1. Tổng quan về các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án tại Việt Nam
Hiện nay, tại Việt Nam tồn tại 4 phương thức giải quyết tranh chấp bao gồm: Thương lượng, Hòa giải, Trọng Tài, Tòa án. Trong đó, phương thức thương lượng, hòa giải, trọng tài là các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án hay còn gọi là phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (Alternative dispute resolution – ADR). Qua số liệu thống kê khảo sát của Bộ Tư Pháp, phương thức giải quyết tranh chấp mà các doanh nghiệp, cá nhân ưu tiên sử dụng lần lượt là thương lượng (57,8%), Toà án (46,8%), hoà giải (22,8%) và cuối cùng là trọng tài (16,9%). Thương lượng là phương thức được lựa chọn nhiều nhất do đây là giải pháp mở đầu quen thuộc của nội bộ hai bên để giải quyết tranh chấp trước khi đưa tranh chấp ra cơ quan tài phán. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thương lượng của hai bên khó đạt được do nguyên nhân xảy ra tranh chấp chủ yếu là sự vi phạm nghĩa vụ của một bên mà bên còn lại khó có thể chấp nhận được dẫn đến tranh chấp, các bên trong quan hệ tranh chấp khó có thể bình tĩnh xem xét các vấn đề một cách khách quan. Thương lượng muốn thành công phụ thuộc phần lớn vào thiện chí của các bên, sự thông cảm, mong muốn cùng tiếp tục hợp tác trong tương lai. Bên cạnh đó, biện pháp thương lượng không có cơ chế để ràng buộc các bên thi hành sau khi đạt được thỏa thuận, dẫn đến sau đó các bên tiếp tục mang tranh chấp ra giải quyết tại tòa án hoặc trọng tài. Phương thức hòa giải hiện này chưa được các doanh nghiệp biết tới nhiều và sự tin tưởng đối với phương thức này còn thấp, họ thường có xu hướng lựa chọn phương thức chắc chắn hơn như Tòa án và Trọng tài. Chính những điều này, cộng thêm các cá nhân doanh nghiệp, phần lớn chỉ biết đến Tòa án là cơ quan giải quyết tranh chấp dẫn đến tỷ lệ ưu tiên cao cho Tòa án. Gần đây, sự phát triển của hoạt động Trọng tài đã giảm nhẹ đáng kể gánh nặng về số lượng vụ kiện cho tòa án.
2. Hòa giải thương mại tại Việt Nam
Cho đến nay phương thức giải quyết tranh chấp bằng hòa giải chưa được nhiều doanh nghiệp chú ý đến đúng với tiềm năng phát triển của nó. Lý do là các thông tin về hòa giải còn hạn chế, các doanh nghiệp không có một cái nhìn toàn diện và cho rằng hòa giải không có quy định và cơ chế ràng buộc thi hành đối với các bên. Hiện này hành lang pháp lý cho phương thức hòa giải thương mại đã khá đầy đủ, đặc biệt Chính Phủ đã ban hành Nghị Định 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại quy định chi tiết về nguyên tắc hòa giải, trình tự thủ tục hòa giải, tiêu chuẩn hòa giải viên, thành lập và hoạt động của tổ chức hòa giải thương mại. Nghị định này đã quy định một cách toàn diện cho phương thức hòa giải.
Bên cạnh đó, Bộ luật tố tụng dân sự 2015 đã rất chú trọng đến hòa giải khi dành riêng một chương XXXIII quy định Thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án. Như vậy, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể tin tưởng, lựa chọn phương thức hòa giải để giải quyết tranh chấp của mình. Phương thức hòa giải mang lại cho doanh nghiệp rất nhiều ưu điểm có thể kể đến như: tiết kiệm thời gian, chi phí tố tụng, tính bảo mật, các bên tự mình chủ động để đưa ra kết quả giải quyết, không gây ảnh hưởng xấu và giữ được mối quan hệ với đối tác. Đặc biệt, khi lựa chọn phương thức hòa giải, nếu các bên không đạt được thỏa thuận, các bên hoàn toàn có thể lựa chọn đưa tranh chấp ra tòa án hay trọng tài mà không bị giới hạn.
Tại Việt Nam, Phương thức hòa giải thương mại được thực hiện theo hai cơ chế:
1. Các bên gửi yêu cầu hòa giải đến một trung tâm hoà giải như trung tâm hòa giải Việt Nam (VMC). Dưới đây là một ví dụ về Điều khoản Hoà giải mẫu của VMC1:
"Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết bằng hoà giải tại Trung tâm Hoà giải Việt Nam (VMC) thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam theo Quy tắc hòa giải của Trung tâm này.”
Đối với cơ chế này, các bên đồng ý đưa tranh chấp ra giải quyết theo thủ tục hoà giải của VMC. Nếu các bên hòa giải thành, VMC sẽ đưa ra “Văn bản về kết quả hoà giải thành”, nếu hòa giải không thành, VMC sẽ đưa ra văn bản chấm dứt thủ tục tố tụng hòa giải. Nếu các bên muốn giải quyết bằng trọng tài thì phải gửi một đơn khởi kiện đến VIAC. Sơ đồ quy trình hoà giải tại VMC như sau (nguồn: Báo cáo VMC 2019):
2. Các bên gửi đơn khởi kiện đến trung tâm trọng tài, trong quá trình tố tụng trọng tài, các bên có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài tiến hành hòa giải2. Đối với cơ chế này, các bên ban đầu không có thỏa thuận sử dụng phương thức hòa giải. Cho tới khi có sự yêu cầu của các bên, Hội đồng trọng tài đã được chỉ định để giải quyết vụ kiện trọng tài là người tiến hành hòa giải.
Phù hợp với xu hướng liên thông giữa trọng tài – hoà giải (xem mục B nêu trên) VIAC và VMC hiện đang tiến hành xây dựng mô hình liên thông Trọng tài – hoà giải – trọng tài (“VIAC-VMC Protocol”) nhằm kết hợp hiệu quả và lợi ích của cả hai phương thức này. Đây là mô hình hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển của hoà giải quốc tế. Mô hình hiện đang được đưa ra bàn thảo, xem xét trong nhóm các chuyên gia và hoà giải viên của VMC, với hi vọng sớm có thể đưa vào áp dụng tại Việt Nam.
Quy trình liên thông Trọng tài – Hoà giải – Trọng tài được áp dụng với điều khoản tham khảo và sơ đồ như sau (nguồn: Báo cáo VMC 2019):
“...Các bên còn thỏa thuận thêm rằng, sau khi bắt đầu tố tụng trọng tài, các bên sẽ nỗ lực một cách thiện chí giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải tại Trung tâm Hòa giải Việt nam theo cơ chế liên thông giữa Trọng tài - Hòa giải - Trọng tài của VIAC và VMC có hiệu lực tại thời điểm đó. Bất cứ giải pháp hòa giải nào đạt được trong thủ tục hòa giải sẽ được chuyển tới một hội đồng trọng tài có thẩm quyền của VIAC và có thể được ghi nhận bằng Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành.”
3. Một số đề xuất về phương hướng phát triển cho hòa giải thương mại tại Việt Nam
Có thể nói chỉ với số lượng khoảng 6 trung tâm hoà giải thương mại ra đời theo Nghị định 22, mỗi trung tâm còn rất ít vụ việc hoà giải (ví dụ VMC trong năm đầu tiên hoạt động đã có 05 vụ hoà giải) thì tiềm năng phát triển của loại hình giải quyết tranh chấp thương mại này còn rất lớn. Điều quan trọng là các hoạt động này sớm nhận được sự quan tâm và thúc đẩy phát triển của tất cả các thành phần tham gia, trong đó bao gồm nhà nước, các trung tâm hoà giải, các hoà giải viên, các doanh nghiệp và các tổ chức ngành nghề có liên quan đến hoạt động thương mại và giải quyết tranh chấp thương mại.Việt Nam là đất nước có nền tảng hoà giải cơ sở có lịch sử lâu đời (grass-root mediation) và có rất nhiều tiềm năng phát triển các hoạt động hoà giải thương mại. Để đón nhận xu thế phát triển mới của hoà giải trên thế giới nhằm thúc đẩy hoạt động này, tác giả đề xuất một số biện pháp sau dành cho các cơ quan chính sách, các trung tâm hoà giải thương mại, và các nhà hoạt động về hoà giải tại Việt Nam:
- Đẩy mạnh hoạt động đào tạo về hoà giải và cấp chứng chỉ, sớm thành lập Viện hoà giải quốc tế Việt Nam nhằm chuẩn hoá các hoạt động đào tạo về hoà giải tại Việt Nam, hợp tác liên thông với các tổ chức quốc tế về đào tạo hoà giải như CEDR, CIArb, SIMI, HKMIDI, nhằm cung cấp một hạ tầng cơ sở chung và liên thông cho các hoà giải viên độc lập, hoà giải viên tại các trung tâm hoà giải của Việt Nam đào tạo, rèn luyện kỹ năng và giao lưu chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn với các đồng nghiệp trong cùng hệ thống.
- Tăng cường quảng bá, giới thiệu về các lợi ích của hình thức giải quyết tranh chấp bằng hoà giải đối với các giới luật sư, trọng tài viên, doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề và các thành phần khác tham gia và có liên quan tới hoạt động giải quyết tranh chấp thương mại như toà án, thẩm phán, cơ quan lập pháp.
- Tập hợp các nhà nghiên cứu và chuyên gia về hoà giải tại Việt Nam, tiến hành nghiên cứu và đánh giá các tác động của việc Việt Nam gia nhập/ký kết Công ước Singapore, nghiên cứu các quy định nhằm hài hoà hoá pháp luật Việt Nam và quốc tế về vấn đề hoà giải.
- Nhanh chóng tiến hành đưa vào thử nghiệm mô hình mới liên thông giữa hoà giải và trọng tài (arb-med-arb) và chỉnh sửa hoàn thiện mô hình căn cứ trên thực tiễn áp dụng, tạo thêm cơ chế mới thuận lợi giúp các doanh nghiệp, người sử dụng hoà giải có thêm lựa chọn và tin tưởng hơn vào dịch vụ này.
- Đầu tư áp dụng công nghệ hạ tầng ODR vào hoạt động hoà giải điện tử, kết hợp với trọng tài điện tử để đem lại lựa chọn ưu việt, nhanh và chi phí thấp cho việc giải quyết các tranh chấp có giá trị nhỏ, đặc biệt là các giao dịch có nguồn gốc điện tử và các giao dịch B2B và B2C thông qua mạng xã hội.
Luật sư sáng lập EP Legal Hòa giải viên VMC Trọng tài viên VIAC Tony Nguyen được biết đến là một luật sư trẻ thành công với nhiều thành tựu nổi bật trong hoạt động nghề nghiệp về trọng tài và hòa giải. Ông nhận chứng chỉ Trọng tài viên quốc tế, hòa giải viên quốc tế và là người đầu tiên tại Việt Nam nhận chứng chỉ cao nhất của Viện Trọng tài London (FCIArb) |
-------------------------------------------------------------------------
1. Quy tắc hòa giải của Trung tâm Hoà giải Việt Nam thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam https://drive.google.com/file/d/1ed9Z8ak2Xe7O98l7u_rD-4L55pkx35ok/view
2. Điều 29 Hòa giải Theo yêu cầu của các bên, Hội đồng Trọng tài tiến hành hòa giải. Biên bản hòa giải thành phải được lập trong trường hợp hòa giải thành. Biên bản hòa giải thành phải có chữ ký của các bên và chữ ký của các Trọng tài viên hoặc Trọng tài viên duy nhất. Trong trường hợp này, Hội đồng Trọng tài ra Quyết định công nhận hòa giải thành. Quyết định công nhận hòa giải thành của Hội đồng Trọng tài có hiệu lực như Phán quyết trọng tài.