...

Kinh tế tư nhân: Cần siêu tập đoàn?

29 Tháng 10, 2019

“Khu vực kinh tế tư nhân đang tạo ra 42% GDP, 30% ngân sách nhà nước, thu hút 85% lực lượng lao động. Khu vực này xứng đáng được công nhận, bảo vệ, khích lệ...”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định.

► Sức vóc của tập đoàn tư nhân

Chủ trương đã xác quyết và câu chuyện giờ đây cần bàn là khích lệ thế nào để khu vực kinh tế tư nhân thuận lợi kinh doanh và phát huy được vai trò trụ cột như đúng với tiềm năng. Trong đó, có những đề xuất cách nhanh nhất để tái cấu trúc nền kinh tế là tạo ra được nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân trở thành động lực, đầu tàu dẫn dắt khu vực kinh tế tư nhân. Chính phủ cũng đã nhấn mạnh thúc đẩy phát triển các tập đoàn tư nhân lớn, khuyến khích công nghệ, đổi mới sáng tạo, có năng lực cạnh tranh khu vực, quốc tế.

 

Thử nhìn lại khi khối doanh nghiệp nhà nước mới chỉ giảm về quy mô và vẫn được ưu ái trong tiếp cận nguồn lực thì nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã ung dung hưởng nhiều ưu đãi cam kết, lại xuất hiện thêm doanh nghiệp... sân sau chiếm dụng phần tài nguyên còn lại. Và hệ quả tất yếu đã xảy ra: kinh tế tư nhân sẽ rất ít cơ hội sống sót. Nhìn từ quan điểm này, việc “đừng kỳ thị, phải công bằng với kinh tế tư nhân” trước hết phải được thực hành trên nền tảng kinh tế thị trường hoàn thiện, trong đó mỗi chủ thể kinh doanh, không phân biệt lớn hay nhỏ, đều có quyền lợi và cơ hội ngang nhau, cả về trách nhiệm với nhà nước và cộng đồng, cả về tiếp cận nguồn lực từ những chủ thể nói trên. Từ đây, mới có thể đặt ra vấn đề, chọn mô hình phát triển nào cho kinh tế tư nhân Việt Nam.

Cách giải quyết đúng đắn quy luật giữa nhà nước và thị trường cho mô hình kinh tế tư nhân Việt Nam có nhiều mô hình để học hỏi. Mô hình Hàn Quốc, lấy các tập đoàn doanh nghiệp tư nhân lớn hay siêu lớn (chaebol) làm trụ cột cho nền kinh tế đang là một phương án được bàn thảo. Xuất phát điểm của kinh tế Hàn Quốc tương tự như Việt Nam nhưng tới nay, khi chúng ta đang loay hoay với bẫy thu nhập trung bình thấp, GDP đầu người năm 2018 của xứ sở kim chi đã vượt ngưỡng 30.000USD. Những tên tuổi như Samsung, Hyundai Motor, POSCO, Kia Motors, LG... không chỉ định danh kinh tế Hàn Quốc mà còn là cây gậy quyền lực giúp doanh nghiệp Hàn Quốc thâm nhập và hưởng lợi ở các thị trường lân cận và trên thế giới.

Học Hàn Quốc để được như nước bạn, đó là giấc mơ đẹp nhưng liệu có dễ dàng? Thứ nhất, nếu bây giờ mới bắt đầu, Việt Nam đã chậm hơn Hàn Quốc 40 năm. Những kỳ tích mà các chaebol Hàn Quốc sẽ rất xa tầm với của Việt Nam khi nền kinh tế thế giới đã dần phẳng. Quy mô kinh tế xấp xỉ 240 tỉ USD chỉ hơn 2/3 giá trị vốn hóa của Tập đoàn Samsung, chúng ta có thể đổ ra bao nhiêu nguồn lực để tranh đua với những đại gia hùng mạnh này?

► Vốn đầu tư Trung Quốc cao kỷ lục, Việt Nam nhận được gì?

Thứ 2, sẽ không chủ quan hay chụp mũ khi nhìn thấy những nét tương đồng của Vinalines, Vinashin hay nhiều tập đoàn kinh tế khác... với tham vọng sở hữu các chaebol như Hàn Quốc. Nếu hỗ trợ là tín dụng, đất đai và chính sách không minh bạch và công bằng sẽ dẫn đến những rủi ro lớn của hiện tượng “tư bản thân hữu”, “lợi ích nhóm”, thao túng chính sách, cạnh tranh không lành mạnh. Quả thật, như một chuyên gia kinh tế đã nhận định: “Cái đáng sợ nhất trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam là sự phát triển của một kinh tế tư nhân dựa trên các doanh nghiệp sân sau”.

 

Mô hình phát triển theo kiểu Đài Loan cũng được nhiều chuyên gia kinh tế nhắc tới. Luật sư Nguyễn Tiến Lập, thành viên NHQuang & Cộng sự, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, đề xuất “đó là mô hình bền vững, phù hợp hơn với nền kinh tế Việt Nam”. Quả thật, có thể nhìn thấy những nét tương đồng. Dù không chiếm tỉ lệ tuyệt đối tới hơn 90% số doanh nghiệp như Đài Loan, đóng góp 50% tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tại Việt Nam, kinh tế tư nhân vẫn chủ yếu là kinh tế hộ gia đình, cá thể chiếm 31,33% GDP. Hiện tại, đây là những thực thể kinh tế không có chính sách hỗ trợ, không dễ tiếp cận nguồn lực. Vì thế, sự quan tâm thực chất, dựa trên những yêu cầu thực tế của thị trường, có thể rất nhanh chóng thay đổi diện mạo của khu vực này và đời sống của bộ phận lao động chiếm hơn 30% tổng số lao động của nền kinh tế.

► Kịch bản tỉ giá tháng 5

Một nền kinh tế muốn chuyển sang sáng tạo thì buộc phải đạt hiệu quả cao với nhiều giá trị gia tăng, trong đó vai trò của kinh tế tư nhân thậm chí còn mang tính quyết định. Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp (năm 2020), hơn 1,5 triệu doanh nghiệp (năm 2025) và có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp (năm 2030). Có thể thấy, các nước có nền kinh tế tiên tiến đều có đội ngũ doanh nghiệp tư nhân từ chất lượng thấp đến chất lượng rất cao đều rất quy mô, có sự cạnh tranh rất mạnh không chỉ trong khu vực mà trên toàn cầu. Tất cả cần sự hậu thuẫn của môi trường kinh doanh lành mạnh, tư duy quản lý hiện đại, chấp nhận cái mới để bứt phá.

Theo Linh Nguyễn/ Nhịp cầu đầu tư/ 10-06-2019.

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI