...

Hoạt động thương mại và đầu tư của Hàn Quốc tại Việt Nam – cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại và một số vấn đề thực tiễn

29 Tháng 10, 2019

Tháng 5/2019 đánh dấu tròn 4 năm kể từ ngày Hiệp định Thương mại Tự Do Việt – Hàn (VKFTA) được ký kết, gần 14 năm kể từ ngày ký Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Hàn Quốc vào tháng 12/2005 (AKFTA), và 26 năm kể từ ngày hai nước ký kết Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (VKBIT) lần đầu tiên (5/1993).1 Qua hơn 26 năm kể từ khi bắt đầu quan hệ thương mại và đầu tư, Hàn Quốc đã trở thành một trong các đối tác quan trọng nhất của Việt Nam, với cán cân thương mại giữa hai quốc gia đạt tới trên 65,7 tỷ USD trong năm 20182 và số lượng dự án vốn Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam đạt trên 7600 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư trong các dự án có vốn Hàn Quốc tại Việt Nam đạt trên 63,7 tỷ USD tính tới năm 2018.3 Hầu hết các tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc như như Samsung, LG, Lotte, Posco, Daewoo, Huyndai, Hyosung, SK, CJ .v.v.4 đều đã đầu tư vào các dự án có giá trị lên tới hàng tỉ USD trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, đi cùng với sự tăng trưởng đó, các vụ tranh chấp thương mại, đầu tư liên quan đến doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam cũng có xu hướng gia tăng cả về cả số lượng, sự phức tạp và quy mô.5 Bài viết này trình bày tóm lược về các cơ chế giải quyết tranh chấp về thương mại, đầu tư liên quan đồng thời cung cấp một số lưu ý hữu ích cho các thương nhân hai nước trong việc chuẩn bị giao dịch và tham gia giải quyết tranh chấp.

Việt Nam và Hàn Quốc lần lượt là thành viên của WTO từ năm 2007 và 1995. Trong khuôn khổ VKBIT, VKFTA, AKFTA, Việt Nam dành cho các doanh nhân Hàn Quốc cam kết chung về cắt giảm thuế quan, áp dụng các biện pháp phi thuế quan theo chuẩn WTO, mở cửa thị trường, ổn định chính sách và pháp luật.

Ngoài ra, các nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam còn được bảo hộ cho hoạt động đầu tư của mình dựa trên các cam kết đối xử tối huệ quốc (MFN), đối xử quốc gia (NT), đối xử công bằng và thỏa đáng (FET).v.v.và các cam kết riêng cho từng dự án đầu tư (vd. ưu đãi về thuế, đất đai v.v.). Cho đến nay, Việt Nam đã ký kết, tham gia 66 BITs, 16 FTA song phương và đa phương, 76 Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với các quốc gia, vùng lãnh thổ.6 Việt Nam cũng đã phê chuẩn Công ước Viên về mua bán hàng hóa  quốc tế (CISG) năm 2017 và việc sử dụng thông lệ quốc tế như Incoterm, UCPP.v.v. khá phổ biến trong quan hệ kinh doanh quốc tế.7 Các hiệp định này cũng đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư và thương mại của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Đối với khung pháp lý trong nước, Việt Nam cơ bản theo hệ thống luật dân sự và từ năm 2015 trở lại đây, đã bắt đầu áp dụng án lệ được lựa chọn bởi Tòa án tối cao trong hoạt động xét xử tại Tòa án.8 Qua hơn 20 kể từ khi Luật đầu tư nước ngoài được ban hành lần đầu tiên vào năm 1987 đến nay, hệ thống luật và các thể chế của Việt Nam đã liên tục được cập nhật, hoàn thiện dần theo hướng tạo một hành lang pháp lý thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư của cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.9 Chính phủ Việt Nam cũng rất tích cực lắng nghe, tiếp nhận ý kiến đóng góp trong các vấn đề xây dựng và cải thiện hệ thống pháp luật, thể chế liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh thông qua Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), các tổ chức quốc tế, các hiệp hội doanh nghiệp như VCCI, KOCHAM, EUROCHAM, AMCHAM.10 Việt Nam cũng đã nội luật hóa phần lớn các cam kết quốc tế và áp dụng khá thống nhất nguyên tắc ưu tiên áp dụng các điều ước quốc tế khi có sự mâu thuẫn với luật trong nước.11 Như trên đã phân tích, các điều ước quốc tế như VKFTA, cung cấp đối xử đặc biệt, cụ thể là các điều kiện tốt hơn so với điều kiện chung, áp dụng cho các nhà đầu tư từ nước ký kết. 12 Ngoài ra, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư, các thỏa thuận với Chính phủ (vd. theo hợp đồng PPP, hợp đồng thuê đất) có thể quy định thêm các quyền và nghĩa vụ cụ thể cho nhà đầu tư theo từng dự án đầu tư.

Các điều ước quốc tế (BIT, FTAs) mà Việt Nam và Hàn Quốc ký kết, tham gia quy định về cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước tiếp nhận đầu tư, thường là trọng tài quốc tế (vd. UNCITRAL, ICSID).13 Đối với các tranh chấp liên quan đến hợp đồng thương mại và đầu tư giữa doanh nhân Hàn Quốc và Việt Nam, các bên có thể thỏa thuận đưa tranh chấp ra giải quyết bởi trọng tài quốc tế tại Việt Nam (vd. VIAC), trọng tài nước ngoài (vd. KIAC, SIAC, HKIAC, ICC). Các thương nhân Hàn Quốc có giao dịch thương mại, đầu tư với đối tác Việt Nam thường ưu tiên thỏa thuận lựa chọn giải quyết các tranh chấp bằng trọng tài quốc tế do sự linh hoạt hơn về yêu cầu hồ sơ, thủ tục, sử dụng ngoại ngữ trong quá trình tố tụng và áp dụng luật nước ngoài, điều ước quốc tế hay các tập quán quốc tế chuyên ngành14.

Trong trường hợp lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, VIAC là một lựa chọn khá phổ biến bởi các doanh nghiệp nước ngoài cũng như doanh nghiệp Việt Nam;15 Thủ tục, quy tắc tố tụng trọng tài tại Việt Nam (VIAC) khá gần với quy tắc tố tụng, thông lệ trọng tài UNCITRAL, thường nhanh hơn khá nhiều so với các trung tâm trọng tài quốc tế khác, đặc biệt nhanh hơn so với việc xét xử nhiều cấp tại hệ thống Tòa án.16 Chỉ tính riêng trong 3 năm 2015-2017, VIAC đã tiếp nhận và xử lý gần 30 vụ tranh chấp về thương mại, đầu tư có 1 bên là doanh nghiệp Hàn Quốc, với mức tranh chấp cao nhất lên tới trên 70 triệu USD.17 Trong khi đó, từ năm 2016 đến 2018, KCAB đã tiếp nhận 14 vụ tranh chấp trong đó có 1 bên là doanh nghiệp Việt Nam,18 bên cạnh số lượng khá lớn vụ tranh chấp giải quyết bởi trọng tài SIAC, ICC hay UNCITRAL.19 Năm 2018, ISCID đã tiếp nhận vụ kiện đầu tiên liên quan đến Việt Nam từ 1 nhà đầu tư Hàn Quốc theo quy định của VKBIT.20 Mặt khác, Tòa án Việt Nam xử lý khá nhiều tranh chấp về lao động có liên quan đến doanh nghiệp có vốn đầu tư Hàn Quốc,21 tranh chấp về việc quản trị công ty,22 tranh chấp giữa các cổ đông trong các công ty liên doanh có vốn Hàn Quốc.23

Về việc thi hành, theo quy định của pháp luật Việt Nam, phán quyết của Trọng tài Việt Nam và thỏa thuận hòa giải được thiết lập theo Luật hòa giải thương mại sẽ được thi hành tương tự như phán quyết của Tòa án trong nước.24 Trên cơ sở Việt Nam đã là thành viên của Công ước NewYork 1958 từ năm 1995, phán quyết của trọng tài nước ngoài có thể được Tòa án Việt Nam công nhận và thi hành theo quy định tại Công ước NewYork 1958.25 Tuy nhiên, tỷ lệ các phán quyết của trọng tài nước ngoài được thi hành tại Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn, mặc dù gần đây đã được cải thiện.26 Việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài tương đối khó thực hiện ở Việt Nam vì có rất ít hiệp định tương trợ tư pháp song phương mà Việt Nam ký kết giải quyết vấn đề này27 và cho đến nay, việc thi hành hầu như chỉ theo nguyên tắc có đi có lại giữa Việt Nam và quốc gia liên quan.28 Một điều khá thú vị là vào năm 2007, tại Quyết định số 2083/2007/QĐST-KDTM ngày 19/11/2007, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã từng chấp nhận yêu cầu của Công ty TNHH Choongnam Sprinning (Hàn Quốc) công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án của tòa án cấp phúc thẩm Dae Cheon (Hàn Quốc) phán quyết vụ việc số 2004 Na 10655 ngày 30/9/2005, đã có hiệu lực pháp luật. 29

Thực tiễn giải quyết tranh chấp và thi hành phán quyết trọng tài tại Việt Nam cho thấy, để giải quyết tranh chấp có hiệu quả, tránh rủi ro bất ngờ gây tốn kém và kéo dài, các doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ lưỡng cho khả năng xảy ra tranh chấp ngay từ khi soạn thảo, ký kết các hợp đồng, thỏa thuận, đặc biệt là cần nghiên cứu thẩm quyền của bên ký kết đối tác, luật áp dụng, soạn thảo đúng các điều khoản về lựa chọn luật áp dụng và trọng tài cũng như cần có sự hỗ trợ về pháp lý sớm trong quá trình giải quyết tranh chấp. Sau đây là một số tình huống thực tiễn cho thấy các thiếu sót trong soạn thảo hợp đồng, thỏa thuận trọng tài hay khi giải quyết tranh chấp có thể gây rủi ro bất ngờ cho việc giải quyết tranh chấp và thi hành phán quyết trọng tài tại Việt Nam:

Thứ nhất, thỏa thuận trọng tài ký kết bởi người không có thẩm quyền hoặc không có chữ ký của các bên có thể bị Tòa án tuyên vô hiệu hoặc không tồn tại dẫn đến việc phán quyết trọng tài bị hủy hoặc từ chối thi hành. Theo hướng dẫn của Tòa án Tối cao, nếu người ký thỏa thuận trọng tài không có thẩm quyền ký (vd. Văn bản ủy quyền cho người ký hợp đồng, thỏa thuận không cho phép ký thỏa thuận trọng tài) thì thỏa thuận trọng tài đó bị coi là vô hiệu.30 Năm 2017, Tòa án Nhân dân cấp cao Hà Nội đã từ chối đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam một phán quyết trọng tài được ban hành bởi một Hội đồng trọng tài nước ngoài với lý do là điều khoản trọng tài trong hợp đồng liên quan không có giá trị ràng buộc với bị đơn do bị đơn đã không ký vào Hợp đồng.

Thứ hai, khi tham gia thực hiện các Dự án của Nhà nước, Hợp đồng liên quan đến việc thực hiện Dự án (được điều chỉnh bởi pháp luật Việt Nam) có thể bị đơn phương chấm dứt mà bên chấm dứt được miễn trách nhiệm và không phải bồi thường cho bên còn lại trong trường hợp việc chấm dứt do nguyên nhân Dự án bị dừng theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (vd. Thủ tướng) nên thuộc trường hợp bất khả kháng theo Điều 294 Luật Thương mại 2005.

Thứ ba, phán quyết trọng tài có thể bị Tòa án hủy hoặc từ chối thi hành do trái với Nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.31 Tương tự với khái niệm “Public Policy” quy định tại Điều 5 của Công ước Newyork 1958 là cơ sở để Tòa án từ chối thi hành phán quyết trọng tài, cho đến nay, pháp luật Việt Nam cũng có quy định về Nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam tại Điều 68 Luật trọng tài thương mại 2010 và chưa có định nghĩa cho khái niệm này. Thực tiễn công nhận và thi hành phán quyết trọng tài của tòa án Việt Nam cho thấy Tòa án có thể giải thích khái niệm này theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như (i) văn bản công chứng bị vô hiệu (ii) Phán quyết Trọng tài trái với cả Luật pháp Việt Nam và luật của bên tranh chấp32, hay (iii) có cơ sở rõ ràng rằng một bên tranh chấp xuất trình chứng cứ giả mạo33.

Như vậy, hệ thống pháp luật Việt Nam và các điều ước, hiệp định quốc tế song phương và đa phương giữa Hàn Quốc và Việt Nam không chỉ thiết lập các nguyên tắc bảo hộ nhà đầu tư và các khoản đầu tư vào Việt Nam, mà còn cho phép các bên lựa chọn cơ chế giải quyết tranh chấp đa dạng, phù hợp với hoạt động thương mại, đầu tư.  Tuy nhiên, hoạt động thương mại, đầu tư xuyên biên giới thường có giá trị lớn và phức tạp và đi kèm là những rủi ro phát sinh tranh chấp tiềm ẩn do những khác biệt về văn hóa kinh doanh hay khác biệt về khung pháp lý, thể chế hoặc thực tiễn giải quyết tranh chấp. Do đó, các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và nhà đầu tư Hàn Quốc nói riêng cần tìm hiểu và có sự hỗ trợ về pháp lý ngay từ khi đàm phán giao dịch, soạn thảo các văn bản giao dịch như hợp đồng, thỏa thuận với đối tác cũng như trong quá trình giải quyết tranh chấp, thi hành phán quyết tại Việt Nam. 

    

Trưởng Văn phòng Luật sư IDVN

Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)

Luật sư Đinh Ánh Tuyết đã có hơn 10 năm kinh nghiệm trong việc hỗ trợ Chính phủ Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài trong hàng loạt vụ kiện phòng vệ thương mại quốc tế cũng như tham gia tư vấn và tranh tụng trong các vụ kiện tranh chấp đầu tư.

 ------------------------------------------------------

1. VKBIT được ký lần đầu tiên vào tháng 5/1993 và sau đó được ký lại lần lượt vào các năm 2003 với một số sửa đổi, bổ sung, xem tại: https://www.trungtamwto.vn/chuyen-de/12553-hiep-dinh-khuyen-khich-va-bao-ho-dau-tu-giua-viet-nam-va-han-quoc .

2. Tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 12 và năm 2018, xem tại: https://www.customs.gov.vn/Lists/EnglishStatistics/ViewDetails.aspx?ID=994&language=en-US&Group=Trade%20news%20%26%20analysis

3. Tình hình thu hút Đầu tư nước ngoài 2 tháng đầu năm 2019, xem tại:

https://thoibaonganhang.vn/han-quoc-va-viet-nam-tim-kiem-su-phat-trien-ben-vung-va-thinh-vuong-chung-86076.html

4. Xu hướng đầu tư ra nước ngoài của Hàn Quốc, xem tại:

https://fia.mpi.gov.vn/tinbai/4159/Xu-huong-dau-tu-ra-nuoc-ngoai-cua-Han-Quoc

5. Số vụ tranh chấp có 1 bên tham gia là Hàn Quốc tại VIAC đứng thứ 3 theo thống kê năm 2018 của VIAC, xem tại: https://drive.google.com/file/d/1VN96WDrloAWGnwl_y1OHIcglpqEs1yVP/view

6. Unctad, xem tại: https://investmentpolicy.unctad.org/international-investment-agreements/countries/229/viet-nam , Bộ luật dân sự (2015), Điều 5.

7. Bộ luật dân sự (2015), Điều 5.

8. Bộ luật Tố tụng Dân sự (2015), Điều 45; Nghị quyết 03/2015/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ.

9. Oxford Business Group, A look at Vietnam's legal system: https://oxfordbusinessgroup.com/overview/law-land-look-country%E2%80%99s-legal-system

10. Eurocham, White book 2019: https://drive.google.com/drive/folders/1UUxNWoJr-wZiRl2__G8E9gurPWpfHNwd

11. Bộ luật Dân sự (2015), Điều 4 (4); Luật đầu tư (2014), Điều 4 (3).

12. Luật Điều ước quốc tế (2016), Điều 6; Luật Đầu tư (2014), Điều 4 (3).

13. Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), Điều 9 (19).

14. Theo các báo cáo khảo sát của trường luật Queen Mary, Đại học London kết hợp với các hãng luật uy tín thực hiện trong những năm gần đây đều cho thấy xu hướng mạnh mẽ với hơn 90% doanh nghiệp lựa chọn trọng tài thương mại như là phương thức giải quyết tranh chấp tối ưu, xem tại: https://www.arbitration.qmul.ac.uk/research/

15. VIAC bắt đầu hoạt động từ năm 1993 và là trung tâm trọng tài thương mại lớn và lâu đời nhất tại Việt Nam, với hơn 100 trọng tài viên trong đó có nhiều trọng tài viên nước ngoài. Trong các năm 2015-2018, VIAC tiếp nhận và giải quyết trung bình 158 vụ việc/năm, thời gian giải quyết trung bình là 153,6 ngày/vụ, trong đó các vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài chiếm trên 50%.

16. Tại Việt Nam, phán quyết của VIAC có thể được thi hành trực tiếp giống như thi hành bản án của Tòa án, mà không phải thông qua thủ tục công nhận và cho thi hành như đối với phán quyết của Tòa án nước ngoài.

17. Báo cáo hoạt động hằng năm của VIAC, xem tại: https://eng.viac.vn/about-us-c103.html

18. Báo cáo hoạt động hằng năm của KCAB, xem tại: https://www.kcabinternational.or.kr/user/Board/comm_notice.do?BD_NO=174&CURRENT_MENU_CODE=MENU0017&TOP_MENU_CODE=MENU0014

19. Báo cáo hoạt động của SIAC, xem tại: https://www.siac.org.sg/2013-09-18-01-57-20/2013-09-22-00-27-02/annual-report 

Báo cáo hoạt động của ICC, xem tại: https://cdn.iccwbo.org/content/uploads/sites/3/2018/07/2017-icc-dispute-resolution-statistics.pdf

20. Thống kê của UNCTAD, xem tại: https://investmentpolicyhubold.unctad.org/ISDS/CountryCases/229?partyRole=2

21. Gian nan giải quyết tranh chấp lao động, xem tại: https://www.nhandan.com.vn/tphcm/tin-chung/item/22570902-gian-nan-giai-quyet-tranh-chap-lao-dong.html

22. Tranh chấp giữa cổ đông tổ chức Red River Holdings và người quản lý CTCP Everpia Việt Nam, xem tại: https://tinnhanhchungkhoan.vn/phap-luat/kien-lanh-dao-doi-boi-thuong-co-dong-gap-kho-164264.html

23. Ví dụ vụ tranh chấp giữa cổ đông mới Hàn quốc và cổ đông Việt Nam trong Công ty liên doanh VK Housing với giá trị nhiều chục triệu USD tại Tp. Hồ Chí Minh. Xem thêm: Tranh chấp ở dự án The Mark: Diễn biến mới nhất, xem tại: https://vtc.vn/tranh-chap-o-du-an-the-mark-dien-bien-moi-nhat-d393348.html

24. Luật thi hành án dân sự 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014, Điều 2; Bộ luật tố tụng dân sự (2015), Điều 419.

25. Bộ luật Tố tụng Dân sự (2015), Điều 423 và Điều 431.

26. Trong 3 năm 2015-2017, mới chỉ có 7 phán quyết của trọng tài nước ngoài được Tóa án Việt Nam cho công nhận và thi hành trong số 37 phán quyết có Đơn yêu cầu thi hành. Xem tại Số vụ giải quyết qua trọng tài vẫn chưa tạo được nhiều kỳ vọng, https://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/xa-hoi/2018-06-07/so-vu-giai-quyet-qua-trong-tai-van-chua-tao-duoc-nhieu-ky-vong-58411.aspx

27. Tính đến tháng 07/2017, Việt Nam đã ký 27 Hiệp định tương trợ tư pháp: https://lanhsuvietnam.gov.vn/Lists/BaiViet/B%C3%A0i%20vi%E1%BA%BFt/DispForm.aspx?List=dc7c7d75%2D6a32%2D4215%2Dafeb%2D47d4bee70eee&ID=414

28. Bộ Luật Tố tụng Dân sự (2015), Điều 423.

29. Theo Nguyễn Mạnh Dzũng, tại “Thi hành bản án, phán quyết của trọng tài nước ngoài tại các nước Asean”

30. Luật Trọng Tài thương mại (2010), Điều 18; Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Tối cao ban hành ngày 20/03/2014, Điều 3.

31. Công ước New York 1958, Điều V.I(a); Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Điều 459.

32. Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Tối cao ban hành ngày 20/03/2014, Điều 14.

33. Quyết định số 02/2017/QĐ-PQTT ngày 27/3/2017 của Tòa án Nhân dân Hà Nội trong Đỗ Văn Đại (2017), Pháp luật trọng tài thương mại Việt Nam, Tập 2, trang 120 – 123.

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI