Sáng ngày 08/01/2019, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổng cục Hải quan và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố Báo cáo mức độ hài lòng của doanh nghiệp về việc thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) xuất nhập khẩu năm 2018. So với năm 2015, mức độ hài lòng của cộng động doanh nghiệp với ngành hải quan đã được cải thiện ở hầu hết các nội dung khảo sát. Tuy nhiên, cũng có tới 70% doanh nghiệp kiến nghị tiếp tục đơn giản hóa TTHC.
Mức độ hài lòng được cải thiện
Báo cáo này được thực hiện dựa trên kết quả khảo sát 3 nghìn doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên cả nước ở tất cả thành phần kinh tế. Theo đó, mức độ hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp với ngành hải quan cải thiện đáng kể so với lần thực hiện khảo sát đầu tiên vào năm 2015.
Cụ thể, về chất lượng thông tin khi doanh nghiệp tiếp cận thông tin TTHC hải quan, 91% doanh nghiệp cho rằng thông tin cơ quan hải quan cung cấp là thống nhất, 90% doanh nghiệp đánh giá thông tin TTHC sẵn có dễ tìm. So với số liệu năm 2015, 2 tỷ lệ này lần lượt là 77% và 81%.
Tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục cũng giảm đáng kể so với năm 2015; và khi gặp khó khăn có tới 85% doanh nghiệp cho biết tìm đến sự hỗ trợ của cơ quan hải quan. Đánh giá của doanh nghiệp là khá tích cực khi có 79% đánh giá sự hỗ trợ của cơ quan hải quan “phần lớn và hoàn toàn” kịp thời; 84% doanh nghiệp cho biết sự hỗ trợ của cơ quan hải quan là phần lớn hoặc hoàn toàn hiệu quả.
Tuy vậy, kết quả khảo sát cũng cho thấy, còn có 56% doanh nghiệp gặp vướng mắc khi tìm hiểu thông tin về TTHC xuất nhập khẩu; 53% doanh nghiệp gặp khó khăn trong các thủ tục kiểm tra và xác định mã số HS (mã phân loại của hàng hóa); 30% doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục kiểm tra, xác định giá trị hải quan và có đến 38% doanh nghiệp từng thực hiện thủ tục quản lý và kiểm tra chuyên ngành trong năm vừa qua...
Bên cạnh đó, báo cáo cũng tổng hợp có tới 70% doanh nghiệp kiến nghị tiếp tục đơn giản hóa TTHC, 53% doanh nghiệp kiến nghị các cơ quan chức năng cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; 48% kiến nghị về việc tăng cường quan hệ đối tác giữa doanh nghiệp và hải quan; 43% doanh nghiệp mong muốn tăng tính công khai minh bạch cũng như kỷ cương, chuyên môn của cán bộ công chức.
Hải quan phải coi doanh nghiệp là đối tác hợp tác
Phó Giám đốc Trung tâm Hiệp hội Xuất khẩu và Chế biến thủy sản Việt Nam Trần Hoàng Yến nhận định: Cơ quan Hải quan đã tích cực đẩy mạnh việc cải cách các TTHC và ứng dụng công nghệ thông tin để tạo điều kiện tối đa cho các hoạt động của doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn có các thủ tục gây cản trở cho doanh nghiệp. Công tác kiểm tra chuyên ngành còn phiền phức. Các doanh nghiệp chưa sử dụng được nhiều chức năng trên Cổng thông tin điện tử một cửa quốc gia. Một số cán bộ hải quan vẫn gây phiền hà cho doanh nghiệp.
Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam Trần Quang Trung kiến nghị, ngành hải quan cần sớm hoàn thiện mã HS, tiếp đó, cần minh bạch HS. Cơ quan liên bộ tránh chồng chéo các TTHC và kiểm tra chuyên ngành, hạn chế sự phiền hà, chậm trễ trong sản xuất, xuất khẩu hàng hoá cho doanh nghiệp.
Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam Vũ Chu Hiền cho rằng, cần nỗ lực để hạn chế các “chi phí ngoài” cho doanh nghiệp. Cởi trói thêm cho doanh nghiệp bằng việc giảm các TTHC, đẩy nhanh thời gian kiểm tra chuyên ngành.
Trong thời kỳ hội nhập kinh tế, việc bảo đảm thông suốt trong thực hiện các TTHC xuất nhập khẩu là một trong những đòn bẩy để thúc đẩy doanh nghiệp hoạt động, tăng sức cạnh tranh, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc chia sẻ. Cùng với đó, cải cách TTHC là để giải phóng nguồn lực giúp lực lượng hải quan tập trung vào chuyên môn tốt hơn, đồng thời chuẩn hoá các TTHC về hải quan theo chuẩn thế giới. “Hướng đi của cải cách đã rõ ràng và giai đoạn tới Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hoá các TTHC về hải quan”, ông Lộc khẳng định.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường cho biết, ngành luôn xác định cải cách THHC là nhiệm vụ trọng tâm. Hiện nay, ngành hải quan đã định danh được 300 hành vi gây phiền hà, sách nhiễu của cán bộ hải quan. Tổng cục Hải quan đã và đang triển khai một loạt các giải pháp nhằm giảm thiểu vấn để này. Trong đó, Tổng cục đã quy định rõ ràng về công tác thanh tra, kiểm tra đối với cán bộ ngành.
Kết quả khảo sát năm 2018 cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá về mức độ thực hiện kỷ cương của công chức ngành hải quan ở mức cao/rất cao tăng đáng kể so với năm 2015. Có 46% doanh nghiệp đánh giá công chức hải quan văn minh, lịch sự khi tiếp xúc (tăng 12 điểm phần trăm so với năm 2015). 45% doanh nghiệp đánh giá công chức hải quan thực hiện đúng, tận tuỵ khi thi hành công vụ ở mức cao/rất cao (năm 2015 là 30%). 37% doanh nghiệp đánh giá cao/rất cao về tiêu chí cán bộ hải quan “coi doanh nghiệp là đối tác hợp tác” và 37% doanh nghiệp cho rằng cán bộ hải quan “nhanh chóng, chính xác khi giải quyết công việc”.
Cũng theo báo cáo, có 18% doanh nghiệp thừa nhận là phải chi trả chi phí ngoài quy định trong quá trình thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu và 15% doanh nghiệp cho rằng bị phân biệt đối xử nếu không chi trả chi phí này.
Theo Đức Hiệp Báo Điện tử Đại biểu Nhân dân đăng ngày 09/01/2019