...

Giao thương quốc tế: Cẩn trọng với rủi ro

29 Tháng 10, 2019

Dự báo, sắp tới XNK của DN Việt có nhiều khởi sắc do nhiều hiệp định thương mại song phương, đa phương có hiệu lực. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, dù cơ hội mở ra cho DN XNK rất lớn nhưng cần đề phòng những rủi ro giao thương.

Giao thương quốc tế: Cẩn trọng với rủi ro

Gia tăng tranh chấp thương mại quốc tế

Ông Phạm Thiết Hòa - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến và Đầu tư TP.HCM khẳng định, xuất khẩu đang "được mùa" với nhiều hiệp định thương mại chờ đón DN. Ông Hòa lấy ví dụ, sau khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, chắc chắn xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng trưởng ở nhiều thị trường. Dự báo, tăng trưởng xuất khẩu ở một số thị trường sẽ chuyển động nhanh, từ 8,3% lên gần 11% do rất nhiều mặt hàng được một số nước trong nội khối giảm dần thuế suất nhập khẩu về 0%. Đánh giá cao cơ hội lớn đối với DN xuất khẩu, song ông Phạm Thiết Hòa cũng cảnh báo những rủi ro không đáng xảy ra trong giao thương đang rình rập DN. Thực tế, không ít DN "khóc dở mếu dở" với hợp đồng thương mại quốc tế. Bàn về vấn đề này, ông Châu Việt Bắc - Phó tổng thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế (VIAC) thông tin: "Vài năm gần đây, tranh chấp trong thương mại liên tục gia tăng khoảng 20 - 30%. Tranh chấp thương mại quốc tế cũng chiếm tỷ lệ khá cao". Thống kê cho thấy, năm 1993 có 6 vụ, năm 1998 là 18 vụ, năm 2008 có 56 vụ, đến năm 2018 có đến 128 vụ tranh chấp thương mại. Rõ ràng, càng hội nhập sâu rộng thì cơ hội càng nhiều, nhưng rủi ro cũng không ít. 

Từng giải quyết khá nhiều vụ tranh chấp thương mại quốc tế, ông Lê Nết - luật sư, thành viên Công ty Luật TNHH LNT & Thành viên, trọng tài viên VIAC dẫn chứng vài vụ việc: Có trường hợp DN Việt làm hợp đồng mua sắt thép ở Nga, đến khi nhận hàng mới phát hiện chất lượng thép không đạt chuẩn. Nhằm bảo vệ quyền lợi, DN Việt yêu cầu ngân hàng áp dụng biện pháp tạm thời ngưng thanh toán tín dụng thư cho bên bán hàng. 

Kết quả phán quyết của tòa án nước ngoài, DN Việt phải bồi thường hợp đồng đã ký với mức cao ngất ngưởng, 10 triệu USD trong khi khoản tiền tạm ngưng thanh toán chỉ 1 triệu USD. Lý giải mức bồi thường khủng trên, bên bán mặt hàng thép vin cớ, DN Việt không thanh toán tiền hàng buộc họ phải vay tiền ngân hàng để xoay vòng vốn, cho nên lãi mẹ đẻ lãi con. Thậm chí, có tình trạng DN Việt không tìm hiểu kỹ đối tác, vì vậy sau khi chuyển hàng nhưng nhà nhập khẩu ngoại không chịu thanh toán. Theo giới chuyên gia, không ít DN gặp phải đối tác không uy tín, không có thiện chí kinh doanh, cá biệt là những đối tác cố tình lừa đảo. 

Dễ bị "gài bẫy" hợp đồng

Bà Trần Xuân Chi Anh – đại diện Công ty Luật TNHH Rajah & Tann LCT cho rằng, từ trước đến nay, Việt Nam có mối giao thương thường xuyên với một số quốc gia như Singapore, Nhật Bản... Khi CPTPP có hiệu lực, mối quan hệ này lại càng chặt chẽ hơn, tỷ lệ xuất nhập khẩu cũng tăng dần. Việc xuất nhập khẩu được đẩy mạnh chắc chắn tỷ lệ thuận với sai sót, mâu thuẫn, tranh chấp ngày càng nhiều. Theo đó, ngành hàng được xác định thường phát sinh tranh chấp chiếm tỷ trọng lớn là dệt may, nông sản,... Đại diện VIAC cho biết, hiện có đến 60 quốc gia, vùng lãnh thổ có giải quyết tranh chấp tại VIAC. Giải quyết tranh chấp giữa đối tác ngoại với DN Việt Nam tại VIAC nhiều nhất là Singapore, tiếp đến là Nhật Bản. Thống kê chỉ rõ, tranh chấp tập trung chủ yếu là mua bán hàng hóa, chiếm tỷ lệ 41%. 

Để giao kết các hợp đồng kinh doanh quốc tế an toàn, DN cần hết sức chú trọng đến việc nhận diện và phân loại các rủi ro nhằm tránh gây tổn thất, thiệt hại. Thực tế cho thấy, đa phần DN chỉ lưu tâm đến các vấn đề về thương mại, như chất lượng, số lượng, thời gian giao,  nhận mà bỏ quên các yếu tố về pháp lý, điều khoản riêng, điều khoản chung nên DN dễ bị "cụt đường" khi phát sinh tranh chấp. "Trường hợp thứ nhất, DN nước ngoài làm hợp đồng cho DN Việt xem rồi ký. Thế nhưng, rất nhiều DN ký luôn không cần xem nội dung cụ thể, không cần biết nguy cơ có những câu từ dễ bị "sụp bẫy". Trường hợp thứ hai, DN Việt soạn thảo hợp đồng. Điều này, dễ dàng trong đàm phán cho DN Việt nhưng cũng trở ngại nếu đơn vị soạn thảo hợp đồng không am hiểu về luật, không có bộ phận pháp lý hỗ trợ" - ông Bắc nêu rõ. 

Mong muốn giúp DN hạn chế những rủi ro không đáng có trong xuất nhập khẩu, ông Châu Việt Bắc đề nghị, DN thận trọng với các điều khoản hợp đồng. "Hợp đồng làm không tốt không biết kiện ra cơ quan nào, tốn kém thời gian, chi phí thẩm định và khó khăn cả trong việc yêu cầu tòa hỗ trợ", đại diện VIAC lý giải.

Theo Luân Tâm/ Doanh nhân Sài Gòn/ 28-04-2019.

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI