...

Hợp đồng vô hiệu, giám định, và Incoterms qua một vụ kiện

06 Tháng 10, 2020

1. Tóm tắt nội dung vụ tranh chấp 

Ngày 28/3/2014, Nguyên đơn (một công ty của Việt Nam) ký Hợp đồng mua của Bị đơn (một công ty của Anh Quốc) hàng hóa là 1.000 tấn (MT) (+/-10%) thép phế liệu, giao hàng làm 3 chuyến, đóng trong 29 container với giá 374.000 USD (+/-10%). Điều 1.5.3 của Hợp đồng nêu: “Thép phế liệu không lẫn tạp chất như ... dầu, cao su ..”. Điều 5 của Hợp đồng quy định: “Bên mua chịu chi phí, có quyền yêu cầu giám định chất lượng/trọng lượng của hàng hóa sau khi hàng về đến cảng dỡ và/hoặc nhà kho của bên mua bởi các công ty [sau đây gọi là CT1 và CT2]. Kết quả giám định trọng lượng và chất lượng tại kho bãi của bên mua bởi CT1 hoặc CT2 là kết quả cuối cùng và ràng buộc cả hai bên […], phương pháp giám định tạp chất là ước tính bằng thị giác tất cả các container hoặc chọn ít nhất một hoặc hai container bất kỳ…”. 

Điều 5.2.1 của Hợp đồng về bồi thường do tạp chất nêu: "… theo trọng lượng giám định thực tế: … trên 0,20% đến 2%: 100% đơn giá; từ 2% đến 5%: 105% đơn giá; nếu  trên 5% bên bán phải lấy lại hàng trong vòng 10 ngày làm việc sau khi được bên mua thông báo và phải chịu mọi chi phí phát sinh liên quan đến việc dỡ và thu hồi hàng từ nhà kho của bên mua, và bên bán phải trả lại toàn bộ số tiền trị giá hàng cho bên mua cộng thêm 20% là tiền bồi thường. […]”. Tại cảng bốc hàng ở Chile, các giấy chứng nhận giám định ghi tạp chất của ba chuyến hàng lần lượt là 3%, 4% và 5%.

Khi nhận hàng, theo yêu cầu của Nguyên đơn, CT1 đã giám định và cấp ba giấy Chứng nhận Trọng lượng (Certificate of Weight) ngày 31/7/2014 cho thấy tạp chất (cao su) khoảng 1,0 tấn/container hoặc hơn mà không thể ước tính bằng mắt được. Sau đó, Nguyên đơn đã yêu cầu CT2 giám định và được cấp Giấy chứng nhận chất lượng (Certificate of Grading) ngày 26/7/2014 cho thấy 29,51% tạp chất và có ghi theo Nguyên đơn thì hàng được dỡ từ ngày 25/6 đến 1/7/2014 ra khỏi các container thuộc ba chuyến hàng nêu trên. Ngày 1/8/2014, Nguyên đơn gửi thư khiếu nại, yêu cầu Bị đơn bồi thường trong vòng 14 ngày nhưng không có kết quả, sau đó, Nguyên đơn đã kiện Bị đơn tại trọng tài.

Nguyên đơn cho rằng hàng hóa có tỷ lệ tạp chất là 29,51% theo Giấy chứng nhận chất lượng  của CT2 nên Bị đơn đã vi phạm Điều 5 của Hợp đồng, và theo Khoản 3 Điều 51 Luật Thương mại 2005 (“Luật Thương mại”) thì Nguyên đơn “có quyền tạm ngừng thanh toán …” vì  đã có bằng chứng về việc Bị đơn giao hàng không phù hợp với Hợp đồng. Vi phạm của Bị đơn là vi phạm cơ bản vì Nguyên đơn không đạt được mục đích của Hợp đồng. Theo Điều 5.2.1 của Hợp đồng, Nguyên đơn yêu cầu Bị đơn lấy lại hàng và trả lại Nguyên đơn 216.154,80 USD và các chi phí phát sinh, dự tính liên quan.

Bị đơn lập luận rằng quy tắc giao nhận hàng là CFR Incoterms 2010. Vì vậy, Bị đơn đã hoàn thành nghĩa vụ giao hàng khi chuyển giao hàng hóa cho bên vận chuyển chứ không phải khi hàng hóa đến cảng đích. Rủi ro đối với hàng hóa được chuyển từ Bị đơn sang Nguyên đơn theo các Điều A5 và B5 của CFR Incoterms 2010. Ba chuyến hàng được giám định tại cảng bốc với tỷ lệ tạp chất tối đa lần lượt là 3%, 4% và 5%. Do đó, Bị đơn đã giao hàng đúng quy định của Hợp đồng. Nguyên đơn không tuân thủ nghĩa vụ thanh toán theo Điều 50 Luật Thương mại.  Giấy chứng nhận chất lượng của CT2 không hợp lệ vì CT2 xác nhận hàng được dỡ từ ngày 25/6 đến 1/7/2014 ra khỏi những container của ba chuyến hàng. Vì vậy, không thể khẳng định được hàng hóa do CT2 giám định là hàng hóa do Bị đơn giao vì hàng đã nằm trên bãi. Bị đơn kiện lại,   yêu cầu được thanh toán toàn bộ số tiền của Hợp đồng; mọi chi phí, thiệt hại liên quan đến vụ kiện, và lợi nhuận đã mất.

2. Phân tích và Phán quyết của Hội đồng Trọng tài; bài học kinh nghiệm

Luật Việt Nam được áp dụng theo Điều 8 của Hợp đồng. Về hiệu lực của Hợp đồng, Thông tư Số 01/2013/TT-BTNMT ngày 28/1/2013 về phế liệu nhập khẩu (“Thông tư 01”) và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia Số QCVN 31:2010/BTNMT ngày 29/12/2010 về môi trường cho phế liệu thép nhập khẩu (“Quy chuẩn 31”) là những văn bản cần được tham chiếu. Theo Thông tư 01, tỷ lệ tạp chất không được quá 1% khối lượng phế liệu. Vì vậy, hàng hóa có lượng tạp chất vượt quá 1%  không được phép nhập vào Việt Nam. Về Hợp đồng, Điều 5.2 quy định rằng nếu tỷ lệ tạp chất từ 2% đến 5% thì bên Bán phải trả cho bên Mua ở mức 105% đơn giá. Như vậy, các Bên đã đồng ý mua bán phế liệu với lượng tạp chất từ 2% đến 5% là vi phạm điều cấm của pháp luật. Do đó, Hợp đồng mua bán phế liệu với lượng tạp chất từ 2% đến 5% là vô hiệu theo Điều 128 của Bộ luật dân sự 2005 (“Bộ luật dân sự”).  

Giấy chứng nhận chất lượng của CT2 không có hình ảnh hàng hóa kèm theo. Nguyên đơn thừa nhận những hình ảnh về hàng hóa được CT2 cung cấp cho Nguyên đơn sau khi Nguyên đơn nhận được yêu cầu xác nhận thời điểm có được hình ảnh về hàng hóa của Hội đồng Trọng tài vào ngày 12/3/2015. Hội đồng Trọng tài cho rằng Giấy chứng nhận chất lượng của CT2 không đủ cơ sở để kết luận hàng hóa nào đã được giám định (hay nói cách khác là Nguyên đơn không thể chứng minh CT2 đã giám định hàng hóa được giao theo Hợp đồng). Do đó, Giấy chứng nhận chất lượng của CT2 không được coi là chứng cứ. 

Về tỷ lệ tạp chất, tại cảng bốc hàng ở Chile các giấy chứng nhận cho thấy tỷ lệ tạp chất trong 3 chuyến hàng lần lượt là 3%, 4% và 5%. CT1 đã giám định các chuyến hàng theo yêu cầu của Nguyên đơn và trong thư CT1 gửi Nguyên đơn ngày 25/6/2014, đại diện của CT1 nêu rõ tạp chất (cao su) là khoảng 1,0 tấn (MT)/container hoặc cao hơn nhưng không thể ước lượng bằng các phương pháp trực quan. Như vậy, theo đánh giá của CT1, tạp chất (cao su) của hàng hóa là khoảng 1.0MT/container.

Hội đồng Trọng tài nhận thấy không có cơ sở và không khả thi để giám định lại tỷ lệ tạp chất của hàng hoá; các bên không yêu cầu làm việc này.Vì vậy, việc xác định tỷ lệ tạp chất chỉ được dựa trên các chứng cứ thu thập được. Bị đơn khẳng định tỷ lệ tạp chất từ 3%-5%; giám định của CT1 là khoảng 5% (sau khi được quy đổi). Vì vậy, có căn cứ để kết luận tỷ lệ tạp chất từ 3%-5%. Tỷ lệ này vi phạm Thông tư  01 (không quá 1%) và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia số 31 nhưng các bên vẫn đồng ý mua bán nên Hợp đồng “vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật” theo Điều 128 của Bộ luật dân sự, dẫn đến hậu quả pháp lý là “các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận…” (Khoản 2 Điều 137 Bộ luật dân sự).

Phán quyết Trọng tài nêu rõ: (i) Nguyên đơn phải chuyển giao hàng hóa cho Bị đơn và Bị đơn phải nhận hàng hóa từ Nguyên đơn, việc này phải được thực hiện trong vòng 30 ngày kể từ ngày lập Phán quyết Trọng tài; (ii) Nguyên đơn không phải thanh toán tiền hàng cho Bị đơn, trừ trường hợp không có hàng để chuyển giao thì phải trả 216.154,84 USD; (iii) Bị đơn phải chịu mọi chi phí về việc tái xuất hàng hóa ra khỏi Việt Nam, Nguyên đơn có trách nhiệm hợp tác và hỗ trợ Bị đơn thực hiện các quy định của pháp luật và xin cấp phép để tái xuất hàng hóa; (iv) Mỗi bên tự chịu chi phí và tổn thất; và (v) Bác các yêu cầu khác của Nguyên đơn và Đơn kiện lại của Bị đơn. Vụ kiện cho thấy Hợp đồng vô hiệu do sơ xuất mà các bên không ngờ tới; việc giám định hàng hóa thiếu thận trọng đã làm mất đi chứng cứ được pháp luật công nhận, và chứng cứ giao hàng theo quy tắc CFR Incoterms 2010 không làm cho người mua mất quyền khiếu nại nếu có chứng cứ chứng minh hàng không được giao theo quy định của Hợp đồng./. 

(*) Ngô Khắc Lễ | Trọng tài viên VIAC

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI