Hoà giải thương mại giúp tạo dựng môi trường kinh doanh thân thiện, hiệu quả |
Chỉ 8% DN FDI sẵn sàng mang tranh chấp ra toà
Tại tờ trình về dự án luật, TAND tối cao cho biết, cơ quan này đã triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hoà giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Sau gần 10 tháng thực hiện đã thu được những kết quả tích cực.
Theo đó, các trung tâm hoà giải, đối thoại tại toà án của 16 tỉnh, thành phố đã hoà giải thành, đối thoại thành gần 37.000 vụ việc, trên tổng số gần 47.500 vụ việc được hoà giải, đối thoại, đạt tỷ lệ 78,08%. Tuy nhiên trong số các vụ việc hoà giải, đối thoại thành, số vụ việc về kinh doanh, thương mại chỉ đạt 39,43%, thấp hơn so với lĩnh vực hôn nhân gia đình, lao động, dân sự.
Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI cũng nêu ra thực trạng, điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm gần nhất cho thấy có 45% DN có tranh chấp cho biết sẵn sàng mang tranh chấp ra toà. Nhưng đó là với DN trong nước. Còn khi hỏi 2.000 DN có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam thì chỉ có 8% có câu trả lời tương tự.
Vì thế, nâng cao hiệu quả hoạt động của toà án, giảm chi phí giải quyết tranh chấp là vấn đề rất quan trọng để nâng cao uy tín, cải thiện chỉ số kinh doanh của DN nhằm tạo dựng môi trường kinh doanh thân thiện hiệu quả, thu hút NĐT nước ngoài.
Cũng theo ông Tuấn, 2 năm qua hệ thống toà án có bước chuyển rất mạnh mẽ như công khai các bản án, công bố án lệ... Việc ban hành Luật Hoà giải, đối thoại tại toà án sẽ khiến cho toà án trở nên thân thiện hơn, công lý được đảm bảo hơn. Tuy nhiên, theo ông Tuấn cần thảo luận kỹ về tác động của luật với tranh chấp thương mại, bởi tỷ lệ lớn trong tranh chấp hợp đồng chủ yếu do thiện ý thực thi chưa tốt, chính vì vậy hoà giải trong tranh chấp thương mại khác với các lĩnh vực khác.
Đại diện của TAND tối cao cũng chia sẻ thêm giải quyết tranh chấp bằng hòa giải, đối thoại là một phương thức ít tốn kém. Chi phí trung bình cho 1 vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành chỉ chiếm 22% chi phí cho xét xử sơ thẩm 1 vụ việc dân sự, hành chính (1,2 triệu đồng so với 5,5 triệu đồng). Đó là chưa kể nếu vụ việc phải qua xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm thì chi phí xét xử còn có thể tăng lên gấp hai, ba lần so với chi phí xét xử sơ thẩm.
Băn khoăn về giới hạn hành nghề
Một trong những vấn đề còn có ý kiến khác nhau được đại diện ban soạn thảo nêu ra là quy định về kinh phí hoà giải, đối thoại tại toà án. Quan điểm thứ nhất, cũng là quan điểm của cơ quan soạn thảo, cho rằng chưa thu phí mà nhà nước phải có trách nhiệm bảo đảm kinh phí.
Theo đó, TAND tối cao cho rằng Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm kinh phí cho hoạt động hòa giải, đối thoại, thể hiện qua việc không thu lệ phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Quy định như vậy thể hiện được bản chất ưu việt của chế độ, trách nhiệm của Nhà nước trong việc giải quyết những vấn đề bức xúc của xã hội; đồng thời, góp phần khuyến khích các bên sử dụng hòa giải, đối thoại để giải quyết tranh chấp, khiếu kiện, đặc biệt là khi phương thức này mới được áp dụng, cần có thời gian để đi vào cuộc sống.
Ở chiều ngược lại, quan điểm thứ hai đồng tình về việc cần có chính sách tài chính hỗ trợ, khuyến khích các bên lựa chọn hòa giải, đối thoại để giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, cũng cần quy định thu lệ phí đối với một số trường hợp cụ thể với mức hợp lý để chia sẻ gánh nặng với ngân sách Nhà nước. Vì vậy, cần quy định thu lệ phí đối với các trường hợp như pháp nhân nộp đơn khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp về dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính; cá nhân nộp đơn khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp về kinh doanh, thương mại.
Ông Nguyễn Đức Mạnh - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Bizlink cho rằng, nếu theo phương án thứ nhất, Nhà nước quy định mức thù lao cho hoà giải viên, đối thoại viên quá thấp có thể dẫn đến công tác hoà giải, đối thoại không được tốt bởi họ không mặn mà, quan tâm, nhiệt tình giải quyết vụ việc. Mặt khác, nếu Nhà nước trả mức thù lao cao thì có thể gây nên gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, không có đủ nguồn kinh phí dành cho những người làm công tác này.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền lại đặt ra băn khoăn về phương án thứ 2 liệu có gây ra phí chồng phí: “Nếu hoà giải không thành, khi trung tâm hoà giải tại toà đã thu phí, sau đó khi chuyển sang thụ lý cũng tại toà án đó lại thu thêm lần phí cho xét xử?”.
Vấn đề tiêu chuẩn bổ nhiệm hòa giải viên, đối thoại viên cũng đang giữa hai luồng tranh cãi. TAND tối cao cho rằng, ngoài đối tượng là người có chức danh tư pháp đã nghỉ hưu thì những người là luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác phải có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác mới có thể được xem xét bổ nhiệm làm hòa giải viên, đối thoại viên.
Tuy nhiên, quan điểm thứ hai cho rằng, đối với luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác, dự thảo luật chỉ cần quy định là có kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác của mình mà không cần giới hạn phải đủ 10 năm kinh nghiệm. Bởi lẽ, nhiều trường hợp luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn trẻ nhưng có năng lực, trình độ, kỹ năng hòa giải tốt. Quy định theo hướng này sẽ góp phần mở rộng nguồn bổ nhiệm hòa giải viên, đối thoại viên vốn đang vô cùng thấp so với nhu cầu thực tế.
“Hoà giải viên thương mại do tính chất nghề nghiệp đặc thù, nên không phải là nhân viên trong biên chế theo cách hiểu truyền thống của toà án. Do đó không nên có bất kỳ giới hạn hành nghề nào áp dụng cho hoà giải viên, đối thoại viên”, ông Nguyễn Mạnh Dũng, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam nêu quan điểm.