Bộ Tài chính luôn quan tâm, tiếp tục lắng nghe ý kiến từ phía cộng đồng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ vướng mắc về thuế, điều chỉnh và hoàn thiện chính sách tài chính.
Đồng hành với cơ quan chức năng nâng cao chất lượng tín dụng, thúc đẩy doanh nghiệp (DN) phát triển cả về số lượng và chất lượng theo tinh thần Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020… Đây là phát biểu của ông Đặng Quyết Tiến – Cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính tại hội thảo giải pháp tài chính cho DN do Tạp chí Tài chính DN phối hợp với Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 10/5/2019.
VCCI đồng hành, phối hợp với Bộ Tài chính để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN phát triển
Tại hội thảo, ông Nguyễn Quang Vinh - Tổng Thư ký VCCI đánh giá cao ý nghĩa của cuộc hội thảo và cho rằng, đây là cơ hội để DN chia sẻ ý kiến về những thách thức, khó khăn vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện chính sách thuế và tìm kiếm nguồn lực tài chính để phát triển. VCCI luôn đồng hành với DN và tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ DN phát triển, đặc biệt là giúp DN khởi nghiệp thông qua việc tiếp cận các nguồn tín dụng…
Theo đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố triển khai chương trình kết nối ngân hàng – DN để cùng với chính quyền các địa phương trực tiếp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của DN trong quan hệ tín dụng với ngân hàng.
Ý kiến của DN từ hội thảo này là cơ sở để VCCI và cơ quan chức năng của Bộ Tài chính ghi nhận, có căn cứ tham mưu, kiến nghị cơ quan chức năng nhà nước, Chính phủ chỉ đạo đưa ra những quyết sách nhằm tháo gỡ nút thắt chính sách; phục vụ việc tổ chức các hội nghị thuế, hải quan trong năm 2019.
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA), trọng tài viên tại VIAC, cũng đã chia sẻ và giải đáp những thắc mắc của đại diện DN xung quanh việc thực hiện thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng (GTGT), lưu ý trong việc thực hiện quy định sử dụng hóa đơn điện tử… Bà Cúc cho hay, để tạo thuận lợi và minh bạch trong việc áp dụng chính sách thuế, VTCA đã đề xuất Bộ Tài chính mỗi sắc thuế được hướng dẫn thống nhất quy định tại một thông tư, thay vì quy định tại nhiều thông tư.
Liên quan đến thực hiện hóa đơn điện tử, bà Cúc cũng chia sẻ, hiện nay hóa đơn điện tử mới áp dụng khuyến khích với thanh toán điện nước, hàng không, còn các hoạt động kinh tế khác do chưa quản lý được nguồn tiền - hàng nên việc triển khai còn gặp khó khăn.
Cũng theo bà Cúc, quy định sử dụng hóa đơn điện tử đã có hiệu lực từ 1/11/2018, tuy chưa có thông tư hướng dẫn và biểu mẫu kê khai, song DN vẫn có thể thực hiện theo phương thức cũ cho đến thời điểm cuối cùng 1/11/2020. Trong thời gian chuyển đổi này, DN thực hiện hóa đơn điện tử nếu gặp vướng mắc có thể hỏi Tổng cục Thuế và sự trợ giúp từ VTCA.
Tín dụng - động lực để DN phát triển
Liên quan đến tín dụng cho DN, ông Vinh chia sẻ, Chính phủ đặt ra mục tiêu phát triển 1 triệu DN vào năm 2020. “Hiện nay, cả nước mới có gần 700.000 DN, trong khi đó các hộ kinh doanh cá thể chưa chịu trở thành DN, nguyên nhân thì có nhiều, tuy nhiên vấn đề tín dụng để nâng đỡ các hộ kinh doanh cá thể trở thành DN là điều cần coi trọng, nhanh chóng hiện thực hóa…” - ông Vinh nói.
Tại hội thảo, các DN đã nhận được sự chia sẻ của đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về kết quả và cơ hội tiếp cận tín dụng mở ra trong thời gian tới.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng, tập trung triển khai quyết liệt 6 nhóm giải pháp nhằm cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng, hỗ trợ người dân và DN về vốn phát triển sản xuất kinh doanh.
Từ đầu năm 2019 đến nay, để tiếp tục góp phần hỗ trợ DN, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, thị trường tiền tệ, nhờ đó, mặt bằng lãi suất thị trường cơ bản ổn định. Đặc biệt, 4 ngân hàng thương mại: Vietcombank, Agribank, Vietinbank và BIDV đã giảm 0,5% lãi suất cho vay để hỗ trợ cho các DN hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên.
Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng xây dựng quy trình thu thập, khai thác thông tin về đánh giá tín nhiệm của khách hàng, nâng cao hiệu quả thẩm định, qua đó tăng cường khả năng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản nhằm giải quyết khó khăn, thúc đẩy hoạt động kinh doanh và phát triển của DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ.
Đặc biệt, thời gian qua ngành Ngân hàng đã phối hợp với các cấp chính quyền địa phương đẩy mạnh triển khai Chương trình kết nối ngân hàng - DN trên toàn quốc, gắn với nhiệm vụ trọng tâm và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Thông qua việc triển khai các hội nghị kết nối đối thoại trực tiếp để nhận diện khó khăn, vướng mắc của DN, từ đó có giải pháp tháo gỡ phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong quan hệ tín dụng với ngân hàng. Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các chương trình, chính sách tín dụng nhằm hỗ trợ người dân, DN, tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Nhờ triển khai đồng bộ các chính sách, tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế trong những năm gần đây được duy trì ở mức khá cao (giai đoạn 2015 - 2017 đạt 18 - 19%, năm 2018 đạt gần 14% và 3 tháng đầu năm 2019 tiếp tục tăng 3,19%).
Về giải pháp tín dụng, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục vận hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát ở mức độ hợp lý, bảo đảm lãi suất và tỉ giá hối đoái ổn định, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các DN; tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn ngân hàng phục vụ sản xuất kinh doanh.