...

Góp ý dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi): Chịu trách nhiệm đến cùng về kết luận thanh, kiểm tra thuế

29 Tháng 10, 2019

Góp ý cho dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), có ý kiến cho rằng, cần quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của từng cơ quan trong việc thanh tra, kiểm toán việc thực hiện nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp (DN).

Cán bộ Cục Thuế Hà Nội tư vấn làm thủ tục quyết toán thuế cho người nộp thuế.
Cán bộ Cục Thuế Hà Nội tư vấn làm thủ tục quyết toán thuế cho người nộp thuế. Ảnh: N.M

Khi các cơ quan thực hiện việc thanh tra, kiểm toán đối với người nộp thuế, thì phải chịu trách nhiệm đến cùng quyết định, kết luận mà mình đưa ra.

Cần đảm bảo nguyên tắc tuân thủ pháp luật về thuế 

Góp ý cho dự thảo luật, bà Nguyễn Thị Cúc - Trọng tài viên VIAC, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, trong hơn 45 năm làm trong lĩnh vực thuế, có những vụ việc đã tồn tại dai dẳng rất lâu vẫn chưa xử lý được liên quan đến Thanh tra Chính phủ (TTCP) và Kiểm toán Nhà nước (KTNN) về thuế. “Vừa qua KTNN đã kiểm toán việc thực hiện nghĩa vụ thuế của Tổng công ty bia rượu nước giải khát Sài Gòn  (Sabeco) và Công ty Unilever Việt Nam và yêu cầu truy thu hàng trăm tỷ đồng thuế, nhưng đến nay chưa thu được” - bà Cúc nói.

Cũng theo bà Cúc, trong thực tế, cơ quan KTNN kết luận 10 vụ, thì 8 vụ người nộp thuế kiện ra tòa. Kết quả là cơ quan thuế thua, phải trả toàn bộ án phí và trả lại tiền cho người nộp thuế. “Tiền thì có thể trả lại được, nhưng uy tín, thương hiệu của một DN bị cho là trốn thuế hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng thì xử lý như thế nào? Cho nên, chúng tôi mong muốn rằng, nếu thanh tra việc thực hiện nghĩa vụ thuế của DN, thì TTCP, KTNN với chức năng của mình, khi thực hiện thanh tra, kiểm toán phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về quản lý thuế” - bà Cúc nói.

Bà Cúc kiến nghị, cần quy định rõ trong luật là nếu cơ quan nào sai thì phải chịu trách nhiệm về quyết định, kết luận của mình. “Không thể cứ có kết luận yêu cầu cơ quan thuế thu, còn không thu được thì cơ quan thuế phải chịu trách nhiệm. Tôi đề nghị trong dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi cần quy định rõ trường hợp, nếu TTCP, KTNN trực tiếp thanh tra, kiểm toán tại DN thì phải chịu trách nhiệm đến cùng quyết định, kết luận của mình” - bà Cúc nói.

Cũng góp ý về vấn đề này, bà Hương Vũ - Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam cho biết, trong thực tế, khi cơ quan KTNN thực hiện kiểm toán nghĩa vụ thuế của DN, nhưng bị DN không đồng ý với kết luận kiểm toán và đưa ra tòa, phần nhiều người nộp thuế thắng trong những vụ kiện này. Vì thế bà Hương Vũ kiến nghị, trong Điều 21 của dự thảo, nên xem xét quy định theo hướng thanh tra, KTNN thực hiện thanh tra, kiểm toán các cơ quan thuế, trong quá trình thanh tra có liên quan đến người nộp thuế, thì có quyền yêu cầu cơ quan thuế phải rà soát lại vấn đề nộp thuế của người nộp thuế theo pháp luật về thuế. “Tôi đề nghị phải có thêm câu: theo pháp luật về thuế” - bà Hương Vũ nói.

Bình đẳng trước pháp luật về trách nhiệm, nghĩa vụ

Cũng liên quan đến trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan trong thanh tra thuế, bà Nguyễn Thị Cúc cho rằng, trường hợp cơ quan KTNN không trực tiếp kiểm toán DN, mà tiến hành kiểm toán cơ quan thuế, thông qua đó phát hiện người nộp thuế khai thiếu, thì phải chuyển trích lục đó cho cơ quan thuế. Cơ quan thuế phải giải trình, tiếp thu và căn cứ vào quy định của pháp luật về thuế để tính thuế, chứ không thể theo kết luận của cơ quan KTNN. Có như vậy mới đảm bảo sự bình đẳng, công bằng trước pháp luật.

Góp ý thêm về vấn đề này, ông Bùi Ngọc Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Deloitte Việt Nam cho rằng, cơ quan quản lý thuế là đơn vị thuộc Bộ Tài chính, được thành lập thay mặt Chính phủ để thực hiện các công việc liên quan đến quản lý thuế. Do đó, khi cơ quan KTNN thực hiện kiểm toán các DN theo Luật KTNN, sau khi kiểm toán, nếu có phát sinh thêm nghĩa vụ thuế phải nộp, thì đề nghị ghi rõ trong luật là cơ quan KTNN chỉ nên đưa ra kiến nghị cho cơ quan quản lý thuế trực tiếp đơn vị đó để thực hiện các chức năng quản lý thuế có thể truy thu, hoặc thanh tra lại.

Liên quan đến quy định về quản lý thuế với các giao dịch liên kết, bà Hương Vũ cho biết, trong quá trình làm tư vấn cho các DN nước ngoài, rất nhiều DN mong muốn thỏa thuận giá trước để tránh gây nên vấn đề chuyển giá, tuy nhiên hiện nay cơ quan thuế chưa thực hiện phương thức này.

“Trong dự thảo luật lần này thì lại quy định, việc áp dụng cơ chế thỏa thuận giá trước, phương pháp xác định giá tính thuế phải được sự phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ trước khi thực hiện. Khi chúng tôi khảo sát tại các nước trên thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc, Indonesia… thì thẩm quyền này thường là do cơ quan thuế thực hiện. Vì thế, tôi cho rằng, Tổng cục Thuế cần tham mưu Bộ Tài chính có cơ chế để thực hiện nhanh hơn” - bà Hương Vũ nói. 

Theo Nhật Minh/ Thời báo Tài chính Việt Nam/ 17-05-2019.

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI