Tích cực và thách thức đan xen
- Năm 2022, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, ông đánh giá thế nào về điều này ?
- Năm 2022, những kết quả về phát triển kinh tế - xã hội đã đạt được rất đáng ghi nhận và phấn khởi so với giai đoạn hai năm trước. Để đạt được kết quả như năm vừa qua, chúng ta phải ghi nhận sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp và sự hợp tác tích cực của người dân. Kèm theo đó là sự nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt của Đảng, Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan có liên quan, sự hợp tác đồng lòng, quyết tâm, nỗ lực của cả xã hội.
Tuy nhiên, nếu như đánh giá sâu hơn những kết quả mà chúng ta đạt được và nhìn nhận một cách thẳng thắn, có một số điểm cần lưu ý.
Thứ nhất, trong các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, có một chỉ tiêu không đạt được, đó là năng suất lao động. Đây là một yếu tố rất quan trọng, ảnh hưởng lớn tới chất lượng tăng trưởng và nền tảng cho sự tăng trưởng bền vững của những năm tiếp theo.
Thứ hai, về lực lượng doanh nghiệp. Năm 2022, tổng số doanh nghiệp gia nhập thị trường mới và quay trở lại hoạt động là một con số kỷ lục, hơn 200.000 doanh nghiệp. Nhưng kèm theo đó, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cũng rất lớn, tăng rất nhiều so với năm ngoái là hơn 140.000 doanh nghiệp. Đây là những con số rất đáng quan ngại.
Thứ ba, về đầu tư công. Chúng ta thường kỳ vọng đây sẽ là động lực về tăng trưởng kinh tế cho năm 2022. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện nay, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công không diễn ra như đúng kế hoạch. Bên cạnh đó là vấn đề về cổ phần hóa, thoái vốn...
Như vậy, nhìn vào bức tranh kinh tế 2022, có thể thấy sự “tích cực”, “thách thức” đan xen và dự báo còn tiếp tục khó khăn trong thời gian sắp tới.
Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu
Quyết liệt, kịp thời thực hiện các giải pháp
- Theo ông, sang năm 2023, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những khó khăn, thách thức nào? Và đâu là giải pháp để vượt qua những thách thức này, thưa ông?
- Năm 2023 chúng ta cũng còn nhiều dư địa. Thứ nhất, sự tăng trưởng của năm 2023 cả về mặt kinh tế - xã hội và thu ngân sách, do đã có được một ít những nguồn lực “dự trữ” cho sự phát triển. Trong vòng hai năm vừa qua, chúng ta cũng có rất nhiều những giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội, về cải cách thể chế, về cơ cấu lại nền kinh tế đã và đang được triển khai. Đây là bệ đỡ về chính sách cho tăng trưởng của năm 2023.
Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế - xã hội của năm 2023 sẽ đối mặt với rất nhiều yếu tố cả về nội tại và khách quan, trong đó có những vấn đề khách quan chúng ta rất khó để kiểm soát. Ví dụ như vấn đề về suy thoái kinh tế đang được dự báo sẽ diễn ra một cách rộng hơn và đặc biệt là năm 2023. Tháng 10.2022, IMF có dự báo mới và thay đổi hầu như toàn bộ so với các dự báo trước đó ở tháng 4.2022. Theo IMF, hầu hết các nền kinh tế sẽ suy thoái trong năm 2023, đặc biệt ở những quốc gia là thị trường rất lớn của Việt Nam như Mỹ, khu vực châu Âu, hay thậm chí suy thoái cả ở Nhật Bản, Hàn Quốc... Hay như các cuộc xung đột Nga - Ukraine và những tác động của nó đến nền kinh tế. Sự điều hành kinh tế vĩ mô, sự tăng giá cả của những mặt hàng nguyên vật liệu, xăng dầu… Đây đều là những vấn đề mà chúng ta phải đối phó nhưng gần như rất khó để kiểm soát.
Tuy nhiên, dư địa lớn nhất của năm 2023, theo tôi, đó chính là các giải pháp, chính sách mà Quốc hội, Chính phủ đã ban hành trong hai năm vừa qua, đặc biệt là những nhóm giải pháp liên quan đến cơ cấu lại nền kinh tế, đó là những giải pháp rất căn cơ. Cùng với các chương trình về cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và đặc biệt là Nghị quyết 68/NQ-CP về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 cũng đưa ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp toàn diện để làm dư địa cơ sở cho việc tăng trưởng trong năm 2023.
Tuy vậy, năm 2023 vẫn là khoảng thời gian rất khó khăn và còn có thể vẫn tiếp tục gia tăng ít nhất là trong quý I hoặc có thể kéo dài sang quý III. Tuy nhiên, xét về mặt động lực tăng trưởng, về dư địa về thể chế, để những giải pháp có thể được thực thi, hành động và đạt được kết quả cũng sẽ cần thời gian. Do đó, trong quý I, quý II chúng ta có thể tập trung giải quyết các vấn đề về thể chế, chuyển tải thành các hành động cụ thể, tháo gỡ về mặt thể chế hoặc tạo ra những thể chế cho sự phát triển. Cùng với đó, hiện nay nền kinh tế cũng phải đối mặt với một số vấn đề như doanh nghiệp gặp khó khăn, một số thị trường tiềm ẩn rủi ro rất lớn như thị trường vốn, thị trường bất động sản… mặc dù hiện nay Chính phủ đã rất quyết liệt nhưng để có thể giải quyết một cách ổn thỏa trong ngắn hạn cũng cần phải có dư địa về thời gian. Vì vậy chúng ta phải hành động quyết liệt, hành động kịp thời để các giải pháp có thể được triển khai ra trong quý I hoặc quý II.
- Với bối cảnh như ông đã nêu, ông có kỳ vọng gì về sự tăng trưởng kinh tế năm 2023, thưa ông?
Trong năm 2023, kỳ vọng lớn nhất của tôi cho sự tăng trưởng kinh tế có lẽ là nguồn vốn đầu tư theo các Chương trình đầu tư, dự án đầu tư công và các chương trình, dự án theo Chương trình phục hồi phát triển kinh tế. Tất nhiên kỳ vọng của tôi sẽ chỉ thành hiện thực nếu như chúng ta thực hiện thành công.
Thứ nhất, đầu tư công của năm 2022 theo kế hoạch đầu tư công thông thường và theo kế hoạch phục hồi phát triển kinh tế có thể được coi là một năm “bản lề” để giải quyết vấn đề về thủ tục và năm 2023 sẽ là năm để tổ chức triển khai.
Thứ hai, năm 2022, Chính phủ đã ban hành Quyết định 360/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 - 2025", tuy nhiên vẫn chưa được thực thi. Do đó, năm 2023 có thể sẽ là thời điểm thực hiện, và nếu làm tốt thì sẽ tạo ra được một nguồn lực mạnh mẽ cho việc tăng trưởng phát triển kinh tế.
- Xin cảm ơn ông!