Theo ông, việc chuyển đổi số trong ngành Logistic của Việt Nam đang diễn ra như thế nào từ đầu năm đến nay?
Xét về mặt tổng quan nền kinh tế Việt Nam hiện nay, có thể thấy ngành logistic đóng vai trò rất quan trọng vì nó liên quan và tác động đến rất nhiều ngành nghề khác nhau. Việc phát triển ngành Logistics sẽ đem lại giá trị thương mại cũng như tăng sức cạnh tranh cho cả nền kinh tế. Và áp dụng chuyển đổi số là một trong những phương thức giúp ngành này phát triển hiệu quả hơn.
Khi nói đến chuyển đổi số thì phải xét đến mức độ hữu ích của nó đối với hoạt động của các doanh nghiệp, nhưng mức độ này còn chịu sự chi phối của nhiều yếu tố khác nhau như quy mô doanh nghiệp, khả năng tài chính và đặc biệt là nhận thức doanh nghiệp. Trên thị trường hiện nay, bên cạnh một số doanh nghiệp lớn và các doanh nghiệp nước ngoài (hay còn gọi là doanh nghiệp xuyên quốc gia), có khoản 80% các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên cần có sự phân loại hợp lý, bởi với từng nhóm doanh nghiệp thì khả năng ứng dụng chuyển đổi số sẽ khác nhau. Nói đơn giản thì các doanh nghiệp với quy mô lớn sẽ có khả năng huy động vốn lớn để trang bị cho quá trình chuyển đổi số, nên mức độ tiếp cận của họ sẽ cao hơn các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hay với các doanh nghiệp nước ngoài thì trình độ tiếp cận của họ sẽ cao hơn do đã có cơ sở hạ tầng kỹ thuật vững chắc tại trụ sở chính quốc đảm bảo cho sự phát triển công nghệ của họ tại Việt Nam. Còn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì khả năng chuyển đổi số vẫn chưa được làm một cách tích cực và có nhiều yếu tố ảnh hưởng như tôi đã đề cập ở trên nhưng chủ yếu vẫn là yếu tố về nhận thức, tức là mọi người vẫn chưa hiểu rõ, chưa hiểu sâu tầm quan trọng của việc chuyển đổi số. Điều này rất nguy hiểm đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ vì chuyển đổi số là một quá trình tất yếu, nếu không làm từ những bước cơ bản để xây dựng nền tảng công nghệ thì trong tương lai doanh nghiệp khó có thể tham gia vào sân chơi chung của cả nền kinh tế.
Vậy doanh nghiệp logistic cần những bước chuyển mình nào khi áp dụng chuyển đổi số?
Theo tôi được biết, tuy gặp phải nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi số nhưng các doanh nghiệp Logistics đã nhận ra đây là một quá trình tất yếu phải làm, nếu không tham gia thực hiện thì tương lai sẽ rất khó để có thể xây dựng vị thế và cạnh tranh trên thị trường. Vì vậy, các doanh nghiệp đã bắt đầu từ những viên gạch đầu tiên nhằm tạo tiền đề cho việc ứng dụng chuyển đổi số ở trình độ cao hơn sau này. Cụ thể, các doanh nghiệp đã tìm kiếm và hợp tác thành từng nhóm với nhau để thực hiện việc chuyển đổi số ở từng mức độ khác nhau. Chẳng hạn, ở mức độ đơn giản, nhóm doanh nghiệp sẽ tập trung vào một số lĩnh vực cụ thể và sử dụng các công cụ cơ bản như Facebook, Zalo, Viber,… để tìm kiếm thêm khách hàng tiềm năng như việc áp dụng chuyển đổi số trong vận tải công cộng, mà tiêu biểu là hình thức xe ôm. Trước đây, hầu như không ai nghĩ đến việc có thể sử dụng dịch vụ đưa đón chỉ bằng một cú click hoặc một người tài xế có thể tiếp cận khách hàng chỉ nhờ vào điện thoại thông minh, nhưng chính sự ra đời của chuyển đổi số đã làm thay đổi hoàn toàn các phương thức cũ. Và như đã nói đây chính là bước khởi đầu trong quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp Logistics. Điều này cho thấy việc tiếp cận chuyển đổi số với các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay là một nhu cầu quan trọng, đòi hỏi các doanh nghiệp này cần có nhận thức đúng về chuyển đổi số để từng bước tiếp cận ở mức độ cao hơn trong lĩnh vực Logistics. Tuy rất cần thiết nhưng quá trình chuyển đổi số cần được thực hiện từ đơn giản đến phức tạp, để đảm bảo nền tảng vững chắc cho việc chuyển mình ở từng mức độ khác nhau.
Theo ông hướng giải quyết nào để tránh phát sinh tranh chấp trong quá trình sử dụng các dịch vụ điện tử đối với ngành Logistics?
Đầu tiên phải xét đến hình thức giao dịch giữa các bên trong quá trình sử dụng các dịch vụ điện tử. Giao dịch điện tử là một hình thức khác với giao dịch bằng giấy nên thói quen giao dịch sẽ có sự thay đổi ít nhiều. Trước đây, trong các giao dịch truyền thống thì văn bản giao dịch sẽ là văn bản giấy nên rất dễ để các bên xác định cũng như xác nhận việc giao kết, còn khi thực hiện giao dịch điện tử thì văn bản điện tử được áp dụng nên xuất hiện nhiều luồng quan điểm khác nhau. Trong đó, quan điểm về việc “Thư điện tử có phải là văn bản hay không?” hay “Những thứ khác như zalo, viber có phải là văn bản không?” dễ dẫn đến tranh chấp giữa các bên trong giao dịch điện tử liên quan đến hình thức giao dịch. Theo Luật Giao dịch điện tử thì những dạng thông điệp dữ liệu vừa được kể trên vẫn được xem là một loại văn bản, nhưng một số doanh nghiệp hiện nay cho rằng luật quy định như vậy nhưng việc nghiên cứu pháp luật vẫn chưa được rõ ràng nên việc giao dịch bằng thư điện tử chưa đủ giá trị pháp lý và cần thêm văn bản giấy ràng buộc. Tuy nhiên, nhận thức này là chưa đúng. Vì vậy, các doanh nghiệp cần chú ý là khi giao dịch điện tử phải tuân theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử. Ngoài ra, các doanh nghiệp lưu ý là khi có giao dịch điện tử với nhau cần thêm điều khoản rõ ràng về giá trị của các văn bản điện tử nhằm đảm bảo về mặt pháp luật để tránh tranh chấp sau này. Bên cạnh đó, cần xác định rõ địa chỉ giao dịch điện tử với nhau ngay từ đầu và nếu có sự thay đổi của một bên thì phải thông báo ngay cho các bên còn lại. Ví dụ như ở giai đoạn đầu giao dịch, một bên đã sử dụng địa chỉ của công ty nhưng ở giai đoạn sau lại dùng một địa chỉ giao dịch khác thì sẽ không được chấp nhận nếu không thông báo cho bên còn lại. Lưu ý là đối với giao dịch điện tử thì việc lưu trữ được thực hiện bằng các thiết bị điện tử thay vì in ra như giao dịch thông thường. Giao dịch điện tử chỉ được xem là có giá trị khi có thể truy xuất được (nghĩa là có thể tìm được trên thiết bị điện tử), vì vậy các bên giao dịch nên sao lưu trên nhiều thiết bị, đặc biệt phải đảm bảo nhiều năm sau có thể tìm lại vì không thể xác định được khi nào sẽ phát sinh tranh chấp nên các doanh nghiệp cần phải thận trọng.
Theo Đài truyền hình TP.Hồ Chí Minh HTV9