...

Doanh nghiệp quan tâm cắt được bao nhiêu chi phí

29 Tháng 10, 2019

Thành lập doanh nghiệp mới chỉ mất 100.000 đồng

Nếu Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên VIAC, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Luật Basico có trong tay văn bản Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Bộ Tài chính về việc phối hợp cắt giảm chi phí khởi sự kinh doanh cho doanh nghiệp, hẳn ông sẽ có những bình luận mới tích cực.

Những phiền phức mà các khách hàng của Basico hay kêu, theo ông Đức, đó là việc phải thực hiện hai thủ tục là cấp giấy đăng ký doanh nghiệp và công bố nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đã không còn. Không chỉ vậy, chi phí thành lập doanh nghiệp mới sẽ giảm hơn so với kỳ vọng của ông Đức. Trong lần góp ý sửa đổi Luật Doanh nghiệp vào tháng 2/2019, ông Đức đề nghị chỉ tính lệ phí 1 lần và bằng khoảng 50% mức hiện tại.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, sửa đổi quy định tại Thông tư số 215/2016/TT-BTC ngày 10/11/2016 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin doanh nghiệp, lệ phí đăng ký doanh nghiệp và Thông tư số 130/2017/TT-BTC ngày 04/12/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 215/2016/TT-BTC.

Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị cắt giảm 100% lệ phí đăng ký thành lập doanh nghiệp, thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, cấp lại giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; giảm phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp từ 300.000 đồng, xuống còn 100.000 đồng.

Cũng phải nhắc lại, trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 108/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp, trong đó có quy định tích hợp thủ tục công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp với thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp thành một thủ tục.

“Nếu thực hiện các sửa đổi trên, chi phí thực hiện các thủ tục liên quan đến việc thành lập doanh nghiệp mới sẽ giảm xuống còn 100.000 đồng”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán trong văn bản gửi Bộ Tài chính.

Quan trọng là doanh nghiệp hưởng lợi ngay

Qua đề xuất chủ động của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Bộ Tài chính, mục tiêu cắt giảm chi phí khởi sự kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp gia nhập thị trường mà Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm theo Nghị quyết 02/2019/NQ-CP đang có điều kiện thuận lợi để nhanh đến đích.

Vì, nếu kịp cập nhật thông tin này tới Ngân hàng Thế giới (WB) để phục vụ cho lần đánh giá Môi trường kinh doanh 2020 (công bố vào cuối tháng 10/2019), thì Chỉ số Khởi sự kinh doanh của Việt Nam chắc sẽ không thể dừng ở thứ hạng trung bình kém (là 104/190 như Báo cáo Môi trường kinh doanh 2019, công bố hồi tháng 10/2018). Mặc dù thứ hạng 104 này đã cải thiện rất đáng kể so với mức 125 cách đây 5 năm và là chỉ số có mức thăng hạng nhiều nhất, cùng với Chỉ số Bảo vệ nhà đầu tư trong 5 năm qua trên Bảng xếp hạng Môi trường kinh doanh của WB, nhưng thứ hạng này không chỉ là thành tích để so sánh.

Lý do là, riêng việc đơn giản hóa quy trình thủ tục khởi sự kinh doanh đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm khoảng 540.000 lượt đi lại và hơn 1 triệu giờ làm việc mỗi năm. Đây là khoản tiền thật mà doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ hưởng lợi ngay khi các quyết định cắt giảm thủ tục, chi phí được thực hiện.

Song đây chỉ là bước nhỏ, vì mới là phần trách nhiệm thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. 88 chỉ số trọng tâm để cải thiện thứ hạng môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh… theo Nghị quyết 02/2019/NQ-CP được giao cho 15 bộ, ngành. Nếu tất cả cùng hành động, thì phần chi phí thực giảm mà doanh nghiệp cảm nhận được sẽ rất lớn.

Khi phân tích về chi phí tuân thủ pháp luật, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra khi khởi sự không chỉ là thủ tục hành chính, lệ phí, chi phí đầu tư, mà còn là chi phí cơ hội và các khoản chi phí không chính thức khác họ phải gánh khi các quy định không rõ ràng, không minh bạch, khó thực hiện.

“Cách để cắt giảm thủ tục hành chính là bãi bỏ thủ tục hành chính không cần thiết, trùng lặp; đơn giản yêu cầu hồ sơ, giấy tờ; rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục, cắt giảm lệ phí. Nhưng điều quan trọng hơn là việc thực thi phải hiệu quả, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan để giảm đầu mối. Khi đó, doanh nghiệp mới thực sự cảm nhận được sự cải thiện môi trường kinh doanh”, ông Hiếu nói.

Đây là lý do Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm với các chỉ số thành phần theo Báo cáo Môi trường kinh doanh cập nhật phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (đầu mối là CIEM) cập nhật đầy đủ, chính xác các thông tin về cải cách thể chế, quy định, thủ tục hành chính và các tài liệu kiểm chứng vào hệ thống của WB, thời hạn hoàn thành trước ngày 31/5/2019.

Theo Khánh An/ Báo Đầu tư/ 25-05-2019.

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI