Trao đổi với Tuổi Trẻ Online bên lề hội thảo cập nhật Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) diễn ra ở TP.HCM ngày 5-7, ông Nicolas Audier - trọng tài viên VIAC, chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham Việt Nam) - cho biết một trong những nỗ lực mà chính phủ hai bên hướng đến là đảm bảo tinh thần, nội dung của hiệp định được phổ biến tới các cấp, các tỉnh thành của Việt Nam.
Theo đó, một loạt các hội thảo, sự kiện sẽ được hội doanh nghiệp hai bên tổ chức ở các địa phương nhằm cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ về cam kết trong EVFTA.
Ông Nicolas Audier cho rằng một trong những thách thức sau khi hiệp định được thực thi là các sự thay đổi quy tắc, quy định mà hiệp định vươn tới và các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chính quyền các cấp cần được cập nhật thông tin đó.
Việt Nam có 63 tỉnh, thành và mỗi địa phương sẽ có những đặc thù khác nhau, trong khi đó, nhà xuất khẩu châu Âu chỉ bán được hàng khi họ hiểu được thị trường, hiểu thị hiếu tiêu dùng người Việt Nam.
Do đó thời gian tới, Eurocham sẽ tiếp tục cung cấp các thông tin về thị trường, về cam kết trong hiệp định tới 63 địa phương của Việt Nam, đảm bảo cách hiểu thống nhất, hiểu rõ về cam kết của EVFTA cũng như những tiêu chuẩn mà các nhà xuất khẩu Việt Nam muốn xuất sang thị trường châu Âu và ngược lại.
Nói về kỳ vọng, chủ tịch Eurocham Việt Nam nhìn nhận sau khi hiệp định được ký kết, bước tiếp theo và cũng là bước cuối cùng là hiệp định sẽ được bỏ phiếu bầu tại Nghị viện châu Âu và phê chuẩn của Quốc hội Việt Nam.
Trong thời gian này, hoạt động xuất khẩu hàng hoá châu Âu vào Việt Nam cũng sẽ tăng nhưng không nhanh chóng vì các doanh nghiệp này cũng phải mất ít nhất hai năm để nắm các quy tắc mới khi hiệp định bắt đầu có hiệu lực và họ cũng cần từng đó năm để hiểu được thị trường Việt Nam.
"Sẽ có một làn sóng di chuyển của các doanh nghiệp châu Âu đến Việt Nam, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ để đón các lợi ích mà hiệp định này đem lại. Tuy vậy, vẫn cần nhiều thời gian nhìn thấy chuyển động này", ông Nicolas Audier nói với Tuổi Trẻ Online.
Dòng vốn đầu tư từ châu Âu vào Việt Nam cũng sẽ khó ồ ạt thời gian đầu. Việt Nam đang là điểm đến của các cơ sở sản xuất, thương hiệu lớn nhất thế giới; các công ty đa quốc gia cũng từng có những bước tuần tự khi vào thị trường Việt Nam, cần thời gian để mọi thứ thẩm thấu.