Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI cho rằng, trong quá trình phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững, báo chí vừa là kênh cung cấp thông tin, chuyển tải cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước, vừa là công cụ hữu hiệu để giới thiệu, quảng bá hình ảnh, thương hiệu cho DN. Đồng thời, DN, doanh nhân cũng là cảm hứng, là nguồn đề tài vô cùng phong phú cho báo chí. Thậm chí, Chủ tịch VCCI còn ví von quan hệ báo chí - DN là cuộc “hôn nhân”, bởi hai chủ thể này đã luôn song hành cùng nhau.
“Báo chí luôn chia sẻ buồn vui cùng DN, là cánh chim báo tin khi DN gặp niềm vui và là nơi chia sẻ cùng DN khi DN gặp nỗi buồn. Khi DN gặp oan sai, DN sẽ tìm đến báo chí để “đánh trống kêu oan. Có những nhà báo được coi là “hiệp sĩ” xả thân bảo vệ DN bị oan sai. Không chỉ bảo vệ DN, báo chí còn luôn hiến kế cùng DN, đồng hành cùng DN trong quá trình thúc đẩy cải cách thể chế, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội đất nước” – ông Lộc chia sẻ.
|
Toàn cảnh diễn đàn: Ảnh: Thiện Trần |
Dù vậy, theo ông Lộc, không phải lúc nào cuộc “hôn nhân” này cũng “cơm lành, canh ngọt”. Thực tế đã có lúc quan hệ báo chí, DN cũng có những khoảng cách khiến cho thông tin bị sai lệch, ảnh hưởng nghiêm trọng đến DN. Điều này có thể do một số cơ quan báo chí bị hạn chế về thông tin, hoặc không ngoại trừ do cả những động cơ không trong sáng…
Mặt khác, nhiều DN cũng co cụm lại, không chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, bộ phận truyền thông hay cơ chế phát ngôn của DN chưa định hình, thống nhất. Nhiều DN còn lúng túng trong tổ chức bộ phận truyền thông, trong kỹ năng quan hệ công chúng và đặc biệt là kỹ năng quan hệ với báo chí…
Chủ động hợp tác
Đồng quan điểm của Chủ tịch VCCI, chia sẻ từ câu chuyện ghi nhận từ DN, ông Phạm Văn Miên – Tổng Biên tập Báo Công an nhân dân cho biết: “Một DN trong lĩnh vực công nghệ thông tin chia sẻ với tôi, DN luôn sẵn sàng “chơi” với báo chí nhưng không muốn xuất hiện trên báo chí kể cả tin tốt hay xấu. DN này mỗi năm bỏ ra 1 tỷ đồng cho một tờ báo để ủng hộ người nghèo, nhưng không muốn đưa tên lên mặt báo”. Ví dụ trên cho thấy, trên thực tế, nhiều DN có nhận thức chưa đúng về mối quan hệ của báo chí và DN, hay nhiều DN có tư tưởng né tránh báo chí, sợ bị làm phiền…
Từ thực tế đó, theo ông Miên, để giải quyết những tồn tại trong mối quan hệ báo chí – DN cần từ hai phía. Về phía DN, trước hết người đứng đầu DN phải trang bị cho mình kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống và cung cấp thông tin cho báo chí. Việc từ chối cung cấp thông tin cũng phải có cách, không thể từ chối báo chí mãi được. Thực tế có nhiều báo đã đưa cả phản hồi từ chối của DN lên mặt báo, do đó, kỹ năng giao tiếp của người đứng đầu DN rất quan trọng. Ngoài ra, DN cũng cần có bộ phận truyền thông chuyên nghiệp…
Về phía báo chí, các cơ quan báo chí, người làm báo cần có cái tâm và cái nhìn khách quan khi phản ánh các thông tin liên quan đến DN. “Có những lãnh đạo một số cơ quan báo chí chủ trương “bật đèn xanh” cho phóng viên đi làm kinh tế bằng cách nắm những yếu điểm của DN hoặc tự bản thân một số người xưng danh nhà báo, nhưng hoạt động vì những động cơ không trong sáng nhằm tư lợi cá nhân… Điều này là không thể, phi đạo đức. Nếu cơ quan báo chí, người làm báo không giữ được đạo đức nghề nghiệp thì mối quan hệ này sẽ sứt mẻ” – ông Miên nhấn mạnh.
Đồng quan điểm trên, ông Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cũng cho rằng, cả hai phía (báo chí và DN) cần đồng hành, tôn trọng và phải nhận thức rằng mối quan hệ báo chí – DN là mối quan hệ tương hỗ, “win - win” cùng phát triển. Tất nhiên, đồng hành không có nghĩa là thấy sai phạm của DN mà báo chí làm ngơ, và ngược lại với DN, việc cung cấp thông tin phải chân thực, đầy đủ để phóng viên, nhà báo có sự nhìn nhận đúng hơn vấn đề mà độc giả đang quan tâm…./.