...

Hỗ trợ doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro khi xuất khẩu

29 Tháng 10, 2019

Doanh nghiệp muốn xuất khẩu thành công, giảm thiểu rủi ro cần chú ý 5 vấn đề chính như: lộ trình cắt giảm thuế, các rào cản phi thuế quan, quy tắc xuất xứ, sở hữu trí tuệ, mua sắm công.

Đó là nhận định của ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) tại Diễn đàn xuất khẩu 2019 với chủ đề “Nâng cao hiệu quả xuất khẩu trong bối cảnh hội nhập và xu hướng kinh tế số” tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 27/8.

Quan tâm năm vấn đề

Chú thích ảnh

                    Các đại biểu tham gia diễn đàn đã chia sẻ kinh nghiệm khi xuất khẩu hàng hóa đi các nước.

Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc ITPC cho biết, doanh nghiệp nhỏ và vừa đang chiếm trên 96% tổng số lượng doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh và 80% của các nước. Đây là các doanh nghiệp có nguồn vốn và công nghệ còn hạn chế, do đó chính quyền cần hỗ trợ đối tượng này, đặc biệt là trong hoạt động hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu sản phẩm đi các nước.

“Hiện nay, hai thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam là Trung Quốc và Hoa Kỳ nhưng hai thị trường này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cụ thể là Hoa Kỳ, hằng năm, nhiều lô hàng nhập khẩu của Việt Nam bị đối tác khởi kiện hoặc áp dụng lệnh buộc phải thu hồi khỏi thị trường Hoa Kỳ do chưa đảm bảo những yêu cầu. Trong quá khứ, chúng ta đã từng bị kiện chống bán phá giá cá da trơn, tôm, thép… Mới đây nhất là Hoa Kỳ đang xem xét khởi kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với gạo Việt Nam. Hoặc như thị trường Trung Quốc là thị trường láng giềng, do gần nhau về địa lý nên hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu theo đường tiểu ngạch. Vì xuất khẩu theo đường tiểu ngạch nên chất lượng hàng hóa không đảm bảo và số lượng đơn hàng cũng không được ổn định. Do đó, khi xuất khẩu bản thân các doanh nghiệp cũng cần lưu ý năm vấn đề quan trọng để nắm lấy cơ hội và phòng tránh rủi ro như: lộ trình cắt giảm thuế, các rào cản phi thuế quan, quy tắc xuất xứ, sở hữu trí tuệ, mua sắm công”, ông Hòa nói.

Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc thương mại Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, doanh nghiệp muốn xuất khẩu thành công cần hiểu luật của các thị trường mình đang hướng đến, ví dụ xuất khẩu thực phẩm sang Mỹ, doanh nghiệp phải biết Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm, các quy định của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ… Xuất khẩu sang Nhật, trước tiên doanh phải tuân thủ chặt chẽ các luật lệ và quy định của Việt Nam như: vấn đề về lao động trẻ em, lao động cưỡng bức, tiền lương và lợi ích của người lao động…

Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đang có nhiều cơ hội xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ đi các nước. Bởi Việt Nam đã và đang ký kết các hiệp định thương mại như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á Âu, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU; các thị trường Việt Nam ký kết các FTA song phương như Nhật Bản, Hàn Quốc, Chile..; các thị trường Việt Nam đang đàm phán FTA như Khối thương mại tự do Châu Âu (EFTA) gồm Thụy Sĩ, Nauy, Iceland, Liechtenstein; Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) gồm ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, New Zealand; và Israel.

Tận dụng công nghệ số

Chia sẻ về tiềm năng phát kinh tế số ở Việt Nam, ông Phạm Thiết Hòa nhận định, Việt Nam có tốc độ phát triển kinh tế số khá mạnh  trong khu vực ASEAN, xu hướng số hóa ở nhiều lĩnh vực, tỷ lệ người sử dụng Internet cao, thương mại điện tử đang phát triển nhanh. Việt Nam vào top 3 thị trường thương mại điện tử (TMĐT) tăng trưởng nhanh nhất thế giới, sau Thái Lan và Malaysia; đang có những điều kiện rất tốt cho sự phát triển của nền kinh tế số. Hiện nay, người tiêu dùng kết nối nhiều hơn, đặc biệt thông qua thiết bị di động giúp việc mua sắm xuyên quốc gia trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Do đó, doanh nghiệp cũng cần chú trọng vào phát triển công nghệ số.

Chú thích ảnh

Doanh nghiệp muốn có hàng hóa chất lượng đi xuất khẩu cần nâng cao tay nghề và năng suất cho người lao động trong nước.

Theo ông Châu Việt Bắc, Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) xu hướng giao dịch qua mạng đang là phương thức giao dịch phổ biến trong bối cảnh kinh tế số. Cụ thể việc trao đổi giấy tờ được chuyển từ bản giấy sang email; thanh toán thông qua công cụ điện tử; giao dịch từ xa thông qua hợp đồng điện tử… Hiện nay, nếu xét về quy mô doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) có tỷ lệ trên 50% lao động sử dụng email cao hơn nhóm doanh nghiệp lớn. Mục đích chính sử dụng email trong doanh nghiệp vẫn là dùng để giao dịch với khách hàng và nhà cung cấp (74%).

Ông Châu Việt Bắc cho biết, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin và đặc biệt là mạng internet, các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang sử dụng internet rất nhiều và phổ biến để giao kết hợp đồng, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại quốc tế. Thống kê của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) năm 2018, đã có 28% số doanh nghiệp tại Việt Nam sử dụng hợp đồng điện tử.

“Vì xu hướng số đang phát triển nên việc giải quyết tranh chấp thương mại cũng có sự thay đổi và hướng đến giải quyết tranh chấp bằng trực tuyến. Theo đó, phương thức giải quyết tranh chấp thay thế gồm 4 phương thức: thương lượng trực tuyến (online negotiation); hòa giải trực tuyến (online mediation); trọng tài trực tuyến (online arbitration); các phương thức hỗn hợp khác. Ngoài ra, khi thanh toán trực tuyến, doanh nghiệp cần thiết lập các khung rủi ro khi xuất khẩu để có phương án dự phòng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm tránh bị động khi hàng hóa gặp trục trặc khi thanh toán. Đặc biệt, doanh nghiệp muốn khẳng định vị trí, bán được sản phẩm thì phải tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo nhưng vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm thì mới có thể tăng sản lượng hàng xuất khẩu ”, ông Châu Việt Bắc cho biết thêm.

Theo Hoàng Tuyết, Báo Tin tức, 27.08.2019.

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI