Thay vì lo sợ, nghĩ mọi cách để chạy quan hệ, “xuống tiền” chi trả chi phí không chính thức để tránh rủi ro pháp lý trong kinh doanh, doanh nghiệp nên chủ động nhận diện những rủi ro chính có thể xảy ra, từ đó có sự chuẩn bị kỹ càng ngay từ đầu.
Một trong những phương án xử lý rủi ro hiệu quả là các doanh nghiệp có thể mạnh dạn tìm đến trọng tài. Ảnh: Tiên Giang
TS. Đỗ Ngân Bình - Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật của Trường Đại học Luật Hà Nội đưa ra khuyến cáo như vậy khi nhiều doanh nghiệp bày tỏ băn khoăn, lo lắng và cảm thấy mệt mỏi vì những rủi ro pháp lý tiềm ẩn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nhận diện rủi ro pháp lý
Rủi ro pháp lý có thể phát sinh ở nhiều khía cạnh trong quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, từ rủi ro do không thực hiện trách nhiệm xã hội (gây ô nhiễm môi trường, vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã...), ký kết các hợp đồng thiếu chặt chẽ, cho đến những rủi ro khi bị thanh tra lao động, bảo hiểm xã hội; xảy ra khiếu nại về tiền lương; khởi kiện của người lao động đối với người sử dụng lao động...
Chẳng hạn như khi ký kết và thực hiện các hợp đồng trong hoạt động kinh doanh, Luật sư Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) chia sẻ, rủi ro thường xảy ra trong các trường hợp như hợp đồng được xác lập thông qua đại diện theo pháp luật; giao dịch cho chi nhánh hay công ty xác lập; xác định tư cách đại diện theo ủy quyền; giao dịch do người không có quyền xác lập...
Trong lĩnh vực lao động, tiền lương và bảo hiểm xã hội, TS. Đỗ Ngân Bình cho biết, rủi ro pháp lý có thể khởi phát từ việc chấm dứt hợp đồng lao động, điều chuyển lao động tùy tiện; đóng bảo hiểm xã hội căn cứ vào mức tiền thấp hơn thu nhập thực tế của người lao động, không đóng bảo hiểm xã hội...
Rủi ro không loại trừ doanh nghiệp lớn hay nhỏ
Khi đề cập đến những rủi ro pháp lý trong kinh doanh, không ít doanh nghiệp bày tỏ sự e ngại về chi phí phải chi trả cho tư vấn, luật sư, vì họ có trăm ngàn mối bận tâm khác như vốn ít, nhân lực có hạn... Tuy nhiên, quan điểm này bị TS. Đỗ Ngân Bình phản bác. Bà cho rằng, doanh nghiệp lớn có tiềm lực tốt không có nghĩa là họ có ít rủi ro hơn so với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các rủi ro pháp lý của doanh nghiệp lớn hay nhỏ đều như nhau. Vấn đề quan trọng là doanh nghiệp lớn sẵn sàng “xuống tiền” để phòng tránh rủi ro pháp lý trước khi nó xảy ra, từ đó tập trung nguồn lực, thời gian cho phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa đã vốn ít, nhân lực có hạn lại suốt ngày mệt mỏi vì lo sợ rủi ro pháp lý luôn rình rập, lúc nào cũng lo đi “quan hệ”...
“Cả hai trường hợp, trường hợp nào cũng phải “xuống tiền”, vậy tại sao doanh nghiệp nhỏ và vừa không chọn giải pháp an toàn hơn là xây dựng hồ sơ pháp lý cho từng tình huống ngay từ đầu? Quy trình chung để giải quyết sự cố pháp lý sẽ là chuẩn bị hồ sơ, đánh giá rủi ro, chọn giải pháp tốt nhất và thực hiện.
Trong điều kiện ít tiền, TS. Đỗ Ngân Bình gợi ý, doanh nghiệp nên tìm những đơn vị tư vấn nhỏ, chọn những vấn đề “nóng”, tiêu điểm của doanh nghiệp để giải quyết hoặc “mua chung” liên kết theo nhóm, hiệp hội doanh nghiệp cùng ngành nghề...
Có chung quan điểm này, Luật sư Trần Hữu Huỳnh cho rằng, dù là công ty nhỏ thì cũng phải làm một cách bài bản, nếu không sẽ mãi không lớn được. Nếu vận hành không theo một quy tắc nào, xuề xòa, không minh bạch, thì không nhà đầu tư nào dám bỏ vốn, đối tác nào dám bắt tay. Ngoài yếu tố môi trường kinh doanh còn nhiều khó khăn, thì việc nghĩ “ngắn”, làm ăn không có chiến lược, tầm nhìn dài hạn cũng là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp không thể lớn lên được.
Để phòng tránh và kiểm soát rủi ro pháp lý trong kinh doanh, Luật sư Trần Hữu Huỳnh lưu ý, doanh nghiệp cần nắm vững các quy định của pháp luật về kinh doanh như: Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Đầu tư, Luật Dân sự, Luật Thương mại... Một trong những phương án xử lý rủi ro hiệu quả là các doanh nghiệp có thể mạnh dạn tìm đến trọng tài, bởi mọi tranh chấp đều có thể giải quyết bằng cơ chế trọng tài.