Tranh chấp trong lĩnh vực xây dựng vô cùng phức tạp, kéo dài, tổn hại lớn cho nền kinh tế. Chỉ cần vụ tranh chấp vài trăm triệu USD đã làm cho mạch vốn lưu thông, chuyển hóa từ vốn sang hạ tầng và từ hạ tầng sang vốn bị đình trệ… Trước bối cảnh đó, GS.TS. Lê Hồng Hạnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đưa ra khuyến nghị cho doanh nghiệp nhằm phòng ngừa rủi ro trong biên soạn, thương thảo và quản lý hợp đồng xây dựng.
Giải phóng mặt bằng khó khăn khiến tranh chấp hợp đồng xây dựng gia tăng.
Phát biểu tại hội thảo “Phòng ngừa rủi ro trong biên soạn, thương thảo và quản lý hợp đồng xây dựng" GS.TS. Lê Hồng Hạnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết tại VIAC mỗi năm có khoảng 20% các vụ việc là các vụ việc phát sinh trong hoạt động xây dựng, bao gồm các tranh chấp liên quan đến cơ sở hạ tầng và đầu tư, chiếm hơn 90% tổng giá trị tranh chấp hàng năm.
LUÔN TIỀM ẨN RỦI RO PHÁP LÝ
Theo ước tính của FiinRatings, Việt Nam cần ít nhất 25 - 30 tỷ USD hàng năm để đầu tư cơ sở hạ tầng trong 10 năm tới, tương đương gần 600 tỷ USD cho đến năm 2040. Như vậy, hoạt động của các doanh xây dựng sẽ rất sôi động trong những năm tới.
Tuy nhiên, hoạt động xây dựng luôn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, đặc biệt rủi ro pháp lý. TS. Phạm Văn Khánh, Viện trưởng Viện Kinh tế và Hợp đồng xây dựng, cho biết ở khâu nào của hoạt động xây dựng cũng tiềm ẩn rủi ro.
Bao gồm rủi ro trước đấu thầu, như: rủi ro của chủ đầu tư (uy tín của chủ đầu tư, khả năng cấp vốn dự án; lịch sử thanh toán cho nhà thầu); một số yêu cầu của Hợp đồng (yêu cầu giữ lại tiền, yêu cầu bảo hành); rủi ro về giá (giá vật liệu, thiết bị cao); rủi ro về thời gian; rủi ro về lao động; rủi ro về địa điểm; rủi ro chuẩn bị dự toán.
Ngoài ra là rủi ro thiết kế, rủi ro khi thi công, rủi ro do sự thay đổi của pháp luật (rất quan trọng, thường khó kiểm soát, nhất là dự án công, quyết định đột xuất của chính quyền…), rủi ro về tài chính ( tình hình kinh tế đi xuống, khách hàng thiếu tiền; tăng lãi suất; tình hình tài chính/phá sản của nhà cung cấp/nhà thầu); rủi ro môi trường (các giấy phép và phê duyệt về môi trường, chính sách về môi trường).
Cố vấn cao cấp công ty Luật TNHH Global Vietnam Lawyers Lương Văn Lý cũng cho rằng dự án xây dựng đi đôi với nhiều rủi ro, trong đó có những điều kiện không lường trước về địa chất và thời tiết, tai nạn công nghiệp, biến đổi trong giá cả vật tư và giá trị đồng tiền, rủi ro chính trị (như biểu tình chính trị, can thiệp của nhà nước và đình công), rủi ro pháp lý như thay đổi pháp luật hay không xin được các loại giấy phép; dịch bệnh...
Theo ông Nguyễn Bá Sơn, Phó trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, trước đây với các dự án xây dựng trong nước, thì tranh chấp không nhiều. Tuy nhiên, 10 năm trở lại đây khi thực hiện nhiều dự án lớn, phức tạp, có sự tham gia của các nhà thầu nước ngoài thì tranh chấp hợp đồng tăng lên rất nhiều.
GS.TS. Lê Hồng Hạnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phát biểu tại hội thảo.
Nguyên nhân do chậm trễ bàn giao mặt bằng. Trong hợp đồng đặc biệt các hợp đồng quốc tế quy định rất rõ thời gian bàn giao mặt bằng, thông thường 30 ngày sau khi hợp đồng có hiệu lực là phải bàn giao toàn bộ mặt bằng cho nhà thầu thi công. Nhưng chúng ta thường chậm trong khâu này do giải phóng mặt bằng rất khó, lại phụ thuộc vào nhiều vấn đề như quy định pháp luật, chính sách đền bù, sự chấp hành của người dân cũng như cơ quan thực hiện.
Hơn nữa, các ban quản lý dự án là chủ đầu tư lại quản lý những dự án chính còn phần giải phóng mặt bằng do địa phương thực hiện. Điều này hay xảy ra và dẫn tới tranh chấp với nhà thầu do kéo dài thời gian thực hiện và phát sinh chi phí.
Bên cạnh đó, chậm thanh toán cũng là một vướng mắc. Chậm thanh toán đến từ nhiều nguyên nhân do khâu thủ tục của chúng ta phải kiểm duyệt qua nhiều bước hoặc do nguồn vốn không được bố trí đầy đủ.
Mặt khác, chậm giải phóng mặt bằng nên lại cần làm các thủ tục để điều chỉnh dự án đó. Khi điều chỉnh, pháp lý chưa hoàn thiện thì việc gia hạn hợp đồng và để thanh toán cho các nhà thầu cũng hết sức khó khăn và vướng mắc. Những điều này làm gia tăng sự khiếu nại của nhà thầu và chủ đầu tư.
NHẬN THỨC ĐẦY ĐỦ RỦI RO TRONG TỪNG KHÂU
Theo Chủ tịch VIAC, thông thường những rủi ro kinh tế có thể kiểm soát được ở khía cạnh nào đó, còn rủi ro pháp lý khi không giải quyết được sẽ dẫn tới tranh chấp. Những rủi ro như vậy nếu không nhận diện được ngay từ khi ký hợp đồng hay khi triển khai dự án, không kiểm soát được thì tranh chấp sẽ diễn ra.
Lĩnh vực xây dựng rất phức tạp, liên quan tới nhiều lợi ích, nhiều chủ thể như chủ đầu tư, người dân, Nhà nước, nhà thầu… Khi công trình vi phạm về tiến độ xây dựng, chất lượng… sẽ đối mặt với nhiều thách thức về mặt pháp luật. Nếu các chủ thể không tìm được tiếng nói chung, không giải quyết được thì xảy ra tranh chấp, ra toà án hoặc trọng tài.
Hội thảo thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp, luật sư...
Tranh chấp trong lĩnh vực xây dựng vô cùng phức tạp, kéo dài, tổn hại lớn cho nền kinh tế. Chỉ cần vụ tranh chấp vài trăm triệu USD đã làm cho mạch vốn lưu thông - chuyển hóa từ vốn sang hạ tầng và từ hạ tầng sang vốn sẽ bị đình trệ. Vì vậy, việc giải quyết tốt tranh chấp trong lĩnh vực xây dựng có ý nghĩa quan trọng, không chỉ thúc đẩy sự phát triển kinh tế mà còn làm cho doanh nghiệp yên tâm hơn trong hoạt động kinh doanh của mình.
Ông Lương Văn Lý cho rằng chủ đầu tư và nhà thầu, các bên của một hợp đồng xây dựng, đều là doanh nhân. Thời gian và tiền bạc đều là tài sản rất quý đối với doanh nhân. Mỗi tranh chấp xây dựng đều là một sự lãng phí rất lớn về thời gian và tiền bạc do tính chất phức tạp của tranh chấp.
Do đó, quản trị rủi ro có tính quyết định đối với sự thành công của các dự án xây dựng. Để quản trị rủi ro, công cụ đầu tiên và hiệu quả nhất là hợp đồng. Mỗi bên của hợp đồng cần phải nhận thức đầy đủ những rủi ro hiện hữu ở từng giai đoạn của quá trình xây dựng. Hợp đồng cũng cần phải rõ ràng, càng rõ ràng, cụ thể và minh bạch thì càng tốt.
“Phần lớn những rủi ro xảy ra trong xây dựng là do yếu tố bất ngờ, không dự đoán trước. Như vậy, cách tránh rủi ro hiệu quả là giảm nhẹ yếu tố bất ngờ, tạo điều kiện tốt nhất có thể để các bên giành lại quyền chủ động trước những sự cố không lường trước. Các quy định về thông báo, cảnh báo trước và thời hạn trong mẫu hợp đồng, nếu được thực hiện nghiêm túc, chính là biện pháp ban đầu để đạt mục đích này”, ông Lý nhận định.
Để hạn chế tranh chấp, nhiều ý kiến đồng tình, cần tìm hiểu kỹ về dự án, hồ sơ mời thầu, điều kiện hợp đồng để khi biết tham gia vào dự án đó có lợi gì, rủi ro gì…
Theo ông Nguyễn Nam Trung, Chủ tịch Hội Pháp luật Xây dựng Việt Nam, hợp đồng xây dựng không chỉ là giao kết pháp lý, mà còn là công cụ đảm bảo sự công bằng trong việc phân bổ rủi ro cho các bên tham gia. Nên những người tham gia biên soạn, thương thảo hợp đồng và quản lý nên trang bị cho mình những kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn.
Lưu ý thêm, với các dự án sử dụng vốn ODA những thách thức khác với dự án có nguồn vốn trong nước. Đó là phải tuân thủ các hướng dẫn của các nhà tài trợ, phải áp dụng các mẫu hợp đồng do nhà tài trợ yêu cầu. Các hướng dẫn này có sự khác biệt so với quy định pháp luật của Việt Nam. Nên trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư dự án gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi người quản lý, chủ đầu tư phải có đủ năng lực, kinh nghiệm để giải quyết những vấn đề này.
Vì vậy ông Nguyễn Bá Sơn khuyến nghị, bên cạnh xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp, cần bổ sung gói thầu tư vấn pháp lý giúp bảo vệ chủ đầu tư, giúp xử lý tình huống liên quan tới tranh chấp.
Theo Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy, đăng ngày 12/10/2024