...

Hoàn thiện chính sách để tận dụng cơ hội khi tham gia Hiệp định CPTPP

30 Tháng 10, 2019

Chuẩn bị về nguồn nhân lực, thực hiện các chính sách pháp luật và thay đổi tư duy kinh doanh nhằm tận dụng các cơ hội khi tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Đây là nội dung chính được các diễn giả và đại biểu trao đổi tại Hội nghị khoa học kinh tế trẻ với chủ đề “Đánh giá tác động của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương đến lực lượng lao động trẻ và nền kinh tế Việt Nam” do Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ phối hợp với Trường Đại học Mở TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/1. Chú thích ảnh

Tiến sĩ Phạm Văn Chắt, Giảng viên cao cấp, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam trình bày tại hội nghị.

Hoàn thiện chính sách

Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam cho biết, đặc điểm chính của CPTPP là giúp các quốc gia tiếp cận thị trường một cách toàn diện. CPTPP giải quyết các thách thức mới đối với thương mại, bao hàm toàn bộ các yếu tố liên quan đến thương mại và là nền tảng cho hội nhập khu vực. CPTPP còn tạo ra mô hình mới về hợp tác kinh tế ở trình độ tự do cao; tạo môi trường thuận lợi tối đa có thể cho thương mại và đầu tư  giữa các thành viên; giải quyết bế tắc của vòng đàm phán Doha về nông nghiệp và thống nhất các quy tắc áp dụng trong hoạt động và quan hệ thương mại khối trên mọi lĩnh vực.

Theo ông Huỳnh Thế Du, CPTPP tạo động lực thúc đẩy Việt Nam hoàn thiện luật pháp, cơ chế chính sách quản lý, điều hành, thực thi có hiệu quả các thỏa thuận, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế; hoàn thiện, nâng cao năng lực bộ máy quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương trên nguyên tắc kiến tạo, lấy doanh nghiệp, hợp tác xã và công dân là đối tượng phục vụ; đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng tiềm năng, truyền thống của Việt Nam ra thế giới do được giảm thuế nhập khẩu từ các nước và tự do hóa thương mại ngày càng cao.

Bên cạnh đó, CPTPP giúp Việt Nam mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng và sự đóng góp của ngành dịch vụ, đặc biệt là viễn thông, du lịch, logistics, tài chính; có nhiều cơ hội trong tiếp nhận đầu tư về vốn, công nghệ, đặc biệt thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 thông qua đầu tư nước ngoài (FDI); sử dụng có hiệu quả nguồn lực của đất nước, đặc biệt nâng cao trình độ, kỹ năng và năng suất của người lao động Việt Nam, thực hiện đúng cam kết thực thi của Việt Nam với Tuyên bố 1998 của Tổ chức Lao động quốc tế.

Chia sẻ về chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo Hiệp định CPTPP, bà Nguyễn Thuỳ Dương, Khoa Pháp luật Quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, hình thức tự chứng nhận xuất xứ được quy định tại Hiệp định là một hệ thống có phạm vi mở rộng nhất, cho phép cả nhà sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu được tự chứng nhận xuất xứ hàng hoá. Đây là sự khác biệt lớn so với hình thức tự chứng nhận xuất xứ mà Việt Nam đang áp dụng trong chương trình thí điểm khi chỉ cho phép nhà sản xuất được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp phép tự chứng nhận xuất xứ hàng hoá.

Theo bà Nguyễn Thuỳ Dương, Việt Nam cần phải xây dựng các quy định chặt chẽ trong hệ thống pháp luật để bảo đảm thực hiện cơ chế xác minh xuất xứ một cách bảo đảm, giúp phát hiện được các gian lận về thuế quan khi hàng hoá được nhập khẩu vào tránh gian lận về thuế quan dẫn tới thất thu ngân sách nhà nước. Mặt khác, không chỉ cần xây dựng hệ thống các quy định phù hợp, Chính phủ Việt Nam còn phải đảm bảo một môi trường pháp lý rõ ràng, minh bạch về thủ tục, nghĩa vụ các chủ thể liên quan.

Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam có khoảng thời gian là 10 năm để xây dựng hệ thống pháp lý và cơ chế thực thi cho việc tự chứng nhận xuất xứ theo Hiệp định CPTPP. Tuy nhiên, các Bộ, ngành cần phải gấp rút học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác, chuẩn bị xây dựng hệ thống pháp lý, cơ sở dữ liệu, xây dựng năng lực cán bộ ngành hải quan, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nâng cao khả năng tự chứng nhận xuất xứ để có thể tận dụng tối đa lợi ích của việc đẩy mạnh hội nhập.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần chủ động tìm hiểu và nắm rõ các quy định về thủ tục chứng nhận xuất xứ và xác minh xuất xứ của các quốc gia thành viên của Hiệp định CPTPP cũng như các quốc gia mà Việt Nam có ký kết thoả thuận ưu đãi thương mại để nhanh chóng bắt kịp được với các quy định mới, tiến bộ cũng như các yêu cầu pháp lý của các quốc gia này để hàng hoá được hưởng ưu đãi

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Đặt ra những thách thức khi tham gia Hiệp định CPTPP, Tiến sĩ Phạm Văn Chắt, Giảng viên cao cấp, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho biết, nguồn nhân lực Việt Nam chưa được đào tạo đủ năng lực để đáp ứng yêu cầu, cùng đó, năng suất lao động của Việt Nam còn thấp so với nhiều nước trong CPTPP và cả ASEAN khác.

Mặc dù theo Tổng cục Thống kê, năm 2018 thu nhập của Việt Nam ước tính đạt 102 triệu đồng/lao động, tuy nhiên chiến lược đào tạo nguồn nhân lực và năng lực đào tạo nguồn của các cơ sở đào tạo vẫn còn nhiều bất cập. Tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam còn xảy ra khá phổ biến, đặc biệt đối với các nhãn và thương hiệu nổi tiếng. Việc nắm bắt, hiểu, triển khai thực thi các quy định trong các hiệp định thương mại tự do, cả các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương cũng như doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn.

Đối với đào tạo nguồn nhân lực, bà Nông Thị Như Mai, Trường Đại học Tài chính – Marketing, TP Hồ Chí Minh cho biết, các trường đại học nên mở rộng các buổi hội thảo để sinh viên nắm rõ hơn về Hiệp định và củng cố các kiến thức về giáo dục để sinh viên chuẩn bị cho sự thay đổi sắp tới của Việt Nam khi gia nhập CPTPP; nâng cao các kiến thức tin học bên cạnh các kiến thức nền để sinh viên có đủ hành trang cạnh trạnh với nguồn lao động quốc tế. Đồng thời, các trường nên bổ sung kĩ năng quản lý thời gian, tăng cường các kĩ năng giao tiếp bằng các hoạt động ngoại khóa hoặc thuyết trình, đẩy mạnh các tiết học có giảng viên nước ngoài để sinh viên bổ sung khả năng ngoại ngữ và tự tin hội nhập nguồn lao động quốc tế.

Ông Phạm Văn Chắt đề xuất, để nắm bắt cơ hội khi tham gia Hiệp định CPTPP, các chủ thể kinh doanh cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, “sống chung với cạnh tranh”, lấy sức ép về cạnh tranh làm động lực, tìm và thực hiện các giải pháp, biện pháp hữu hiệu để đổi mới và phát triển; nghiên cứu những lĩnh vực hoạt động mới mà doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng để đầu tư và khởi nghiệp, nhất là trong bối cảnh khởi nghiệp đang là xu thế phát triển mạnh trên toàn cầu kể cả Việt Nam.

Các doanh nghiệp cần nắm vững, hiểu và tuân theo các quy định về quy tắc xuất xứ, minh bạch hóa nguồn gốc, nguồn nguyên liệu, liên quan đến lao động trẻ em, đặc biệt lưu ý bảo đảm hàng xuất khẩu của mình an toàn thâm nhập thị trường các nước thành viên hiệp định thương mại tự do, không để xảy ra tình trạng hàng đến nước nhập khẩu bị trả lại hoặc bị tiêu hủy.

Mặt khác, theo các chuyên gia, các cơ quan quản lý cần đẩy mạnh triển khai Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ngày 15/5/2018 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo. Các đơn vị cần cải thiện môi trường kinh doanh, hoàn thành việc bãi bỏ, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư, kinh doanh; bãi bỏ một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư, đảm bảo quyền bình đẳng của doanh nghiệp trước pháp luật. 

Theo Nguyễn Xuân Dự Báo Tin tức - Thông Tấn xã Việt Nam đăng ngày 11/1/2019

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI