việt Nam. Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi người phải thi hành Phán quyết có tài sản ra quyết định công nhận và cho thi hành Phán quyết trên lãnh thổ Việt Nam khi người được thi hành Phán quyết có đơn yêu cầu; Khoản 3 quy định: 3. Kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực, Phán quyết được ban hành đối với bị đơn là Liên minh Châu Âu hoặc nước thành viên Liên minh Châu Âu được công nhận như bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án Việt Nam. Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi người phải thi hành Phán quyết có tài sản ra quyết định công nhận và cho thi hành Phán quyết trên lãnh thổ Việt Nam khi người được thi hành Phán quyết có đơn yêu cầu. Nghị quyết cũng quy định, phán quyết được thi hành theo pháp luật về thi hành án dân sự.

Là một trọng tài viên có nhiều bài học kinh nghiệm sau các vụ việc liên quan tới tranh chấp thương mại quốc tế. Xin ông cho biết các doanh nghiệp thường xảy ra những tranh chấp thương mại và gặp những vướng mắc gì liên quan đến pháp lý thương mại?

Tranh chấp trong giao dịch thương mại, cụ thể là tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ quốc tế, xảy ra khi có sự vi phạm nghĩa vụ (hoặc cho rằng là vi phạm nghĩa vụ) của một bên tham gia hợp đồng, có bất đồng ý kiến của các bên về sự vi phạm hoặc xử lý hậu quả phát sinh từ sự vi phạm trong quan hệ hợp đồng. Bao gồm tranh chấp liên quan đến nghĩa vụ giao nhận về số lượng, chất lượng hàng hóa và dịch vụ, tranh chấp liên quan đến đóng gói và vận chuyển đa phương thức đối với hàng hóa giao nhận quốc tế, tranh chấp về nghĩa vụ thanh toán và phương thức thanh toán, trong đó có cả những tranh chấp, rủi ro phức tạp trong phương thức thanh toán bằng LC mà doanh nghiệp thường lựa chọn áp dụng. Để tìm được đối tác là nhà xuất khẩu hoặc nhà nhập khẩu tốt về năng lực tài chính và kinh doanh, nhất là đối với doanh nghiệp có giao dịch lần đầu, việc tìm hiểu xác minh về đối tác rất quan trọng, có thể thông qua thương vụ Việt Nam tại EU hỗ trợ xúc tiến giao dịch, ngoài ra, tốn kém hơn nhưng có thể tin cậy hơn, nhanh hơn khi xác minh qua các hãng cung cấp dịch vụ đánh giá doanh nghiệp ở Châu Âu.

Về vấn đề pháp lý thường gặp, đó là khó khăn và vấn đề trong việc xây dựng và ký kết được hợp đồng thể hiện đầy đủ và chặt chẽ các điều kiện và điều khoản về thương mại và pháp lý, dự liệu được các vấn điều rủi ro có thể xảy và phương thức giải quyết tranh chấp, bao gồm luật áp dụng và địa điểm giải quyết tranh chấp, rủi ro pháp lý liên quan đến pháp luật nước sở tại khi cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ. Sẽ tốt hơn cho doanh nghiệp Việt nếu có được các chuyên gia tư vấn chuyên sâu, chuyên nghiệp trong quá trình đàm phán, ký kết và thực hiện hợp đồng thương mại quốc tế, trong đó có giao dịch với các doanh nghiệp EU.

Ảnh minh họa

Ông có thể chia sẻ một vài vụ tranh chấp thương mại điển hình của doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài?

Tranh chấp về nghĩa vụ giao hàng và thanh toán: Bên mua là một doanh nghiệp Việt ký hợp đồng với Bên bán là doanh nghiệp Nhật Bản do người Trung Quốc là chủ sở hữu, về việc mua thép phế liệu nặng dùng cho nung luyện, nóng chảy. Đơn giá…USD/ MT CRF CQD tại Hải Phòng, Việt Nam theo Incoterms 2010. Tuy nhiên, Bên mua phát hiện nhiều vấn đề về việc giao hàng không đúng quy định tại hợp đồng, tàu giao hàng không vào vùng biển Việt Nam. Thanh toán bằng LC và Bên mua mở LC trị giá gần 1 triệu đô la Mỹ. Điều kiện thanh toán khi Ngân hàng mở LC nhận được bộ chứng từ thanh toán do Công ty Nhật Bản cung cấp. Tuy nhiên, toàn bộ bộ chứng từ giả mạo, giao dịch là giả mạo nhằm chiếm đoạt tiền của Bên mua thanh toán bằng LC. Bên mua đã khởi kiện giải quyết trọng tài yêu cầu hủy hợp đồng và đã được Hội đồng trọng tài giải quyết vụ tranh chấp chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn – Bên mua tuyên hủy hợp đồng. Theo điều 427.1 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng bị hủy bỏ thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, các bên không phải thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận, trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp. Theo phán quyết, Bên mua không phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho Bên bán bằng LC đã mở.

Tranh chấp về vận chuyển hàng hóa: Bên bán là doanh nghiệp Việt xuất khẩu hàng đi Mỹ, đóng gói bằng palet gỗ trong container, hàng vận chuyển bằng tàu biển và đã cập cảng Mỹ, tuy nhiên khi hải quan và nhà chức trách Mỹ đã phát hiện palet gỗ không đảm bảo điều kiện khử trùng và độ ẩm theo pháp luật Mỹ, bị buộc tái xuất, Bên bán bị Bên mua là doanh nghiệp Mỹ yêu cầu đổi hàng, giao hàng bằng đường hàng không, bị phạt vi phạm nghĩa vụ giao hàng đúng thời hạn và đúng chất lượng quy định tại hợp đồng thương mại.

Tranh chấp về giao hàng thiếu:Một công ty Trung Quốc (Nguyên đơn – Bên mua) ký hợp đồng với một công ty Việt Nam (Bị đơn – Bên bán) để mua cao su. Bên bán và Bên mua giao nhận hàng thông qua Bên vận chuyển, hàng được đóng trong container tại Việt Nam và được vận chuyển sang Trung Quốc bằng đường biển. Hàng đã được chuyển sang Trung Quốc cho Bên mua nhưng Bên mua cho rằng có việc thiếu hàng. Bên mua yêu cầu giám định về việc thiếu hàng nhưng Bên bán và Bên vận chuyển không cử đại diện đến tham gia việc giám định. Chứng thư giám định kết luận tình trạng bên ngoài container bình thường và trước khi mở hai container, các cặp chì (seal) của hai container đều còn nguyên, chưa bị đứt (intack), và các số cặp chì đều phù hợp với chứng từ giao hàng, nhưng khi mở hai container giám định viên và hải quan sở tại thấy hàng được xếp từ cuối container ra đến cửa, nhưng nhìn từ sàn lên nóc container thì chỉ có một nửa container là có hàng và hàng không được xếp đầy container. Liên quan đến việc thiếu hàng, Hội đồng Trọng tài xác định thuộc trách nhiệm của Bên bán. Vì, theo Hội đồng Trọng tài “việc đếm hàng, chất xếp hàng, đóng hàng vào container và niêm phong cặp chì cho container do Bị đơn làm. Trách nhiệm về tình trạng thiếu hụt số lượng hàng hóa và trọng lượng hàng hóa trong các container này khi các container được dỡ xuống cảng đích trong điều kiện còn niêm phong cặp chì “thuộc về Bên bán”. Trong trường hợp này, trách nhiệm về việc thiếu hụt hàng trong container trong quá trình vận chuyển và giao nhận không thuộc về Bên vận chuyển.

Từ ngày 01/08/2020, EVFTA sẽ chính thức có hiệu lực thực thi. Đây sẽ là hướng đi "sáng" cho các doanh nghiệp trong nỗ lực chuyển đổi để có thể thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng nhưng khó tính như Liên minh châu Âu. Vậy theo ông các các doanh nghiệp Việt Nam cần phải làm gì để tự bảo vệ mình nhằm phòng ngừa những rủi ro pháp lý trong hoạt động thương mại quốc tế?

Biết người biết ta sẽ win win. Như việc doanh nghiệp Việt, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp phải chịu cạnh tranh từ EU sau khi Hiệp định có hiệu lực, cần đánh giá lại nguồn lực, năng lực và quản trị của mình, cần chủ động nghiên cứu thông tin về EVFTA và đối tác từ EU để có sự chuẩn bị tích cực. Việc chuẩn bị nên được tiến hành toàn diện từ nghiên cứu cơ hội, thách thức của thị trường EU đến các giải pháp như nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu suất, đảm bảo sản phẩm của mình đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, về tiêu chuẩn kỹ thuật và về vệ sinh an toàn động thực vật của EU. Theo tôi, trong quản trị doanh nghiệp cần thiết lập quy chế nhận diện và phòng ngừa rủi ro, giải quyết tranh chấp trong giao dịch thương mại với các doanh nghiệp EU.

 Theo Ngọc Thảo, Báo Doanh nghiệp Hội nhập.

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI