Luật sư Nguyễn Tiến Lập Trọng tài viên VIAC khẳng định đã đến lúc chúng ta cần đổi mới cách tiếp cận vấn đề đầu tư công và chấp nhận mô hình quản trị công của các nước OECD.
-Dù Chính phủ đã có văn bản trình bày, song 204/423 đại biểu không tán thành phương án để Chính phủ quyết định danh mục các dự án chi đầu tư từ ngân sách trung ương. Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến những giằng xé, khó lựa chọn hôm nay?
Thành thật mà nói tôi khá bất ngờ khi sự tranh luận giằng co ở Quốc hội tại tập trung vào vấn đề thẩm quyền quyết định dự án đầu tư theo giá ngạch, bởi câu chuyện đầu tư công ở nước ta thật sự lớn và phức tạp hơn thế nhiều.
Ở thời điểm đã gần ba mươi năm chuyển đổi sang kinh tế thị trường và hội nhập sâu rộng với thế giới này, chúng ta cần phải định hình lại một cách căn bản mối quan hệ kinh tế giữa Nhà nước và thị trường mà trong đó, “đầu tư công” theo cách định nghĩa của Luật này chỉ là một vấn đề.
Chính vì chưa có sự định hình điều này thật sự rõ ràng, nội dung của Luật Đầu tư công chủ yếu vẫn xoay quanh câu chuyện thẩm quyền quyết định cũng như các quy trình thủ tục, vốn mang tính kỹ thuật và không cần thiết đến mức phải điều chỉnh ở cấp độ luật.
Xét một cách song phẳng, đầu tư công là sử dụng nguồn lực quốc gia và ngân sách nhà nước, tức tài sản của nhân dân. Vậy, ai đại diện cho nhân dân? Đó là Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Như thế thì về nguyên lý, cũng như Quốc hội và Hội đồng nhân dân có quyền quyết định phê chuẩn ngân sách, mọi việc sử dụng nguồn lực và nguồn vốn này để đầu tư đều phải được các cơ quan này phê chuẩn. Một khi Chính phủ hay UBND muốn tự quyết định thì đó sẽ là cơ chế uỷ quyền gắn với trách nhiệm báo cáo và giải trình.
-Nhưng nhiều người lo ngại rằng, Quốc hội sẽ không đủ năng lực để quyết định bởi hiện tại, trong Quốc hội chỉ có 30% số đại biểu là chuyên trách?
Đúng vậy, khi bàn ở tầm các dự án đầu tư cụ thể thì còn một vấn đề khác không kém phần quan trọng là năng lực của cơ quan ra quyết định. Quốc hội và Hội đồng nhân dân làm việc tập thể theo chế độ thảo luận công khai tại các cuộc họp, trong khi để phê chuẩn một dự án thì đòi hỏi rất nhiều kiến thức và kỹ năng chuyên gia.
Do đó, vừa để xử lý hài hoà về thẩm quyền, chức năng, vừa để các quyết định mang tính thực chất và gắn với việc chịu trách nhiệm cao, tôi cho rằng một cách hợp lý nhất nên có sự phân biệt và phân loại các khía cạnh khác nhau của vấn đề. Cụ thể, ở mỗi cơ quan dân cử đều có các Đại biểu và Uỷ ban hay Ban chuyên môn. Các uỷ ban sẽ chịu trách nhiệm về rà soát kỹ thuật các tất cả các dự án do Chính phủ hay UBND trình lên. Trên cơ sở đó, các cơ quan này sẽ quyết định dự án nào trình ra thảo luận giữa các Đại biểu và cả vấn đề gì sẽ đưa ra thảo luận và quyết định.
Đương nhiên, vì các Đại biểu là đại diện của cử tri của các vùng, miền và địa phương khác nhau, do đó họ không có sự quan tâm giống nhau. Cho nên, một khi Quốc hội thảo luận thì chỉ nên tập trung vào những vấn đề riêng như an ninh quốc gia và lợi ích vùng miền hay nhóm xã hội và dân cư. Trên thực tế, tôi thấy các Đại biểu Quốc hội khi phát biểu thường phản ánh quan điểm, năng lực và phẩm chất cá nhân nhiều hơn là tư cách đại diện. Xu hướng này e rằng sẽ biến Quốc hội thành diễn đàn xã hội hơn là cơ quan đại diện cho quyền lực tối cao của nhân dân.
-Về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) quy định việc sử dụng vốn đầu tư công từ 20.000 tỉ đồng trở lên thì cần được Quốc hội quyết định. Nhưng nhiều quan điểm lo ngại rằng con số này sẽ trói chân nhà đầu tư, thưa ông?
Theo tôi hiểu thì Chính phủ khi muốn tăng thẩm quyền quyết định các dự án theo giá ngạch là do vấn đề thời gian và quy trình, thủ tục, đặc biệt trong bối cảnh có nhu cầu tăng mức đầu tư công để giữ chỉ số tăng trưởng GDP.
Tuy nhiên, xét cho cùng, đó chỉ là những vấn đề thuần tuý kỹ thuật hay năng lực chuyên môn và hoàn toàn có thể xử lý, khắc phục được. Trong hệ thống chính trị của nước ta, một khi các cơ quan Đảng cũng tham gia hay có tiếng nói quyết định trong phê duyệt các dự án thì tôi không cho rằng các Đại biểu Quốc hội quá quan tâm về chuyện thẩm quyền theo nguyên lý. Điều các Đại biểu thật sự quan tâm là sự bức xúc của cử tri và nhân dân cả nước về tình trạng đầu tư công kém hiệu quả, thất thoát nhiều, lãng phí cao và tham nhũng nặng nề.
Do đó, việc các Đại biểu Quốc hội không đồng ý với đề xuất của Chính phủ để được tự quyết đối với các dự án đến 20.000 tỷ là có căn nguyên, mặc dù theo tôi đó cũng là điều “cực chẳng đã” vì một khi đã giành quyền quyết định thì chính Quốc hội sẽ liên đới chịu trách nhiệm nếu dự án thất bại hay không hiệu quả.
Quan điểm cá nhân tôi vẫn cho rằng một khi Chính phủ trình lên Quốc hội để phê chuẩn thì không phải là phê chuẩn chủ trương, tức các nội dung rất chung, mà là phê duyệt cụ thể nhưng không phải toàn diện mà chỉ các khía cạnh nhất định có ý nghĩa quan trọng. Chẳng hạn, đó là các tác động của dự an đối với an ninh, lợi ích quốc gia và đời sống của các nhóm dân cư và sự phát triển của vùng miền. Theo logic đó, quy mô vốn của dự án, dù là 9.900, 10.000 hay 20.000 tỷ sẽ không còn mang ý nghĩa quyết định nữa. Đối với sự cần thiết hay hiệu quả kinh tế của dự án, đó phải thuộc trách nhiệm thẩm định và quyết định của Chính phủ.
-Nhiều chuyên gia khẳng định, những bức xúc hiện nay trong đầu tư công (như giải ngân chậm, hiệu quả thấp) là do không chọn được dự án tốt. Nói cách khác, luật đang đưa ra một quy trình ngược: chia vốn trước, chọn dự án sau. Trong khi lẽ ra nên làm ngược lại? Thưa ông?
Câu chuyện bắt đầu từ việc quản lý ngân sách nhà nước và phân định thẩm quyền giữa trung ương và địa phương. Hiến pháp năm 2013 đã đưa vào khái niệm “Chính quyền địa phương”, tuy nhiên tư duy này chưa thấm vào hoạt động tài chính và ngân sách. Một khi Chính phủ trung ương quản lý chặt chẽ một cách tập trung thì ngân sách đầu tư công sẽ như một cái bánh và các địa phương sẽ đấu tranh để được chia phần hơn.
Như vậy, nói chia tiền trước rồi chọn dự án sau hay thậm chí lập dự án chỉ để được chia tiền là phản ánh đúng thực tế khách quan và tự nhiên của cuộc sống. Còn hệ luỵ các dự án đầu tư công được phê duyệt lâu, rồi sau đó giải ngân chậm thì không chỉ có các lý do kỹ thuật mà còn cả câu chuyện khan hiếm nguồn vốn, thắt chặt kỷ cương và đặc biệt là chống tham nhũng mạnh mẽ hơn. Đối với các vấn đề này, tôi không tin nó sẽ được giải quyết hay giải quyết đúng đắn và hiệu quả bằng cách sửa đổi Luật Đầu tư công hiện hành.
-Vậy, chúng ta có nên đảo lại quy trình này, tức chọn dự án tốt chưa rồi chia vốn sau không, thưa ông?
Tôi không nghĩ tới một nguyên lý đơn giản như thế. Chẳng hạn, thế nào là dự án tốt? Ai sẽ đánh giá chất lượng của dự án? Hơn nữa không được phép đặt vấn đề chia vốn ngân sách như chia cái bánh. Cái cơ chế hình thành dự án ở chúng ta rất kỳ quặc, hầu như bám vào quy hoạch, kế hoạch mà cả hai hoạt động này bị chi phối cơ bản bằng tư duy chủ quan, duy ý chí. Ai ở Hà Nội đều biết việc quy hoạch phát triển mở rộng về phía Tây và theo sau đó là xây đường cao tốc Hà Nội – Hoà Lạc hay đại lộ Thăng Long. Kết quả thế nào? Là một con đường tốn kém nhưng rất ít người đi ai cũng rõ.
Như vậy, theo tôi chúng ta nên có một tư duy khác về đầu tư công và có lẽ nên bắt đầu không phải bằng các dự án mà một lẽ giản đơn: Đó là hãy để hay nhường bước cho thị trường quyết định. Chỉ những gì thị trường không xử lý được thì Nhà nước mới can thiệp và khi can thiệp bằng đầu tư thì nguyên tắc số một là tiết kiệm và số hai là công khai và minh bạch.
-Cuối cùng, ông có đóng góp như thế nào để dự thảo này được hoàn thiện hơn?
Là một người từng tham gia vào việc xây dựng dự án Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, là luật song hành với Luật Đầu tư công, tôi đã luôn thắc mắc về một khái niệm cơ bản, đó là đầu tư công là gì?
Chúng ta thường lấy nguồn vốn làm tiêu chí quản lý, chẳng hạn như đầu tư từ ngân sách trực tiếp hay đầu tư gián tiếp thông qua doanh nghiệp nhà nước, rồi đầu tư qua các quỹ tài chính nhà nước, quan ngân hang chính sách và đầu tư qua bảo lãnh Chính phủ... Có lẽ bởi thế mà nhiều hệ luỵ phức tạp mới phát sinh nhiều từ khâu hình thành dự án đến phê duyệt, giải ngân, giải trình và quyết toán.
Nhìn sang nhiều nước có nền kinh tế thị trưởng phát triển và quản trị công khác, họ sử dụng khái niệm chung là mua sắm công hay mua sắm chính phủ, qua đó bắt đầu quản lý bằng phân loại theo mục tiêu và ý nghĩa, tác động đến đời sống kinh tế - xã hội của hoạt động chi tiêu, mua sắm công. Triết lý của họ thật đơn giản. Nhà nước không đầu tư vào dự án vì đó là công việc của tư nhân và thị trường.
Còn khi mua sắm tài sản công thì chúng ta cũng áp dụng ít nhất hai nguyên tắc đó là: Thứ nhất, đó là cái gì của công thì phải phục vụ được tất cả mọi người, theo đó nhà nước chỉ xây dựng các công trình không sinh lời trực tiếp nhưng có ý nghĩa phục vụ phát triển chung. Thứ hai, cái gì mà thị trường thất bại thì nhà nước phải làm, tức là cung ứng các dịch vụ công, đặc biệt dịch vụ thiết yếu về y tế, giáo dục cho nhóm có khả năng chi trả thấp.
Do đó, tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta cần đổi mới cách tiếp cận vấn đề theo hướng căn bản và toàn diện hơn, theo đó chấp nhận mô hình quản trị công của các nước OECD, hướng tới việc Quốc hội sẽ ban hành một bộ luật thống nhất về mua sắm công hay mua sắm Chính phủ.
-Trân trọng cảm ơn ông!